ClockThứ Ba, 18/08/2015 16:01

Còn thiếu những nhà giáo tâm huyết với nghề

TTH - Hiện, toàn tỉnh có 19.901 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên trường học. Trong đó, giáo viên đang trực tiếp đứng lớp là 15.707 người, gồm 3.494 giáo viên mầm non, 5.112 giáo viên tiểu học, 4.457 giáo viên THCS, 2.312 giáo viên THPT và 332 giáo viên dạy tại các trung tâm giáo dục thường xuyên.

Cô trò Trường tiểu học Lý Thường Kiệt (ảnh minh họa)

Phần lớn giáo viên phổ thông ở Thừa Thiên Huế đều có trình độ đào tạo đạt và trên chuẩn. Cụ thể, bậc mầm non có 99,7% giáo viên đạt và vượt chuẩn; con số này ở tiểu học là 100%, THCS là 99,4% và THPT là 100%, tại các trung tâm giáo dục thường xuyên, tin học... tỷ lệ này là 98,5%. Số giáo viên trình độ trên chuẩn của ngành là 74,79% (mầm non 84,7%, tiểu học 92,7%. THCS 80,5%; THPT 1,8% và các trung tâm là 7,8%)...

Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh hiện nay tỷ lệ giáo viên có trình độ đạt chuẩn cao nhưng chưa tương xứng với yêu cầu về chất lượng, kỹ năng sư phạm hạn chế, phương pháp giảng dạy chậm đổi mới. Số giáo viên có khả năng sử dụng thành thạo ngoại ngữ tin học còn chiếm tỷ lệ thấp. Đáng chú ý, công tác đào tạo giáo viên chưa thật sự gắn kết với nhu cầu sử dụng của từng địa phương, vùng miền. Công tác xây dựng quy hoạch, phát triển đội ngũ chưa được các cấp quản lý quan tâm đúng mức.
Trong hội nghị tổng kết năm học 2014-2015, không dưới 2 lần, lãnh đạo tỉnh và ngành khẳng định, trong đội ngũ giáo viên, không ít người vẫn chưa thực sự đổ mồ hôi vì công việc, vì sự nghiệp giáo dục. Chỉ riêng môn tiếng Anh, ngay trong hội nghị tổng kết vừa qua, ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã cho rằng, học sinh “ta” học 12 năm tiếng Anh nhưng “nói” vẫn không tròn câu. Quả thật, không chỉ thiếu giáo viên tốt ở vùng sâu mà ngay ở thành phố, còn rất nhiều giáo viên dạy chưa tốt, cũng vậy, không chỉ môn tiếng Anh mà rất nhiều môn, học sinh phổ thông, sau 12 năm học liên tục, kết quả thi tốt nghiệp chỉ đạt điểm dưới 3/10.
Thực tế, giáo viên không thiếu, nhưng giáo viên thực sự vì sự nghiệp giáo dục vì đàn em thân yêu, vì bài giảng trên lớp... lại không nhiều. Cơ cấu giáo viên vẫn mất cân đối giữa các môn học, bậc học, các vùng, miền. Chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ nhà giáo có mặt chưa đáp ứng yêu cầu và chỉ là truyền đạt lý thuyết, ít chú ý đến phát triển tư duy, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành của người học.
Năm học tới, ngành GD&ĐT tiếp tục xây dựng kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình sách giáo khoa. Chú trọng đổi mới sinh hoạt chuyên môn, nâng cao vai trò giáo viên chủ nhiệm. Về quản lý, ngành sẽ tổ chức trên diện rộng công tác thi tuyển các chức danh cán bộ quản lý ở các đơn vị trực thuộc. Thực hiện chuyển đổi giáo viên để điều hòa chất lượng giữa các đơn vị trong từng khu vực và từng địa phương. Riêng giáo viên tiếng Anh sẽ đẩy mạnh và tiến tới hoàn thành công tác chuẩn hóa.
Bài, ảnh: Hương Giang
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kích thích sáng tạo của học sinh tiểu học

Qua gần 1 năm học triển khai đại trà ở cấp tiểu học, giáo dục STEM lôi cuốn sự hứng thú và kích thích sự sáng tạo của học sinh. Điều này được khẳng định qua các sản phẩm trưng bày tại ngày hội STEM cấp tiểu học lần đầu tiên được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức vào cuối tháng Tư.

Kích thích sáng tạo của học sinh tiểu học
Cậu học trò với nhiều giải thưởng

Ở tuổi 17, dù chỉ mới “chạm ngõ” với văn chương, nhưng Nguyễn Văn Đức Anh (học sinh lớp 11, Trường THPT Trần Văn Kỷ, huyện Phong Điền) đã “gặt hái” nhiều giải thưởng từ các cuộc thi viết.

Cậu học trò với nhiều giải thưởng

TIN MỚI

Return to top