ClockThứ Ba, 08/10/2024 06:20

Chính sách đãi ngộ, thay đổi tư duy và xây dựng môi trường làm việc năng động - Bài 3: Chính sách đãi ngộ và hơn thế nữa

TTH - Vai trò và vị trí sẽ khác khi Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia. Lúc này, đòi hỏi có nguồn nhân lực chất lượng để chèo lái “con thuyền” lớn đến những vạch đích mới thành công.

Chính sách đãi ngộ, thay đổi tư duy và xây dựng môi trường làm việc năng động - Kỳ 1: Chưa thể “cầm máu” chất xámChính sách đãi ngộ, thay đổi tư duy và xây dựng môi trường làm việc năng động - Bài 2: Thiếu chính sách "giữ chân" và thu hút nhân lực chất lượng cao

 Đại học Huế là địa chỉ đào tạo đội ngũ nhân lực báo chí và truyền thông cho cả nước

Cần người tài cho giai đoạn mới

Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm; trong đó, có nhiệm vụ tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo đó, để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thì đòi hỏi có cơ chế chính sách thu hút, đãi ngộ mới. 

Liên quan đến nguồn nhân lực cho giai đoạn mới, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình thông tin, trước những yêu cầu mới về nguồn nhân lực chất lượng, năm 2023 UBND tỉnh ban hành đề án “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Trong đề án có phân tích, đánh giá rất rõ về thực tiễn nhu cầu nguồn nhân lực bình thường và nhân lực chất lượng cao.

"Trong giai đoạn mới như hiện nay, nhất là khi Thừa Thiên Huế tiến đến rất gần mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, vai trò của Huế sẽ khác đi, nặng nề hơn rất nhiều. Vì vậy, đòi hỏi phải phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm đảm bảo đủ về quy mô, đáp ứng về trí lực, thể lực, kỹ năng nghề nghiệp, đạo đức. Đặc biệt, chú trọng phát triển nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề cao nhằm đưa nhân lực chất lượng cao trở thành nền tảng, lợi thế đặc biệt quan trọng để thúc đẩy chuyển dịch cơ cầu kinh tế sang các ngành mũi nhọn, trọng điểm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững", Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình phân tích.

Theo các chuyên gia về xây dựng chính sách, vào những năm sau 2000, nhiều địa phương bắt đầu xây dựng và triển khai việc thu hút nhân tài. Hiện tại, một số địa phương triển khai chính sách phải đánh giá lại khi thu hút quá nhiều, ồ ạt, không có trọng tâm, trọng điểm. Việc thu hút được nhiều nhân tài cơ bản là giúp địa phương phát triển tốt. Song xét trên bình diện chung và thực tiễn phát triển của mỗi địa phương, việc thu hút quá nhiều cũng dẫn đến lãng phí.

Theo lãnh đạo tỉnh, phải đặt lại vấn đề là hiện nay tỉnh cần thu hút cái gì, ở đâu, ra sao, chứ không thể thu hút một cách đại trà. Khái niệm chất lượng cao cũng phải phân tích đánh giá. Cần có thước đo cụ thể về nhân tài, đã có những đóng góp gì cho xã hội, có sản phẩm gì để góp phần phát triển kinh tế… Chính vì thế, hiện tỉnh rất cân nhắc trong xây dựng các đề án thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Phải thu hút và trọng dụng nhân lực chất lượng một cách khoa học nhất.

Cuối năm 2023, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa có buổi làm việc với Đại học Huế về công tác đào tạo nhân lực báo chí và truyền thông. Ông Nguyễn Trọng Nghĩa đặt ra yêu cầu, lâu nay Đại học Huế đã là nơi đào tạo đội ngũ nhân lực báo chí truyền thông của khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước. Trước bối cảnh phát triển mới của đất nước, vai trò của Đại học Huế cũng dần lớn hơn nên đòi hỏi đơn vị phải nghiên cứu thực tiễn, đổi mới, lấy chất lượng đào tạo làm đầu; tăng cường thực tập từ thực tiễn; xây dựng báo chí đa phương tiện, truyền thông hiện đại. Hướng đến cung cấp nguồn nhân lực báo chí, truyền thông chất lượng, với tinh thần “tâm sáng, lòng son, bút sắc”.

