ClockThứ Năm, 04/04/2024 05:59

Cô học trò nhỏ đam mê robot

TTH - Trần Nguyễn Bảo Ngọc, học sinh lớp 5/1, Trường tiểu học Vĩnh Ninh cùng các đồng đội đã vượt qua các đối thủ khi tranh tài tại cuộc thi robot quốc tế - Global Robotics Games dành cho học sinh tiểu học tại Singapore.

Học trò “săn” giải quốc tếChắp cánh ước mơCô học trò vùng bãi ngang vượt khó

Bảo Ngọc (bìa phải) cùng các đồng đội nhận giải tại cuộc thi. Ảnh: Trung tâm Eureka - Huế 

Lần đầu tiên tham gia cuộc thi robot quốc tế - Global Robotics Games dành cho học sinh tiểu học tại Singapore, Trần Nguyễn Bảo Ngọc cùng các đồng đội đã xuất sắc giành giải Nhì cuộc thi. Global Robotics Games là giải đấu do tổ chức phi chính phủ Developing Innovative Youth phối hợp cùng Science Centre của Chính phủ Singapore tổ chức lần đầu tiên, thu hút 250 đội thi đến từ 6 quốc gia. Đây là cuộc thi STEM Robotics duy nhất phục vụ cho nhóm tuổi từ 4 đến 10 tuổi.

Với chủ đề “Xây dựng giải pháp robot giúp phát triển bền vững môi trường học tập”, các đội thi tham gia đóng góp ý kiến và tạo dựng các giải pháp liên quan đến chủ đề. Tham gia cuộc thi này, Bảo Ngọc đảm nhận vai trò đội trưởng đội Eureka B0.05 của Trung tâm Eureka - Huế. Ngoài đoạt giải cùng đội thi, Bảo Ngọc còn đạt thêm giải nữ đội trưởng xuất sắc tại cuộc thi khi tranh tài cùng các đội đến từ Singapore, Ấn Độ, Trung Quốc, Sri Lanka, Dubai.

Theo bà Ngô Thị Thuận, giảng viên STEM Robotics, Trung tâm Eureka - Huế, ngoài đam mê yêu thích về STEM Robotics, học sinh tham gia cuộc thi cần trang bị nhiều kỹ năng, như lắp ráp robot, lập trình, điều khiển và vận hành robot, tư duy sáng tạo, giải quyết vấn đè, kỹ năng giao tiếp và hợp tác nhóm... Học sinh cần nghiên cứu đề thi, tìm các giải pháp kỹ thuật để đề xuất xây dựng mô hình robot, thử nghiệm, điều chỉnh, nâng cấp. Các robot phải tiến hành thực hiện các nhiệm vụ khác nhau nên kỹ năng lập trình tối ưu sẽ giúp hỗ trợ cho phần kỹ thuật của robot hoàn thành tốt các nhiệm vụ thi đấu. Với số lượng nhiệm vụ khác nhau trong thời gian thi đấu 2 phút, sự ổn định trong chiến thuật thi đấu và kỹ năng điều khiển vận hành robot là vô cùng quan trọng.

Đội của Bảo Ngọc gồm 3 thành viên, thi đấu theo hình thức nhóm, mỗi học sinh có những nhiệm vụ khác nhau, như điều khiển robot, lập trình, định hướng robot... Tùy vào thế mạnh của từng học sinh để đảm nhiệm những nhiệm vụ khác nhau, thế nên kỹ năng giao tiếp và hợp tác nhóm một cách nhịp nhàng là điều kiện quan trọng trong cuộc thi này.

Đề thi luôn có yếu tố mở để học sinh tìm các giải pháp sáng tạo, giải quyết vấn đề một cách hiệu quả nhất. Ngoài các luật đã quy định, khi đến với cuộc thi, học sinh sẽ phải tự giải quyết đề bất ngờ do ban tổ chức đưa ra. Ở nhiệm vụ này, các em phải tự thảo luận, tìm phương án để giải quyết vấn đề mới. Hơn nữa, trong quá trình thi đấu, có rất nhiều tình huống phát sinh, bình tĩnh và khả năng giải quyết vấn đề là chìa khóa giúp học sinh giành chiến thắng.

