ClockThứ Bảy, 16/03/2024 06:52

Gia tăng nhu cầu lao động ngành logistics

TTH - Logistics đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, nên nhân lực trong ngành này có xu hướng gia tăng, không chỉ trong nước mà cả nước ngoài.
HN - Phú Thăng
  • HN - Phú Thăng

Logistics chuyển mình đón đầu cơ hộiDoanh nghiệp Nhật Bản cần tuyển nhân lực ngành logistics

 Tàu hàng cập cảng Chân Mây, đầu mối logistics quan trọng

Doanh nghiệp nước ngoài cần nhân lực logistics

Trường đại học Kinh tế, Đại học Huế cho biết, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp vừa đưa ra dự báo đến năm 2030, nhu cầu nguồn nhân lực về logistics trong nước là trên 200 nghìn người. Chính vì thế, cơ hội của nhân lực ngành này hiện tại đang được rất nhiều bạn sinh viên quan tâm và tìm hiểu. Cũng vì lý do đó mà nhà trường đã mở ngành đào tạo logistics và khóa đầu tiên sẽ ra trường trong hè 2024 này. Quá trình đào tạo, nhà trường cũng tăng cường cung cấp cho sinh viên thêm các thông tin về xu hướng phát triển của ngành logistics, để giúp các em có thể định hướng và định hình rõ hơn cơ hội nghề nghiệp trong tương lai.

Trên thực tế, nhu cầu nhân lực đúng chuyên môn về logistics là rất lớn và đã được đề cập nhiều thời gian qua. Tại Thừa Thiên Huế, từ khi UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 159/KH-UBND phát triển dịch vụ logistics giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh thì nhân lực logistics càng được chú trọng. Một giải pháp quan trọng hàng đầu được tập trung là đào tạo nguồn nhân lực ngành logistics nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho địa phương. Thông tin từ Ban quản lý các Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh, tại cảng Chân Mây, Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, các Khu công nghiệp Phú Bài, Phong Điền… tuyển dụng nhân lực để phụ trách những công việc chuyên môn logistics liên tiếp gia tăng. Tuy nhiên, việc tuyển dụng đang gặp nhiều khó khăn, vì nguồn nhân lực chất lượng chưa nhiều.

Logistics là lĩnh vực rộng, là quá trình lập kế hoạch, thực hiện, kiểm soát luồng di chuyển và lưu kho nguyên vật liệu thô, hàng hóa thành phẩm và thông tin liên quan từ khâu mua sắm nguyên vật liệu đến khi đưa vào tiêu dùng, nhằm thỏa mãn yêu cầu của người dùng. Chính vì thế, từ đầu năm 2024, trên các diễn đàn tuyển dụng, không khó để những lao động chuyên ngành logistics tìm được công việc phù hợp. Như tại Công ty CP thương mại và chuyển phát nhanh Nội Bài, chi nhánh Thừa Thiên Huế đóng tại phường Thủy Châu, thị xã Hương Thủy cần đến gần 10 lao động; trong đó, đặc biệt cần những vị trí lập kế hoạch và vận hành hệ thống logistics.

Sinh viên Trường đại học Kinh tế trải nghiệm hoạt động logistics tại cảng Chân Mây

Không chỉ trong tỉnh, trong nước mà doanh nghiệp nước ngoài cũng đang cần lao động trong lĩnh vực logistics. Mới đây, ông Fukuda, Phó Giám đốc Công ty ShinKen, tỉnh Saitama, Nhật Bản đã sang Trường đại học Kinh tế, Đại học Huế với mục tiêu chính là tuyển các thực tập sinh chuyên ngành logistics, tiến đến đào tạo để có thể ở lại làm việc tại Nhật Bản. Theo ông Fukuda, không chỉ công ty của ông, ở Nhật Bản hiện đang thiếu nhiều nhân lực logistics. Vì vậy, ông cam kết với các sinh viên sau khi tốt nghiệp, sẽ tiếp nhận các em làm việc lâu dài tại Nhật Bản. Không chỉ ở Công ty ShinKen mà có thể ở các công ty khác trong hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Saitama.

Đào tạo đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp

Nhu cầu lớn, điều này tăng thêm cơ hội việc làm cho sinh viên. Nguyễn Công Minh Nhật, sinh viên năm 3, Khoa Kinh tế phát triển, Trường đại học Kinh tế, Đại học Huế chia sẻ, em cảm thấy may mắn vì là một trong 5 sinh viên đầu tiên của nhà trường tham gia chương trình liên kết sang Nhật Bản để học tập, trải nghiệm trong môi trường làm việc chuyên nghiệp của doanh nghiệp Nhật Bản. Sau khi thực tập xong, em rất mong muốn được làm việc tại Nhật Bản nếu có cơ hội. Được làm việc trong một môi trường chất lượng sẽ giúp cho em phát triển bản thân tốt hơn.