Quan điểm mới, chính sách mới

Theo nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ, nghiên cứu của thế giới cho thấy, với vùng đất Cố đô, sau một thời gian tốc độ phát triển bị chững lại sẽ phát triển như thời hoàng kim trước đó. Với Huế, thời hoàng kim là lúc trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. “Tôi ở Huế, kinh qua nhiều cương vị, hiếm hoi lắm khi mà nghe các trí thức, người Huế và người Huế xa quê nói địa phương đổi mới, khởi sắc và cởi mở từng ngày. Có lẽ thành tựu lớn nhất thời gian qua là đã làm thay đổi được tư duy, nhận thức đó. Người dân đã cống hiến nhiều hơn, có trách nhiệm với vùng đất, quê hương. Đó là nền tảng để huy động sức mạnh toàn dân”, ông Phan Ngọc Thọ nói.

TS.KTS. Lê Vĩnh An, cán bộ từng làm việc tại Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế hiện công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh góp ý, đã đến lúc chúng ta phải “ôn cố tri tân”, phân tích làm rõ nguyên nhân chưa làm tốt trong trọng dụng và thu hút nhân tài thời gian qua, từ đó tìm giải pháp khắc phục. Khi đã nhìn nhận đúng vấn đề mới có thể tính đến tương lai. Những người Huế xa quê đang rất nhiều, rất thành công. Tâm lý chung của người xa quê luôn mong muốn trở về, ít nhiều để phụng sự quê hương. Cuộc sống luôn vận hành liên tục, khi có sự thay đổi, có sự mong cầu họ sẽ trở về. Đây là nguồn lực vô cùng lớn cho Huế làm nền tảng để phát triển. Tỉnh nên có động thái để kêu gọi sự trở về đó, cùng chung tay xây dựng quê hương. Với tôi cũng thế, có lẽ tôi cũng sẽ trở về khi được sự kêu gọi đúng lúc.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho rằng, hiện nay, quan điểm và định hướng trong trọng dụng, thu hút nhân tài đã có sự thay đổi. Đặc biệt là trong tuyển dụng, đến việc sử dụng nguồn nhân lực. Tâm lý lâu nay chỉ tuyển dụng người Huế vào làm việc đã thay đổi. Hiện nay, tất cả nhân tài, nguồn nhân lực ở khắp mọi nơi có nhu cầu đến Huế làm việc, cống hiến mà tỉnh đang thiếu thì sẵn sàng chào đón và tạo tối đa mọi điều kiện.

Cũng theo ông Nguyễn Thanh Bình, với nguồn lực hiện tại, cách tiếp cận trong thu hút nhân tài tốt nhất là từng lĩnh vực một, từng phân khúc mà tỉnh đang cần. Sau đó tiến đến nhiều lĩnh vực, chứ không thể cùng một lúc thu hút nhiều. Theo đó, thứ tự sẽ là khối ngành y tế, giáo dục, du lịch, công nghệ thông tin... Như vừa qua, tỉnh ban hành chế độ chính sách đãi ngộ, thi cử cho Trường THPT Chuyên Quốc học Huế. Trước đó, tỉnh ban hành nghị quyết thu hút nhân lực ở lĩnh vực y tế giai đoạn 2023 - 2025.

Một mục tiêu khác được đặt ra là khi thu hút nguồn nhân lực chất lượng cũng phải tạo điều kiện, môi trường làm việc năng động để nguồn nhân lực này phát huy hết năng lực, sở trường. Còn nếu như bằng mọi cách thu hút nhân tài về mà không đáp ứng được nhu cầu công việc, bị hạn chế trong các quy định thì việc nhân tài đến rồi rời đi là chuyện rất dễ xảy ra.

