Đào tạo về kỹ năng số cho lao động là yêu cầu tất yếu trong thời đại công nghệ số, chuyển đổi số
Đào tạo nghề IT gắn với doanh nghiệp
Có 80% thời gian đào tạo thực hành và ít nhất 30% thực tế, thực tập tại DN, đó là chương trình đào tạo được cải tiến phù hợp với sự phát triển và thực tế DN được Khoa Công nghệ thông tin - Truyền thông (CNTT-TT), Trường cao đẳng Công nghiệp Huế (HueIC) đang triển khai thực hiện.
Đầu năm học 2022- 2023 đến nay, các tân sinh viên Khoa CNTT - TT, HueIC đã có những chuyến đi thực tế tại các DN trên địa bàn tỉnh. Đến với Công ty TNHH Truyền thông và Giải trí Thái Thu (Thai Thu Marketing), TP. Huế, các sinh viên chuyên ngành Thương mại điện tử - HueIC được các chuyên gia trong lĩnh vực marketing trao đổi về chiến lược marketing ở các sàn thương mại điện tử hiện nay và trực tiếp cảm nhận không khí làm việc tại công ty này.
Sinh viên các ngành khác của Khoa CNTT-TT hiện đang được đào tạo là CNTT - Ứng dụng phần mềm, Tin học ứng dụng, Truyền thông và mạng máy tính cũng được tổ chức đi thực tế tại các DN liên kết. Các DN được lựa chọn là những DN chuyên về IT hoặc liên quan đến chuyên ngành của khoa đang đào tạo trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận. Qua đó không chỉ nâng cao kiến thức, kỹ năng thực hành mà còn giúp sinh viên khi tham gia thị trường lao động không bỡ ngỡ.
Hiện Khoa CNTT-TT có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với khoảng trên 50 DN. Trong đó, có nhiều DN là cựu sinh viên của khoa. Nhờ phối hợp tốt với DN, nhiều sinh viên IT của Khoa CNTT-TT, HueIC đã được các công ty tuyển dụng ngay sau khi hoàn thành thực tập DN.
Đánh giá về chuyên ngành đào tạo cũng như mô hình liên kết thực hành này, đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, với nhu cầu nhân lực ngành công nghệ thông tin ngày càng tăng, sự kết hợp giữa nhà trường và DN trong đào tạo ngành IT đã mang lại hiệu quả thiết thực, nhằm đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực cũng như giải quyết nhu cầu việc làm hiện nay. Bên cạnh đó, để đáp ứng 10.000 lao động công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu công việc, ngành lao động cũng tập trung phát triển các cơ sở GDNN có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới công nghệ, thích ứng với xu hướng chung toàn cầu.
Làm chủ công nghệ
Toàn tỉnh hiện có 323.300 thanh niên, lao động trẻ, chiếm 28,55% dân số toàn tỉnh và chiếm tỷ lệ lớn lao động của toàn xã hội. Phát triển nguồn nhân lực, tạo việc làm và đảm bảo an sinh xã hội là mục tiêu đặt ra, trong đó, tỉnh chú trọng đến nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với hình thành kỹ năng số cho lao động trẻ. Giai đoạn 2016-2020, công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh được quan tâm, qua đó đã đào tạo thuộc giáo dục nghề nghiệp đạt 73.979 lao động học nghề; trong đó, ưu tiên đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với những nội dung và yêu cầu mới, đòi hỏi ngành lao động, nhất là lĩnh vực đào tạo phải đổi mới tư duy và hành động, cơ cấu lại chương trình, phương pháp đào tạo để trang bị kỹ năng, phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số, xã hội số và coi đây là nhân tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh...
Kế hoạch thực hiện Chiến lược Phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế do UBND tỉnh ban hành cũng đặt mục tiêu phát triển nhanh GDNN nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, của người dân và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh trong từng giai đoạn.
Nhằm đẩy mạnh các hoạt động xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học - công nghệ giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh khuyến khích, cổ vũ và phát huy thanh niên đề xuất sáng kiến, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ, kinh tế số vào lao động, sản xuất, kinh doanh; cải tiến, đổi mới, sáng tạo kiểu dáng, mẫu mã góp phần nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm.
Từ yêu cầu này đòi hỏi mỗi lao động trẻ cần được trang bị kỹ năng số ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cũng như khi khởi đầu tham gia vào thị trường lao động. Đây cũng là yêu cầu cấp thiết về nghiên cứu, thực hiện chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế phát triển nhanh và bền vững, sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 05 về xây dựng Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn của cả nước về giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG