ClockThứ Hai, 09/07/2018 13:15

Dạy trò biết chia sẻ yêu thương

TTH - Xuất phát từ trái tim yêu thương, thông qua những việc làm tuy không lớn, nhưng hết sức nhân văn, các thầy cô giáo ở Phú Vang đã giúp học sinh thấu hiểu được ý nghĩa to lớn của sự sẻ chia, tình cảm yêu thương giữa con người với con người để từ đó có những hành động đẹp.

Gắn kết yêu thương

  

Ngày hội quyên sách ở Phú Vang

Lướt nhanh màn hình điện thoại di động, Lê Thị Cẩm Nhung, học sinh lớp 9/2, Trường THCS Vinh Phú đưa cho tôi đọc những dòng tin nhắn giữa em và cô giáo chủ nhiệm Lê Thị Thùy Trang. “Em đã ngủ chưa”; “Dạ, chưa thưa cô. Em mới dọn quán xong”; “Công việc chắc vất vả lắm phải không?”; “Dạ… Em nhớ nhà, nhớ cô, nhớ bạn lắm”; “Cô biết vì gia đình khó khăn nên em đi làm thuê. Nhưng cả 9 năm đi học, năm nay là năm cuối cấp, sao em không cố gắng để hoàn thành chương trình trung học cơ sở”; “Em muốn về lắm, nhưng đi làm mới có tiền giúp ba mẹ”; “Không đi học thì sẽ phải làm thuê suốt đời”; “Nhưng chừ em bị mất nhiều bài rồi. Khó lắm cô ơi”; “Em yên tâm, cứ về đi, cô sẽ giúp”…

Cứ thế, hết đêm này đến đêm khác, bằng những câu trao đổi hết sức dung dị mà rất thân thương, cô giáo Trang thuyết phục được học trò rời bỏ nơi làm việc ở Quảng Bình để về quê, trở lại với trường lớp. Sau đó không lâu, bằng cách làm tương tự, Cẩm Nhung cũng đã kêu gọi thêm bạn Huỳnh Thúy Huyền, học sinh lớp 8/2, lúc đó cũng bỏ học vào TP. Hồ Chí Minh làm công nhân may trở về tiếp tục đi học. Cô Trang vui mừng: “Nhung vừa hoàn thành chương trình THCS, học lực cuối năm em đạt loại giỏi. Bây giờ, em đang có những chuẩn bị tốt cho cấp học mới. Điều đó chính là những món quà vô giá với chúng tôi”.

Với mục tiêu hạn chế tối đa tình trạng học sinh bỏ học do điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều năm nay, ngành giáo dục Phú Vang đã tổ chức nhiều hoạt động, như: Ngày hội thiếu nhi Phú Vang thắp sáng ước, Vì đàn em hiếu học… nhằm kêu gọi sự hỗ trợ từ mạnh thường quân, phụ huynh học sinh. Phòng Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) huyện Phú Vang chỉ đạo các trường tổ chức nhiều hoạt động giúp học sinh có ý thức sẻ chia bằng những việc làm cụ thể, như: thầy cô giáo nhắc nhở học sinh sử dụng sách giáo khoa, truyện… cẩn thận từ mỗi đầu năm học để cuối năm quyên tặng cho các bạn khóa sau có hoàn cảnh khó khăn; hay nhịn quà vặt để nuôi heo đất giúp đỡ bạn nghèo…

Ông Lê Đức Tuấn, phụ huynh em Lê Thị Tường Vy, học sinh lớp 5/1, Trường TH Phú An 1, kể: “Nhiều lần thấy con gái vui mừng vì giữ gìn sách giáo khoa nguyên vẹn sau một năm học để tặng cho các em lớp sau, tôi nhận ra cách làm này của thầy cô giáo đã giúp con trẻ biết đồng cảm với người nghèo”.

Cô giáo Hoàng Thị Diễm Phượng, chuyên viên Phòng GD&ĐT huyện Phú Vang, thổ lộ: “Với mức đóng góp từ 2 đến 5.000 đồng/tuần từ tiền tiết kiệm ăn quà vặt để nuôi heo đất, các trường đã nhận được sự tham gia hào hứng của hầu hết học sinh. Cách làm này giúp học sinh có tinh thần “lá rách ít đùm lá rách nhiều” và biết sẻ chia yêu thương hơn trong cuộc sống”.

