ClockThứ Tư, 01/04/2020 10:05

Đổi kế hoạch giảng dạy, tăng đào tạo trực tuyến

TTH - Trước tình hình dịch COVID -19 còn diễn biến phức tạp và sinh viên phải nghỉ học tập trung, Đại học (ĐH) Huế cùng các trường đang thay đổi kế hoạch đào tạo, tập trung mạnh cho đào tạo trực tuyến từ tháng 4/2020 và có kiểm tra, đánh giá quá trình học tập của sinh viên.

Cần rà soát lại nội dung học trực tuyếnSinh viên được nghỉ học tập trung đến ngày 15/3Hợp tác đào tạo trực tuyến

 Một học phần được đào tạo trực tuyến ở Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế

Tăng cường đào tạo trực tuyến

PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, Phó Giám đốc ĐH Huế cho biết, thời gian qua, nhiều cơ sở đào tạo đã triển khai đào tạo trực tuyến, song trên thực tế, hình thức triển khai của một số đơn vị chủ yếu là chuyển tài liệu cho người học, tương tác và giữ sinh viên, hạn chế trường hợp đi lại, tập trung đông người. Từ tháng 4/2020, sẽ triển khai rộng rãi sau khi có quy chế và phổ biến đến giảng viên, đồng thời sẽ xây dựng lịch học, thời khóa biểu cụ thể.

Khác với giai đoạn trước, hình thức đào tạo trực tuyến hiện nay tại các trường ĐH sẽ có quá trình kiểm tra, đánh giá kết quả người học, đồng thời hệ thống theo dõi tính chuyên cần của sinh viên. Theo đại diện ĐH Huế, tùy cơ sở đào tạo và học phần để đánh giá quá trình học của sinh viên, trong đó điểm kiểm tra đánh giá nội dung học tập qua mạng của người học sẽ có trọng số tối đa là 50% tổng điểm của học phần. Các đơn vị sẽ xây dựng chương trình, đảm bảo chuẩn đầu ra chất lượng như đào tạo trực tiếp.

“Ngày 23/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) có công văn về việc đảm bảo chất lượng đào tạo từ xa trong thời gian phòng chống dịch COVID-19 để thống nhất việc triển khai và công nhận kết quả học tập tích lũy tại các cơ sở đào tạo. Đồng thời, ĐH Huế đã có hướng dẫn các trường, đơn vị trực thuộc triển khai đào tạo qua mạng, xây dựng và thẩm định bài giảng điện tử, hệ thống quản lý học tập và hệ thống quản lý nội dung học tập… vì vậy các đơn vị có thể điều chỉnh kế hoạch đào tạo, mở rộng hình thức đào tạo trực tuyến với các học phần”, đại diện lãnh đạo ĐH Huế nhấn mạnh.

PGS.TS. Trần Ngọc Tuyền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế chia sẻ, hiện, nhà trường đã qua giai đoạn triển khai thử nghiệm và đã bắt đầu đẩy mạnh đào tạo trực tuyến cho hầu hết các học phần về lý thuyết. Kế hoạch mong muốn sẽ dạy không quá 50% hình thức đào tạo trực tuyến, còn lại là củng cố, dạy kiến thức qua hình thức trực tiếp, tuy nhiên, nếu tình hình dịch bệnh chưa chấm dứt và Bộ GD&ĐT cho phép, có thể triển khai đào tạo trực tuyến 100% thời lượng chương trình các học phần.

Đại diện Ban Đào tạo và Công tác Sinh viên ĐH Huế cho biết, trước vấn đề cơ sở hạ tầng, hiện ĐH Huế đã làm việc với các đơn vị liên quan để nâng cấp. ĐH Huế cũng sẽ hỗ trợ các trường, đơn vị trực thuộc chưa đảm bảo về hạ tầng, công nghệ, hệ thống phần mềm. Từ cuối tháng 3/2020, các đơn vị cũng đã gấp rút xây dựng tài liệu hướng dẫn cho giảng viên, cán bộ quản lý, người học về các kỹ năng cần thiết để dạy – học từ xa, chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt. ĐH Huế sẽ cử các đoàn chuyên trách để đi kiểm tra, giám sát.

