|
Trường đại học Luật nhiều năm qua cung ứng cho xã hội đội ngũ nhân lực chất lượng |
Thừa Thiên Huế là “trung tâm” đào tạo, bệ phóng nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Tuy nhiên, sự ra đi của quá nhiều nhân tài đã làm cho Huế mất dần nhân lực chất lượng.
Bệ phóng nhân tài
Nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ nhiều lần phân tích, Huế từng là kinh đô của triều đại phong kiến cuối cùng tại Việt Nam. Trong một thời gian dài, rất nhiều nhân tài đã đến Huế sinh sống, làm việc. Suốt chặng đường đó, nguồn nhân lực này đã góp phần xây dựng, phát triển cho vùng đất Cố đô đạt đến đỉnh cao, thịnh vượng, để lại cho hậu thế những giá trị trường tồn cả về vật thể và phi vật thể.
Huế không tránh khỏi quy luật phát triển khách quan của xã hội. Đó là khi đạt đến đỉnh cao sẽ dần đến thoái trào. Từ kinh đô trở thành cố đô, nhân tài vì thế cũng lần lượt rời Huế ra đi. Huế như là bệ phóng nguồn nhân lực chất lượng cao cho cả nước, thậm chí là trên thế giới. Những người ra đi rất thành công và đạt nhiều thành tựu trên mọi lĩnh vực. Nhờ thế mà Huế ít nhiều có được “tiếng thơm”.
|
Chuyên gia nước ngoài tham gia đào tạo cho nhân lực y tế của Thừa Thiên Huế |
Qua 67 năm xây dựng và phát triển, đặc biệt là 30 năm tái thành lập, Đại học Huế đã đào tạo và cấp bằng cho hơn 320 ngàn bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư, cử nhân; gần 24,3 ngàn thạc sĩ và 678 tiến sĩ. Nhiều cựu sinh viên và học viên thành đạt trên nhiều lĩnh vực, nắm giữ các vị trí quan trọng cho sự phát triển chung của đất nước. Một số giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp cao của các bộ, ban, ngành Trung ương và đứng đầu tổ chức Đảng, chính quyền địa phương các cấp; trong đó, nổi bật là số lượng nhân lực trình độ cao ở các lĩnh vực y - dược, sư phạm, nghệ thuật, nông - lâm - ngư, pháp luật, du lịch…
Mới đây, trong buổi làm việc thúc đẩy hợp tác giữa Đại học Huế và Trường đại học Duy Tân (Đà Nẵng), lãnh đạo Trường đại học Duy Tân cho biết, xét về lịch sử, trường còn khá non trẻ, song có được thành công như hiện tại là nhờ vào Đại học Huế nói riêng và Thừa Thiên Huế nói chung. Con số rất bất ngờ là gần 90% nguồn nhân lực của trường đều có nguồn gốc ở Thừa Thiên Huế, hoặc từng học tập, làm việc tại vùng đất Cố đô.
Trở thành trung tâm đào tạo ra nguồn nhân lực cho khu vực và cả nước là điều đáng tự hào đối với Huế. Điều này cũng xứng đáng với danh hiệu mà nhiều nơi đặt cho Huế là vùng đất học. Nhưng ở góc độ khác, vấn đề được đặt ngược trở lại là khi nhân tài rời đi hết thì liệu có còn nhân lực chất lượng để đảm nhiệm những vị trí quan trọng, nhiệm vụ mới, mang tính xu hướng phát triển của tương lai. Nhất là khi Thừa Thiên Huế hướng đến trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia.
Vẫn còn “chảy máu”
Câu chuyện Huế bị chảy máu “chất xám” và giải pháp “cầm máu” được bàn luận, phân tích từ 2 - 3 thập kỷ trở lại đây. Đỉnh điểm của việc nhân tài lần lượt rời đi là những năm từ 2000 – 2010. Hiện tại, sự ra đi dù không còn ồ ạt như trước, song việc chảy máu “chất xám” vẫn còn diễn ra. Sự ra đi ở tất cả lĩnh vực, từ hành chính công, các nhà nghiên cứu, đội ngũ trí thức ở Đại học Huế…
Vì sao Huế bị "chảy máu chất xám”, không khó để tìm được nguyên nhân. Đầu tiên là các nơi trải “thảm đỏ” với các chính sách hấp dẫn. Cán bộ, giảng viên chuyển đến đều có mức lương cao gấp 2 - 3 lần. Chính sách thu hút ban đầu của các đơn vị cũng rất cao. Chẳng hạn như được hỗ trợ tiền mặt vài trăm triệu đồng, hỗ trợ nơi ở, các điều kiện khác về môi trường làm việc, nghiên cứu khoa học…; trong khi đó, Thừa Thiên Huế chưa có những chính sách "giữ chân" đủ tốt, hay chưa tạo được môi trường làm việc để kích thích tối đa năng lực của đội ngũ tri thức.
|
TS. Trần Quang Hóa, Phó Trưởng khoa Toán học, Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế trở về Việt Nam làm việc sau thời gian học tiến sĩ ở nước ngoài |
Ở Đại học Huế, chỉ tính riêng trong năm 2022, Trường đại học Kinh tế mất khoảng 10 tiến sĩ. Đây là những tiến sĩ tốt nghiệp ở nước ngoài trở về. Khi học xong về nước, nhiều nơi, chủ yếu là khu vực miền Nam mời chào với mức thu nhập cao. Phần lớn các tiến sĩ học ở nước ngoài theo dạng tự tìm học bổng, hoặc tự túc. Sau khi trở về, đơn vị quản lý không thể có các ràng buộc về thời gian công tác như đi học từ ngân sách của trường. Hay như tại Trường đại học Sư phạm, việc "chảy máu" diễn ra khi một số giảng viên tham gia các chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài, sau đó ở lại, định cư nước ngoài, mà không quay trở về phục vụ quê hương.
Trường đại học Nông Lâm, Đại học Huế là một trong những đơn vị có số lượng giảng viên rời trường nhiều nhất ở Đại học Huế thời gian qua. Nhiều giảng viên học ở nước ngoài thông qua các tổ chức. Khi trở về nước, chính các dự án, tổ chức này thu hút sang làm việc. Lập một so sánh đơn giản về mức lương của một tân tiến sĩ vào khoảng 10 triệu đồng/tháng, nếu chưa phải là giảng viên chính; trong khi đó, khi chuyển sang làm dự án, thu nhập có thể gấp 5 - 6 lần. Sự chênh lệch này khiến các giảng viên khó mà từ chối lời mời.
Ban Tổ chức cán bộ, Đại học Huế cho hay, cách đây vài năm, tại Trường đại học Luật có một trường hợp rời đi tốn rất nhiều thời gian để giải quyết. Đó là một tiến sĩ Luật, sau thời gian gắn bó với Trường đại học Luật đã quyết định chuyển công tác vào miền Nam. Nhà trường không đồng ý và có nhiều giải pháp để giữ chân. Từ thuyết phục, động viên cho đến sử dụng yếu tố pháp lý. Hai bên mãi không thể giải quyết. Đại học Huế mời hòa giải, nhưng mọi giải pháp đưa ra đều không được chấp nhận và buộc phải đồng ý để tiến sĩ này rời đi.
Nỗi niềm người trong cuộc
Cách đây ít năm, Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với gần 20 giảng viên, cán bộ. Lãnh đạo nhà trường trăn trở, thật sự nhà trường không hề muốn phải chia tay các cán bộ, giảng viên đã gắn bó rất lâu với trường như vậy. Việc tuyển sinh quá khó khăn, ngân sách lại hạn hẹp không đủ để trả lương, nên bất đắc dĩ trường phải có quyết định như thế.
Tương tự, PGS.TS. Trần Thanh Đức, Hiệu trưởng Trường đại học Nông Lâm, Đại học Huế chia sẻ, thời gian qua, tuyển sinh của nhà trường đang rất khó khăn. Đến năm 2024 này, quan điểm từ người học không muốn đăng ký vào những ngành nông lâm vẫn còn, nên việc tuyển sinh chưa có sự chuyển biến. Tuyển sinh khó làm ảnh hưởng đến mức thu nhập của đội ngũ giảng viên. Nhà trường vẫn đang nỗ lực để chăm lo đời sống giảng viên một cách tốt nhất. Song câu chuyện giữ chân được bao lâu thì rất khó để trả lời được.
Trở lại câu chuyện tiến sĩ Luật đã quyết định rời Đại học Huế để vào miền Nam, tiến sĩ này cho hay, thu nhập không phải là vấn đề quyết định ra đi, mà là cơ hội phát triển nghề nghiệp. Đối với những giảng viên đại học, quan trọng là môi trường về học thuật và quản trị. Ở miền Trung, trong đó có Huế còn bị hạn chế về không gian, cơ hội giao lưu, học tập và phát triển nghề nghiệp.
TS.KTS. Lê Vĩnh An, cán bộ từng làm việc tại Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế hiện đang công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh trải lòng, thật sự tôi không hề muốn rời Huế để đi làm một tỉnh thành khác. Ở Huế có bố mẹ già, có con đang độ tuổi đi học, có các điều kiện để ổn định cuộc sống lâu dài… Là một người con gốc Huế, trong tâm mình luôn mong muốn cống hiến cho quê hương. Nhưng với bản thân thích hợp với nghiên cứu khoa học; quan điểm, cách xử lý công việc khác với tập thể thời điểm đó. Khi không phù hợp thì buộc phải tìm kiếm một môi trường khác.
Đánh giá về câu chuyện vẫn còn "chảy máu" chất xám, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình thẳng thắn, nguồn nhân lực ở Huế nói chung và Đại học Huế nói riêng được đánh giá rất cao cả về số lượng và chất lượng. Thực tiễn hiện nay khó để có chiến lược để giữ chân và thu hút nguồn nhân lực chất lượng có tính bài bản, phủ khắp trên mọi lĩnh vực. Bên cạnh đó, cũng phải nhìn nhận, Huế đang thiếu đi môi trường làm việc năng động để những nhân tài thể hiện hết năng lực bản thân.
(Còn nữa)