ClockThứ Sáu, 26/02/2021 14:11

Giáo dục địa phương, đừng làm học sinh… sợ - Kỳ 2: Vừa dạy học, vừa lắng nghe

TTH - Dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, khai thác tiềm năng di sản văn hóa của vùng đất kinh kỳ, ngành giáo dục Thừa Thiên Huế đã và đang triển khai chương trình giáo dục địa phương một cách chủ động và sáng tạo.

Giáo dục địa phương, đừng làm học sinh… sợ - kì 1: Khám phá cuộc sống quanh ta

Trải nghiệm làm nghề cùng “người trong nghề” ngay tại địa phương

Đặc sắc vùng đất di sản

Từ điểm khởi đầu do Câu lạc bộ ca Huế tổ chức tại Trường trung học cơ sở Ðặng Văn Ngữ (TP. Huế), tháng 8/2019, chương trình đưa di sản ca Huế vào trường học do Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế triển khai trên diện rộng.

Trong năm 2019, ròng rã 4 tháng trời, cứ đến chiều thứ 5 hàng tuần, Trường trung học cơ sở Thống Nhất lại dành 2 tiết học cuối buổi để giảng dạy ca Huế cho học sinh. Từng lời ca, âm điệu của những bài ca Huế, như “Hò mái xắp”, “Lý Đoản xuân”… đã được cô giáo Kim Liên, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Thừa Thiên Huế truyền dạy. Học sinh Hoàng Thanh Ngọc chia sẻ: “Em đã được nghe ca Huế và rất thích. Dù một số bài ca Huế rất khó học, nhưng em và các bạn cùng lớp cố gắng học thật tốt và đã hát được các bài này”.

Tháng 11/2019, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Sở GD&ĐT ký kết ghi nhớ chương trình hợp tác “Giáo dục di sản văn hóa Huế”. Ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, cho biết: “Đưa chương trình giáo dục di sản văn hóa vào trường học giúp học sinh hiểu rõ hơn lịch sử địa phương mình, trân trọng vốn di sản quý giá của cha ông để lại; từ đó, khơi dậy lòng tự hào và ý thức bảo vệ, giữ gìn di sản văn hóa của thế hệ trẻ”.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ khẳng định: Việc ký kết đẩy mạnh công tác giáo dục di sản văn hóa rất quan trọng đối với cả 2 ngành văn hóa và giáo dục hiện nay, nhất là ở vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa truyền thống xứ Huế. Phải phấn đấu để hằng năm, mỗi học sinh được tham quan trải nhiệm di sản Huế ít nhất một lần. Trước hết, ngành giáo dục cần “trang bị” những thông tin, nội dung di sản văn hóa Huế cho giáo viên, bởi họ chính là người sẽ lên kế hoạch và hướng dẫn cho học sinh trong các đợt tham quan đó. Tỉnh có chính sách miễn vé tham quan di sản cho học sinh trên địa bàn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh các trường học tiếp cận, tìm hiểu và trân quý di sản văn hóa.

Không còn bỡ ngỡ

Trở lại với Quảng Phú (Quảng Điền), được xem là “địa chỉ đỏ” với nhiều địa điểm để tham quan, trải nghiệm. Có thể kể tới như dấu tích phủ Bác Vọng xưa, miếu Bà Tơ huyền thoại, khu di tích lăng mộ và miếu thờ nghĩa sĩ Cần Vương Đặng Hữu Phổ, Hợp tác xã mây tre đan Bao La, cánh đồng mía… Không xa Quảng Phú còn có Khu di tích lưu niệm Ðại tướng Nguyễn Chí Thanh, Công viên văn hóa và Khu lưu niệm nhà thơ Tố Hữu. Cô giáo Hiệu trưởng Trường tiểu học Quảng Phú Lê Thị Loan cho biết, hơn 50% các hoạt động tham quan và trải nghiệm của nhà trường ở ngay tại địa phương, qua trải nghiệm và giao lưu, học sinh tỏ ra hoạt bát, năng động hẳn lên.

Cô giáo Dương Thị Bích Thủy, Phó Hiệu trưởng  Trường tiểu học Phú Mậu 1 khẳng định, hơn 1/6 câu hỏi trong cuộc thi “Rung chuông vàng” của nhà trường liên quan đến kiến thức địa phương, như: Ngày sinh của đồng chí Nguyễn Chí Diểu, nghệ nhân làm hoa giấy nổi tiếng làng Thanh Tiên… Thi “Rung chuông vàng” (và cả “Kể chuyện sách” nữa) là hoạt động giao lưu, một trong 3 nội dung chính của chương trình giáo dục địa phương mà Trường tiểu học Phú Mậu 1 triển khai. Hai nội dung còn lại là tích hợp kiến thức trong các môn học và tham quan trải nghiệm dành cho học sinh các khối lớp 3, 4 và 5. Ngay từ lớp 1, khi dạy bài “Tết quê em”, giáo viên đã lồng ghép giới thiệu với học về làng hoa giấy Thanh Tiên hay vật làng Sình nổi tiếng của quê hương. 

Tại Trường tiểu học Khe Tre (Nam Đông), ngoài tổ chức tham quan Kinh thành Huế, nhà trường còn cho học sinh tìm hiểu và trải nghiệm tại đồi Khe Tre và nhà rông ở thị trấn, kết hợp tham quan với viết bài thu hoạch cho học sinh. Hiệu trưởng Trần Đức Triển chia sẻ, học sinh của nhà trường còn được tham quan và trải nghiệm tại nông trại trên địa bàn. Ở đó các em được tìm hiểu công việc sản xuất trồng trọt có nhiều đặc thù ở vùng cao Nam Đông và được thưởng thức cây trái đặc sản vùng đất. Học sinh rất phấn khích, nhận thức về văn hóa địa phương và khả năng giao tiếp cũng được nâng cao.