Môi trường làm việc năng động, thân thiện

GS.TS. Nguyễn Vũ Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường đại học Y – Dược, Đại học Huế cho biết, từ những năm 2010 trở về trước, nguồn nhân lực ở trường ra đi khá nhiều. Qua các năm gần đây, số lượng giảm dần. Hiện nay, số nhân lực của trường ra đi vẫn còn, song chỉ đếm trên đầu ngón tay. Giải pháp được nhà trường triển khai là xây dựng nguồn nhân lực từ gốc. Có nghĩa là tuyển dụng từ khi còn trẻ, sau đó tạo điều kiện cho nhân lực học tập, nghiên cứu để trở thành những người có chuyên môn sâu. Gắn bó từ lúc khó khăn, khi thành công, nhân lực chất lượng cũng sẽ tiếp tục gắn bó lâu dài với trường. Cũng phải nói thêm, sau COVID-19, quan điểm về môi trường làm việc của nhiều người thay đổi. Nhiều người đều đánh giá Huế có môi trường sống và làm việc lý tưởng, nơi để gắn bó lâu dài.

Tại Đại học Huế, trong bối cảnh nguồn lực vẫn còn khó khăn như hiện nay, năm 2023, Đại học Huế vẫn cố gắng tăng hơn 1 tỷ đồng để khen thưởng cán bộ, giảng viên có nhiều thành tích cao trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, tạo nhiều cơ hội cho cán bộ trẻ tham gia các dự án. Hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh, đưa các giảng viên trẻ cùng tham gia phát triển chuyên môn.

PGS.TS. Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế cho biết, rất nhiều chuyên gia nước ngoài đến Huế công tác, làm việc đều có nhận định rằng, Huế có môi trường sống trong lành, yên bình, phù hợp với xu hướng hiện nay của giới trí thức tìm kiếm nơi làm việc xanh, kết hợp với nghỉ dưỡng. Với nền tảng môi trường sống sẵn có, Đại học Huế nỗ lực tạo mọi điều kiện, không gian làm việc lý tưởng, môi trường làm việc như gia đình, để đội ngũ nhân tài đến làm việc phát huy hết năng lực; góp phần vào sự phát triển của Đại học Huế và Thừa Thiên Huế trong thời gian đến.

Để thu hút được nguồn nhân lực chất lượng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh, mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đã rất gần. Khi đó, việc thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư sẽ thuận lợi hơn. Thêm nhiều cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp, tổ chức được hình thành mới. Thêm nhiều cơ hội để phát triển cho nhân lực đang làm việc và sẽ đến Huế làm việc. Tỉnh sẽ có những giải pháp để xây dựng một môi trường làm việc năng động, khoa học, gắn kết. Cùng với đó tiếp tục xây dựng môi trường “xanh, sạch, sáng”, nơi có môi trường sống trong lành và an nhiên. Các giải pháp chung quy lại để thu hút được nhiều nhân tài đến Huế sinh sống và cống hiến, để đưa "còn thuyền" mang tên thành phố trực thuộc Trung ương đến các vạch đích mới.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cần tháo gỡ các nút thắt về vốn cho hoạt động tín dụng chính sách

Ngày 25/10, Đoàn công tác của Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Việt Nam do ông Ngô Văn Cương, thành viên HĐQT NHCSXH Việt Nam làm Trưởng đoàn đã có buổi kiểm tra, giám sát đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh.

Cần tháo gỡ các nút thắt về vốn cho hoạt động tín dụng chính sách
Vốn tín dụng chính sách ưu đãi: Cơ hội thay đổi cuộc đời

Ở thôn An Truyền (xã Phú An, Phú Vang), từ sự quan tâm của chính quyền địa phương và Ngân hàng chính sách xã hội huyện, có nhiều học sinh, sinh viên (HSSV) tưởng chừng phải bỏ học giữa chừng, được “chắp cánh” bằng vốn vay chính sách, tiếp tục học hành. Những gia đình này còn đồng thời được vay vốn phát triển kinh tế, thay đổi cuộc đời.

Vốn tín dụng chính sách ưu đãi Cơ hội thay đổi cuộc đời
Năng động và sáng tạo

Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã và đang xây dựng hình ảnh và phẩm chất người phụ nữ đáp ứng yêu cầu thời đại mới: Có tri thức, đạo đức, sức khỏe; có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước.

Năng động và sáng tạo

TIN MỚI

Return to top