Bảo Ngọc và những bạn tham gia thi đấu đa phần đều trải qua quá trình học tập Lego Robotics lâu dài theo các chương trình đào tạo chuẩn STEM của Lego Education (đơn vị hàng đầu thế giới về giáo dục STEM Robotics). Trong các chương trình này, các em được học tập về khoa học, về lắp ráp lập trình robot, rèn luyện các kỹ năng thiết yếu, như giao tiếp, hợp tác, tư duy sáng tạo, tư duy phản biện, giải quyết vấn đề...

Nhìn cô học trò nhỏ nói năng nhẹ nhàng, phong thái khoan thai, không nghĩ cô bé lại đam mê robot. Chị Nguyễn Ngọc Minh Chung, mẹ Bảo Ngọc nhớ lại, từ khi còn nhỏ, Ngọc đã rất thích chơi robot, lúc nào cũng mày mò lắp ghép. Vào tiểu học, cháu rất thích các tiết học STEM. Từ năm học lớp 3, Ngọc được mẹ cho theo học robocon ở Trung tâm Eureka - Huế.

Khác với vẻ ngoài khá rụt rè, khi tranh tài tại đấu trường quốc tế, Bảo Ngọc mạnh mẽ, tự tin và đầy say mê, nhất là thành thạo, am hiểu các công đoạn lập trình robot. Bảo Ngọc chia sẻ: “Cháu rất thích robot, nhất là lắp ráp, lập trình. Khi đi thi đấu quốc tế, tâm lý cháu rất thoải mái nên không áp lực, chỉ tập trung thực hiện thật tốt phần thi của mình. Sau này, cháu mơ ước sẽ trở thành kỹ sư chế tạo robot”.

MINH HIỀN
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thỏa đam mê & phát triển toàn diện

Để tạo sân chơi lành mạnh cho học sinh sau những giờ học tập căng thẳng, các trường học đã hình thành nhiều mô hình câu lạc bộ (CLB), từ CLB học thuật đến sở thích. Không chỉ thỏa niềm đam mê, rèn luyện các kỹ năng cơ bản, các CLB còn giúp học sinh hình thành năng lực, phẩm chất từ sớm, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Thỏa đam mê  phát triển toàn diện
Đam mê vượt lên bệnh tật

Giữa tháng 12 vừa qua, tại thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra giải đấu Vietnam Powerlifting Competition (VPC) 2023. Giải đấu có sự góp mặt của nhiều vận động viên trên toàn quốc, trong đó có đội tuyển Powerlifting đến từ Huế, do anh Nguyễn Thanh Vỹ (1997) dẫn dắt. Rời Sài Gòn, các bạn trẻ Cố đô mang theo vinh quang trở về khi cả 4 thành viên đều giành được huy chương. Trong đó, phải kể đến vận động viên (VĐV) Hoàng Trần Trọng An (1999) khi mà mới hơn 2 năm trước, VĐV này vẫn còn tuyệt vọng vì thoát vị đĩa đệm nặng, có nguy cơ liệt vĩnh viễn.

Đam mê vượt lên bệnh tật
Nhà khoa học Huế đam mê nghiên cứu dược chất thiên nhiên

Tại Lễ trao Giải thưởng “L’ORÉAL - UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học” năm 2023, PGS.TS. Nguyễn Thị Ái Nhung gây ấn tượng với hình ảnh “rất Huế” khi thuyết trình với quan khách về đề tài nghiên cứu liên quan đến tiềm năng và ứng dụng những cây dược liệu đặc hữu ở tỉnh Thừa Thiên Huế trong hỗ trợ điều trị bệnh phục vụ cho việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Chị là một trong 3 nhà khoa học nữ được L’ORÉAL - UNESCO vinh danh năm 2023.

Nhà khoa học Huế đam mê nghiên cứu dược chất thiên nhiên

TIN MỚI

Return to top