Bà Lê Thị Thu Hương, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện A Lưới cho biết, đưa giáo dục vào địa phương vào trường học được triển khai hơn 5 năm nay. Nhiều trường học mầm non tổ chức khôi phục các trò chơi dân gian vào giờ nghỉ và cả những trò chơi dân gian mô phỏng lễ hội dân gian đặc sắc ở địa phương như Aza. Ngành giáo dục huyện chỉ đạo các trường tổ chức cho học sinh tham quan, trải nghiệm ở các danh thắng, di tích lịch sử trong huyện gắn với việc tổ chức các cuộc thi viết và các hoạt động sưu tầm tư liệu về truyện kể, dân ca. Các trường được phân công chăm sóc các bia tưởng niệm, điểm di tích lịch sử trên địa bàn; tổ chức dâng hương, thăm viếng, tặng quà các gia đình chính sách… vào các dịp lễ trọng.

Hướng tới nhiều mục tiêu

Theo ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT, các hoạt động về giáo dục địa phương được triển khai trên phạm vi toàn tỉnh. Cùng với việc phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế xây dựng các chương trình trải nghiệm, giáo dục di sản, Sở GD&ĐT tổ chức tuyên dương danh dự toàn trường... Mới đây, thực hiện Thông tư số 32, ngành giáo dục và đào tạo đã làm việc với các ngành liên quan xây dựng khung đề cương về giáo dục địa phương từ lớp 1 đến lớp 12. Riêng giáo dục mầm non, đẩy mạnh giáo dục về lịch sử, truyền thống, lễ giáo trong trường học mang đậm văn hóa Huế, cụ thể tích hợp trong các chương trình hoạt động giáo dục chăm sóc trẻ.

Ngày 6/8/2020, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có Quyết định số 2001/QĐ - UBND, phê duyệt khung chương trình giáo dục địa phương từ lớp 1 đến lớp 5 trong chương trình giáo dục phổ thông. Khung chương trình xác định rõ mục tiêu, các yêu cầu và định hướng xây dựng tài liệu; kế hoạch, định hướng và phương pháp giáo dục; nội dung phong phú bao trùm nhiều lĩnh vực. Khung chương trình cũng để “mở” khi các hoạt động học tập được tổ chức cả trong và ngoài khuôn viên nhà trường đảm bảo thực hiện 3 nội dung: lý thuyết; tổ chức tham quan, đi thực tế, hoạt động cộng đồng; và viết thu hoạch, thi đố vui để học, thi hùng biện.

Nằm trong lộ trình thực hiện triển khai chương trình giáo dục địa phương, Sở GD & ĐT tổ chức biên soạn 7 cuốn sách dành cho học sinh và giáo viên thuộc cấp tiểu học và trung học ở các bộ môn âm nhạc, mỹ thuật, đạo đức, hoạt động ngoài giờ lên lớp, ngữ văn, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân, công nghệ, thể dục. Quá trình biên soạn tài liệu địa phương ngành giáo dục và đào tạo kết hợp từ hai phía. Đó là các chuyên gia, nhà nghiên cứu, khoa học chuyên trách trong lĩnh vực xuất bản sách của Trường ĐH Sư phạm1 Hà Nội; tranh thủ mời các nhà nghiên cứu văn hóa Huế; các nhà nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực văn hóa, xã hội, kinh tế của Huế; các thầy cô giáo ở Trường ĐH Sư phạm Huế để cùng tham gia biên soạn và thẩm định.

Ông Nguyễn Tân cũng cho biết, có nhiều ý kiến, muốn tài liệu thể hiện hết kiến thức, nhưng thời lượng chương trình giáo dục địa phương hạn chế nên chỉ đưa các vấn đề mang tính cốt yếu, cần khắc sâu.

Đan Duy - Huế Thu - Hữu Phúc

(Còn tiếp)

Kỳ 3: Khơi dậy niềm đam mê

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Châu Á - Thái Bình Dương: Giáo dục cần là trọng tâm trong xây dựng khả năng phục hồi khí hậu

Các chính phủ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương cần đầu tư vào giáo dục và đào tạo để phát triển toàn diện kiến thức về khí hậu và những kỹ năng xanh cần thiết cho các nền kinh tế carbon thấp, theo Sổ tay Biến đổi khí hậu và giáo dục vừa được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố.

Châu Á - Thái Bình Dương Giáo dục cần là trọng tâm trong xây dựng khả năng phục hồi khí hậu
Trò đến lớp, thầy vui!

Bên cạnh dạy học, thầy cô giáo ở vùng cao A Lưới còn phụ trách thêm công tác vận động học sinh đến trường. Thấy học sinh nghỉ học dài ngày, có nguy cơ bỏ học, sau giờ dạy, giáo viên lại tìm đến nhà tìm hiểu, động viên, nhắc nhở. Niềm vui giản dị của các nhà giáo nơi đây là được thấy học sinh trở lại trường.

Trò đến lớp, thầy vui
Hơn 16.000 bài dự thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024

Được phát động từ tháng 4 đến nay, cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024 thu hút 16.358 bài dự thi đến từ 120 trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh tham gia.

Hơn 16 000 bài dự thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024
Khởi nghiệp từ nông sản địa phương

Tự tin, năng động và sáng tạo, cô gái 9X Trần Thị Ngọ để lại dấu ấn tích cực với các sản phẩm khởi nghiệp, góp phần thúc đẩy nông sản địa phương và mở ra con đường khởi nghiệp bền vững cho phụ nữ nông thôn.

Khởi nghiệp từ nông sản địa phương

TIN MỚI

Return to top