Từ những việc làm tưởng như nhỏ, nhờ cách tổ chức hợp lý nên học sinh tham gia dễ dàng, hàng năm nguồn quỹ thu được từ các hoạt động này bình quân khoảng 100 triệu đồng/năm để duy trì thường xuyên từ 40 đến 50 phần quà, với trị giá 1 triệu đồng/suất tặng cho học sinh nghèo vượt khó và sẵn sàng nguồn hỗ trợ học sinh bị bệnh hiểm nghèo. Năm học 2016 – 2017, phòng phối hợp với Huyện đoàn Phú Vang hỗ trợ 40 triệu đồng xây nhà cho gia đình em Phan Thị Nữ, học sinh lớp 3/3, Trường TH Hà Trung thuộc diện khó khăn về nhà ở.

Ông Lê Đình Phong, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phú Vang chia sẻ: “Giá trị vật chất trong mỗi phần quà không lớn, nhưng quan trọng là sự động viên, khích lệ đối với những học sinh nghèo. Chúng tôi muốn lan tỏa sự thấu hiểu đó đến với từng học sinh của mình, cũng là cách trang bị cho các em hành trang tốt khi vào đời”.

Bài, ảnh: HƯƠNG LAN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xây dựng thói quen đọc sách cùng người trẻ

Đó là chủ đề của buổi workshop diễn ra vào chiều 7/12 tại 23 - 25 Lê Lợi (TP.Huế) với sự chia sẻ của giảng viên Nguyễn Chí Ngàn - Bộ môn Nhân học, Khảo cổ học, Văn hóa Du lịch, Khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế. Hoạt động do Câu lạc bộ Sách và Văn hóa Huế tổ chức.

Xây dựng thói quen đọc sách cùng người trẻ
Trao 18 suất quà đến gia đình có nạn nhân bị tai nạn giao thông

Chiều 20/11, ông Hoàng Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, cùng đại diện các ban, phòng, đơn vị chức năng liên quan đã đến thăm hỏi, động viên các gia đình có nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông (TNGT) hiện đang gặp hoàn cảnh khó khăn ở địa phương.

Trao 18 suất quà đến gia đình có nạn nhân bị tai nạn giao thông
Nhà yêu thương từ những “mảnh ghép”

Căn nhà là có thật, còn “mảnh ghép” là biểu tượng của sự chung tay từ lời kêu gọi thông qua trang web, fanpage và các đội nhóm tình nguyện của Hội Chữ thập đỏ tỉnh. Từ tình yêu thương của cộng đồng, một mái ấm dần thành hình và tương lai sẽ có nhiều mái ấm như thế…

Nhà yêu thương từ những “mảnh ghép”
Gom đủ yêu thương

Mỗi khi có chuyện không vui, nàng lại đi mua hoa. Nàng thích đi bộ ra khu chợ gần nhà. Gọi là “gần”, nhưng đến nơi thì mồ hôi cũng lấm tấm trên vầng trán. Mà kỳ thực, ra đến hàng hoa là nàng thấy tâm trạng tốt hơn. Cũng có thể do năng lượng tích cực từ sắc hoa tươi tắn, hoặc đi bộ giúp tinh thần thư thái hơn. Cả hai điều này đều được khoa học minh chứng hẳn hoi.

Gom đủ yêu thương
Đến được chung kết, đã là người chiến thắng

Với chương trình Đường lên đỉnh Olympia, Trường THPT chuyên Quốc Học - Huế có 7 học sinh vào chung kết năm. Trong đó, Hồ Ngọc Hân là Quán quân năm thứ 9 và Nguyễn Nguyễn Thái Bảo là Á quân năm thứ 5. Cả hai anh đều đang công tác ở Huế. Trước trận đấu chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm nay, Ngọc Hân và Thái Bảo đều mong Võ Quang Phú Đức tự tin, thoải mái và có những trải nghiệm đáng nhớ ở cuộc thi.

Đến được chung kết, đã là người chiến thắng
Return to top