Bố trí lịch thi, giải quyết vướng mắc

Theo lãnh đạo ĐH Huế, dù triển khai ở phạm vi rộng nhưng với một số ngành đặc thù như giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng – an ninh, hay nghệ thuật… rất khó để đào tạo trực tuyến nên các đơn vị sẽ có kế hoạch điều chỉnh thời gian hợp lý. Riêng đối với các học phần thực hành, ngoài tạo ra một số mô hình thực hành ảo thì các đơn vị ưu tiên đẩy các học phần lý thuyết giảng dạy trước, dời lại thời gian với các học phần thực hành. Trong trường hợp dịch bệnh vẫn còn phức tạp, có thể chuyển các học phần thực hành qua học kỳ sau.

PGS.TS. Huỳnh Văn Chương nhấn mạnh, đối với phương án thi, có thể thi theo hình thức truyền thống nếu tổ chức dạy học tập trung trở lại trong thời gian tới. Tuy nhiên, nếu tình hình dịch chưa đảm bảo, có thể thi kết thúc học phần có thể thi vấn đáp, trình bày dự án… theo hình thức trực tuyến, với trọng số tối thiểu là 50% tổng điểm của học phần.

Các trường đang xây dựng các kịch bản khác nhau cho công tác đào tạo và kế hoạch thi. ThS. Phan Thanh Tiến, Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Ngoại ngữ chia sẻ, thời gian kết thúc năm học có thể muộn hơn 1 – 2 tháng. Trong trường hợp chưa thể thi viết trên giấy, có thể thi trực tuyến hoặc một số học phần cho sinh viên làm tiểu luận để tăng tính nghiên cứu. Nhà trường cũng đang xây dựng các định dạng đề thi trực tuyến để đảm bảo kế hoạch.

Lãnh đạo ĐH Huế phân tích, trong bối cảnh dịch bệnh và để đảm bảo kế hoạch chung, việc giảng dạy trực tuyến là cần thiết. Tuy nhiên, cũng sẽ có những khó khăn so với cách dạy học truyền thống, nhất là một số trường hợp vì nguyên nhân khách quan như chưa đáp ứng được về phương tiện máy móc và mạng internet. Các trường sẽ rà soát để có những phương án hỗ trợ cần thiết. Trong điều kiện quá khó khăn, ĐH Huế và các trường có thể linh động, cho sinh viên bảo lưu một số học phần và tiếp tục học sau thời gian hết dịch.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đăng ký thi thử trực tuyến trên hệ thống

Từ ngày 24-28/4, các trường trung học phổ thông (THPT) trên địa bàn tỉnh đã triển khai cho học sinh lớp 12 thử đăng ký dự thi trực tuyến trên hệ thống Quản lý thi. Đây là một bước quan trọng chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Đăng ký thi thử trực tuyến trên hệ thống
Tiếp cận những kiến thức mới vào đào tạo

Đại học Huế đón nhiều giáo sư (GS), chuyên gia đầu ngành đến chia sẻ kiến thức mới. Không chỉ là dịp để tiếp cận được kiến thức, mà qua đó phần nào còn khẳng định thương hiệu của Đại học Huế.

Tiếp cận những kiến thức mới vào đào tạo
Tăng cung để hạ nhiệt giá vàng

3.400 lượng vàng đã trúng thầu trong phiên đấu thầu vàng đầu tiên sau 11 năm tạm ngừng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ghi nhận trên thị trường, giá vàng đã giảm khá mạnh do ảnh hưởng từ thị trường thế giới cũng như thông tin về đấu thầu vàng miếng thành công.

Tăng cung để hạ nhiệt giá vàng
Cấp Phiếu Lý lịch Tư pháp trên VNeID: Nhanh chóng, thuận tiện, giảm chi phí

Cùng với Hà Nội, từ 22/4 – 22/6/2024, tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai thí điểm cấp Phiếu Lý lịch Tư pháp (LLTP) trên trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử VNeID cho công dân Việt Nam có tài khoản định danh điện tử VNeID mức độ 2. Việc này nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tạo thuận lợi, giảm thời gian, chi phí xã hội cho người dân.

Cấp Phiếu Lý lịch Tư pháp trên VNeID Nhanh chóng, thuận tiện, giảm chi phí

TIN MỚI

Return to top