ClockThứ Ba, 23/10/2018 14:00

Cần đưa Luật Sở hữu trí tuệ vào trường đại học

TTH - Sinh viên là nhóm đối tượng có nguy cơ vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT), song hiện nay vấn đề tuyên truyền, giáo dục pháp luật liên quan đến lĩnh vực này vẫn chưa được coi trọng đúng mức.

Quyền sở hữu trí tuệ trong khởi nghiệp: Xác lập càng sớm càng tốt

Tuyên truyền Luật Sở hữu trí tuệ cho sinh viên là cần thiết

Dễ vi phạm

Tiếp xúc với sinh viên đang học các trường đại học (ĐH) tại Huế, không khó để thấy nhiều trường hợp đang sử dụng giáo trình, tài liệu tham khảo dưới dạng photo, nhưng hỏi đến chuyện vi phạm quyền tác giả, nhiều em lắc đầu không biết. Một sinh viên giải thích: “Giáo trình các môn dưới dạng photo được bán nhiều nơi, sinh viên cũng mượn photo để học. Giá một cuốn giáo trình tham khảo photo rẻ hơn nhiều so với bản gốc, nhưng nội dung vẫn đảm bảo nên lựa chọn này là tất yếu, còn chuyện vi phạm bản quyền hay các vấn đề liên quan thì chưa được nhắc nhở”.

Không chỉ sử dụng sách photo, sinh viên thường xuyên phải tiếp xúc với các giáo trình, tài liệu tham khảo để học tập, đặc biệt có tham gia làm nghiên cứu khoa học, các công trình niên luận, khóa luận tốt nghiệp nên nguy cơ sao chép ý tưởng, thông tin, thậm chí đạo văn rất dễ xảy ra. Theo nghiên cứu của các chuyên gia tại các hội thảo trong nước về SHTT, lĩnh vực vi phạm về SHTT trong giới học thuật nhiều nhất vẫn là việc khai thác các tác phẩm khoa học, bài giảng, luận văn tốt nghiệp, đề tài nghiên cứu khoa học các cấp.

Điều đáng nói là các em chưa ý thức được điều đó. Nguyên nhân là thiếu sự phổ biến, nâng cao nhận thức từ trường học. Theo tìm hiểu tại một số trường ĐH tại Huế, thời gian qua, việc phổ biến Luật SHTT cho sinh viên vẫn chưa được triển khai sâu rộng. PGS.TS. Hà Văn Hành, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế thừa nhận, hoạt động này chủ yếu lồng ghép trong tuần sinh hoạt công dân hay do giảng viên hướng dẫn làm công trình khóa luận nhắc nhở. Cái khó là thời gian học tập và các hoạt động của sinh viên nhiều và hiện vẫn có nhiều vấn đề cần phổ biến.

ThS. Lê Thị Hải Ngọc, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật & Đào tạo ngắn hạn (Trường ĐH Luật, ĐH Huế) cho rằng, một số trường chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này, hình thức và nội dung tuyên truyền Luật SHTT chưa phong phú và hấp dẫn nên khó mang lại hiệu quả khi tác động nhận thức của sinh viên. Trái lại, phía sinh viên cũng chưa chịu khó tìm hiểu, tra cứu những thông tin liên quan đến vấn đề này.

Giáo dục bằng nhiều hình thức

Theo ThS. Lê Thị Hải Ngọc, cần có những giải pháp sớm cho vấn đề này bởi đây là chuyện vừa liên quan đến đạo đức và cả pháp luật. Các trường cần đẩy mạnh các đợt phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho sinh viên về Luật SHTT. Bên cạnh cách làm truyền thống, cần mời chuyên gia về pháp luật để trao đổi, đưa ra các tình huống và giải thích sâu để sinh viên hiểu rõ. “Ngoài cách làm trên, Trường ĐH Luật đang nghiên cứu để thời gian tới cho thể áp dụng phần mềm chống đạo văn trong sinh viên. Đây là cách giải quyết các vi phạm, đồng thời để sinh viên nhận thức tốt hơn mà các trường ĐH cũng nên tham khảo”, bà Ngọc nói thêm.

Các trường cũng cần tổ chức nhiều hơn những buổi tọa đàm, chương trình trao đổi về SHTT, trong đó nội dung tập trung vào những chủ đề thiết thực với sinh viên như xâm phạm quyền tác giả khi sử dụng sách photo, cách thức tham khảo thông tin nghiên cứu nhưng không vi phạm Luật SHTT. Song song việc phổ biến kiến thức, cần tạo ra những sân chơi trí tuệ bổ ích, sinh động để sinh viên có thể vận dụng kiến thức đã học vào thực tế.

Một số trường ĐH trên toàn quốc đã đưa Luật SHTT vào chương trình giảng dạy và có thể đào tạo chuyên sâu với các lĩnh vực của SHTT, điều này tạo ra nhiều mặt tích cực trong học tập và nghiên cứu khoa học mà các trường ĐH ở Huế cần nghiên cứu tham khảo. Ngoài ra, tại các trường, việc phối kết hợp, tạo điều kiện để sinh viên có thể mua sách tham khảo, giáo trình chuyên đề với giá ưu đãi sẽ giảm tình trạng photo giáo trình. Các thư viện cũng cần trang bị lượng giáo trình, tài liệu cần thiết, phục vụ cho quá trình mượn học của sinh viên.

Giảng viên tại các cơ sở đào tạo cần thường xuyên trao đổi, nhắc nhở sinh viên tránh vấp phải các sai phạm liên quan đến Luật SHTT. Với vai trò là người trực tiếp giảng dạy, giới thiệu và hướng dẫn tài liệu, giáo trình cho sinh viên nên định hướng ngay từ đầu để sinh viên sử dụng các giáo trình phù hợp. Hướng giải pháp này cần triển khai đồng bộ cho tất cả sinh viên ở tất cả các môn học.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyển đổi số trong thanh niên, sinh viên

Đại học Huế với vai trò là trung tâm đào tạo hàng đầu miền Trung, đã chủ động tích hợp công nghệ số vào công tác Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên (ĐTN - HSV) nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, tăng cường hiệu quả quản lý và đẩy mạnh phong trào sinh viên.

Chuyển đổi số trong thanh niên, sinh viên
Tiếp sức cho học sinh, sinh viên đến trường

Nguồn vốn tín dụng từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phú Lộc đã hỗ trợ cho nhiều học sinh, sinh viên (HSSV) có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục theo đuổi ước mơ học tập, kiến tạo tương lai.

Tiếp sức cho học sinh, sinh viên đến trường
Hỗ trợ vé xe và máy bay cho sinh viên, người lao động về quê đón Tết

Ngày 30/11, theo thông tin từ Tỉnh đoàn, người dân Thừa Thiên Huế đang học tập và lao động tại TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương có thể đăng ký tham gia Chương trình "Mang Tết về nhà" năm 2025 để nhận được vé xe và máy bay miễn phí về quê đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Hỗ trợ vé xe và máy bay cho sinh viên, người lao động về quê đón Tết

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top