ClockThứ Ba, 12/01/2021 14:00

Gắn đào tạo nghề với thị trường lao động

TTH - Trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Thừa Thiên Huế tập trung phát triển nguồn nhân lực có tay nghề và thị trường lao động để phù hợp hoàn cảnh thực tế, tăng lợi thế cạnh tranh cũng như đảm bảo an sinh, việc làm.

Xác định bước đột phá, tạo đà thành côngThừa và thiếu lao độngĐổi mới đào tạo nghề trong thời kỳ 4.0Cơ giới hóa làng nghề

Cơ cấu lao động ngày càng có sự chuyển dịch

Cung lao động dồi dào

Toàn tỉnh hiện có khoảng 593.200 lao động, trong đó, lao động ở khu vực thành thị chiếm 44,1% và ở khu vực nông thôn chiếm 55,9%. Tính theo trình độ chuyên môn kỹ thuật, có 2.379 lao động có trình độ trên đại học, chiếm 0,4%; 49.656 lao động có trình độ đại học, chiếm 8,37%; 17.385 lao động có trình độ cao đẳng, chiếm 2,93%; 31.135 lao động có trình độ trung cấp, chiếm 5,25%; 76.174 lao động có trình độ sơ cấp, chiếm 12,84% và 219.086 lao động chưa qua đào tạo, chiếm 36,93%. Còn lại, khoảng 197.380 lao động tự do. Theo cơ cấu lao động, lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp có 160.872 lao động (chiếm tỷ lệ 27,12%), lĩnh vực công nghiệp - xây dựng có 188.873 lao động (chiếm 31,84%) và lĩnh vực thương mại - dịch vụ có 243.470 lao động (chiếm 41,04%).

Thời gian qua, nhận thức của xã hội, người dân, doanh nghiệp (DN) về phát triển nguồn nhân lực và thị trường lao động đã có những chuyển biến tích cực. Số lượng người tham gia vào giáo dục nghề nghiệp ngày càng tăng. Tỷ lệ người học sau tốt nghiệp có việc làm cao, thu nhập ổn định. Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp phát triển, đa dạng về loại hình và trình độ đào tạo. Các cơ sở đào tạo đã tập trung gắn với nhu cầu của DN và thị trường lao động, trong đó có những ngành nghề mới, như công nghệ thông tin, chế tạo máy, truyền thông, maketing...

Ông Nguyễn Văn Thoản, Trưởng phòng Dạy nghề thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, tuy hệ thống giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường ngày càng tăng, nhưng nếu đánh giá tổng thể, quy mô, cơ cấu và chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề và thị trường lao động vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong bối cảnh do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID -19, xu hướng tự động hóa, điện tử hóa, số hóa, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế.

Ông Thoản cũng lấy ví dụ về những tồn tại, hạn chế của lao động địa phương ngoài trình độ, kỹ năng nghề còn ngại “vượt sóng”, rụt rè..., nên ngay cả việc lựa chọn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng vẫn còn thấp và với những ngành nghề giản đơn, thu nhập không cao.

Đại diện ngành lao động cũng phân tích, cách mạng công nghiệp 4.0 với sự xuất hiện của công nghệ cao, máy móc thông minh, robot có trí tuệ nhân tạo... rồi đây sẽ tác động, làm thay đổi lớn đến thị trường lao động và việc làm trên nhiều góc độ khác nhau. Cung - cầu lao động, cơ cấu lao động và bản chất việc làm đều sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Những lĩnh vực dựa vào lao động thủ công, những ngành nghề gắn với quá trình tự động hóa sẽ bị ảnh hưởng. Nhất là những lĩnh vực như dệt may, da giày, điện tử hay những lĩnh vực sử dụng nhiều lao động sẽ là những đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Phát triển đúng trọng tâm, trọng điểm

Theo kế hoạch phát triển nhân lực của các ngành kinh tế - kỹ thuật và các lĩnh vực thuộc tỉnh, những năm sắp tới từ 2021-2025 có tổng nhu cầu lao động là 163.698 người. Trong đó, đại học và trên đại học 7.453 người (chiếm 4,55%), cao đẳng 10.503 người (chiếm 6,42%), trung cấp 19.900 người (chiếm 12,16%), sơ cấp 76.466 người (chiếm 46,41%), trình độ khác 49.376 người (chiếm 30,16%) và tập trung vào những nhóm ngành nghề: công nghiệp - xây dựng;  tài chính, thương mại; du lịch - dịch vụ; nông - lâm - thủy sản; y tế và trợ giúp xã hội.

Để tranh thủ thời cơ dân số vàng, đẩy mạnh đào tạo phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao và thị trường lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới, ngành lao động tỉnh tiếp tục triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển đào tạo nhân lực có kỹ năng nghề; tăng cường chuyển đổi số và đào tạo trực tuyến, chú trọng đào tạo lại và đào tạo thường xuyên lực lượng lao động để tạo chuyển biến mạnh mẽ về quy mô, chất lượng và hiệu quả của đào tạo phát triển nguồn nhân lực. Trong đó, bảo đảm người học có kỹ năng chuyên môn, kỹ năng số, kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp và ngoại ngữ… thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động.

Theo nhận định của Sở LĐ- TB & XH, công tác dự báo nhu cầu xây dựng và cập nhật dữ liệu mở về lao động có kỹ năng nghề theo từng lĩnh vực, ngành nghề, trình độ đào tạo, nhất là những ngành nghề, kỹ năng mới là nhiệm vụ quan trọng và cần được cập nhật dữ liệu theo định kỳ.

Bên cạnh đó, ngành tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc kết nối cung - cầu để nâng cao hiệu quả đào tạo và sử dụng lao động, bao gồm cả lao động đã đi làm việc ở nước ngoài trở về nước để phát huy các thế mạnh của đối tượng này trong lao động, sản xuất và nâng cao thu nhập gắn với việc làm bền vững.

Ngoài tập trung thị trường lao động trong nước, để giúp người lao động có thêm nhiều cơ hội lựa chọn việc làm, nơi làm việc, mức thu nhập, ngành lao động tiếp tục ổn định và mở rộng các thị trường lao động ngoài nước. Cùng với đó là việc thu thập, cập nhật cơ sở dữ liệu từ người lao động và DN và truyền tải thông tin cung cầu này đến với mọi người dân, nhất là đối tượng sinh viên, thanh niên, lao động nông thôn ở vùng sâu, vùng xa bằng nhiều hình thức và kênh thông tin.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Gỡ khó” cho doanh nghiệp

Không phủ nhận những tín hiệu khởi sắc trong việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) trong thời gian gần đây, song nhiều trở lực khiến DN gặp khó trong việc mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm.

“Gỡ khó” cho doanh nghiệp
Thu hút vốn FDI từ Nhật Bản

Với tổng số vốn đăng ký 248 triệu USD, chiếm 15% về số lượng và 5,4% về vốn đầu tư nước ngoài (FDI) toàn tỉnh, doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đang là đối tác quan trọng trong việc kêu gọi đầu tư FDI vào Thừa Thiên Huế.

Thu hút vốn FDI từ Nhật Bản

TIN MỚI

Return to top