Cơ hội việc làm lớn, song Trường đại học Kinh tế, Đại học Huế đưa ra hai thách thức đối với sinh viên để đáp ứng nhu cầu trong nước và nước ngoài. Với trong nước, công nghệ ngày càng phát triển trong lĩnh vực logistics và quản lý chuỗi cung ứng, đòi hỏi sinh viên phải cập nhật và học hỏi những kiến thức mới nhất để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Trong khi đó, số doanh nghiệp đang khai thác lĩnh vực này còn ít, nơi thực tập làm quen việc cũng ít. Với thị trường nước ngoài, ngoại ngữ lại là rào cản lớn đối với sinh viên tham gia vào những vị trí việc làm mà ở các nước đang cần.

PGS.TS. Bùi Đức Tính, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế, Đại học Huế cho biết, để đào tạo nhân lực logistics hiệu quả, nhà trường triển khai liên kết với rất nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực. Sự tham gia chặt chẽ của doanh nghiệp giúp nhà trường có những cập nhật điều chỉnh trong chương trình đào tạo. Việc ký kết giữa nhà trường với các đối tác giúp tăng cường trong đào tạo, thêm cơ hội thực tập nghề nghiệp và việc làm cho sinh viên tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Thông qua doanh nghiệp, vừa qua, Trường đại học Kinh tế tổ chức chương trình talkshow về quy trình hoạt động logistics tại cảng Chân Mây, giúp cho sinh viên hình dung rõ hơn các công việc của một HR (Human Resources – bộ phận nhân sự) logistics tại doanh nghiệp và quy trình làm việc tại cảng Chân Mây. Sinh viên hiểu hơn về các cơ hội làm việc, cũng như các kỹ năng, mảng kiến thức cần chú trọng và đặc biệt rèn luyện trang bị tốt để trở thành một nhân sự đáp ứng với thời kỳ 4.0 hiện nay.

Theo lãnh đạo Trường đại học Kinh tế, Đại học Huế, để nâng cao ngoại ngữ, chủ động cung ứng nguồn lao động cho thị trường nước ngoài, nhà trường phối hợp với các đối tác mở các lớp đào tạo ngoại ngữ. Chẳng hạn như với các đối tác Nhật Bản, hai bên phối hợp mở 2 lớp đào tạo tiếng Nhật tại trường, với 25 sinh viên theo học. Trong thời gian đến sẽ tiếp tục mở 2 lớp với 26 sinh viên được sắp xếp vào lớp học. Ngoài ra, nhà trường trang bị cho sinh viên các kỹ năng mềm, như kỹ năng giao tiếp, quản lý thời gian, làm việc nhóm và giải quyết vấn đề. Điều này sẽ giúp sinh viên phát triển tốt hơn trong sự nghiệp và tạo dựng được mối quan hệ tốt với đồng nghiệp và khách hàng.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

OCOP gia tăng giá trị trong xây dựng nông thôn mới

OCOP là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị. Đây là giải pháp quan trọng trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, đưa nhiệm vụ xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

OCOP gia tăng giá trị trong xây dựng nông thôn mới
Gia tăng lo ngại về “hóa chất vĩnh cửu” ở nhiều quốc gia châu Âu

Hãng Thông tấn AFP ngày 11/12 trích dẫn cảnh báo mới nhất từ Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA) cho hay, tình trạng ô nhiễm “hóa chất vĩnh cửu” ở các vùng nước tại khu vực châu Âu thường vượt quá ngưỡng quy định, được đặt ra nhằm giảm thiểu rủi ro tiềm ẩn đối với sức khỏe con người và môi trường.

Gia tăng lo ngại về “hóa chất vĩnh cửu” ở nhiều quốc gia châu Âu
Khí thải nitơ oxit gia tăng, đe dọa tầng ôzôn và sức khỏe con người

Theo một đánh giá toàn cầu mới của Liên hợp quốc, nitơ oxit (N₂O) - một loại khí nhà kính mạnh, đang đẩy nhanh quá trình biến đổi khí hậu và làm hỏng tầng ôzôn, đe dọa mục tiêu kiềm chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C và gây ra mối nguy hại nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng.

Khí thải nitơ oxit gia tăng, đe dọa tầng ôzôn và sức khỏe con người

TIN MỚI

Return to top