ClockThứ Sáu, 08/09/2023 07:33

Giáo dục mũi nhọn: Khát vọng để vươn cao - Kỳ 2: Đầu tư cho tương lai

TTH - Trong 5 năm trở lại đây, giáo dục mũi nhọn có nhiều khởi sắc khi có nhiều giải nhất ở kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và nhiều bộ môn như sinh học, tin học, vật lý đã góp mặt trong các cuộc thi ở khu vực châu Á và quốc tế. Vấn đề đặt ra là cần có sự đầu tư và chung sức để vượt khó, vươn cao và vươn xa.

Giáo dục mũi nhọn: Khát vọng để vươn cao - Kỳ 1: Vững vàng ở vị trí top 10Khẳng định chất lượng giáo dục mũi nhọnCơ hội nâng bậc cho giáo dục mũi nhọn

 Khen thưởng học sinh đoạt giải quốc tế

“Đãi cát” để tìm thầy

Thầy giáo Lê Quốc Anh, giáo viên chuyên vật lý Trường THPT chuyên Quốc Học chia sẻ: “Những năm đầu mới đứng lớp khá chật vật. Tôi vừa dạy, vừa nâng cao trình độ, nhất là khi các em lọt vào các giải quốc gia, quốc tế”. Cùng chung một quyết tâm, cô giáo Trương Thị Đoan Trang, Tổ trưởng Tổ vật lý tâm sự: “Làm giáo viên bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi rất áp lực, đòi hỏi phải có trí tuệ, nguồn tài liệu đủ tốt cũng như có trình độ ngoại ngữ, tin học để dịch các tài liệu nước ngoài phục vụ công tác giảng dạy. Để dạy 1 tiết học trên lớp, giáo viên dạy chuyên có khi phải mất 3 - 4 ngày soạn giáo án. Sách tham khảo môn chuyên ở bên ngoài bày bán rất nhiều, nhưng ở mức độ chuyên sâu dành cho học sinh luyện thi quốc gia và quốc tế lại rất ít.

Nhớ lại giải nhất môn toán của Từ Công Thành, nhiều người cho rằng, giáo viên đội tuyển “bắt bệnh” tốt. Còn thầy Hoàng Phước Lợi thì nói vui, thầy dạy một trò biết năm, thầy tạo cho trò một vài phần mềm để trò khai thác tư liệu, nhưng trò tự khai thác đến cả chục phần mềm để tiện cho việc học. Thầy giáo Nguyễn Phước Huy, Tổ trưởng bộ môn toán bổ sung: Chúng tôi phát hiện Thành còn thiếu một số kỹ năng nên vận dụng kiến thức vào bài thi không chuẩn hay sai những lỗi lặt vặt, nhầm số... Thầy và trò đã có những ngày tháng miệt mài bên nhau, Thành được rèn luyện cách làm bài thi nhiều hơn, còn thầy chỉ ra những lỗi sai của trò để khắc phục.

Thầy giáo Nguyễn Phước Huy và Hoàng Phước Lợi sinh năm 1982 và 1983, được xem là giáo viên có thâm niên trong nghề. Đội ngũ giáo viên dạy chuyên Quốc Học chia thành 3 nhóm: 40% giáo viên trẻ, 40% giáo viên có thâm niên và 20% giáo viên “già”. Theo Hiệu trưởng Nguyễn Phú Thọ, 40% giáo viên trẻ của trường đảm nhận vai trò này cũng không quá lo khi giáo viên có kinh nghiệm, thâm niên trong nghề của trường đang làm rất tốt vai trò “kèm cặp”. Ngoài việc họ tự nâng cao trình độ, giáo viên trẻ phải đảm nhận nhiều chuyên đề nghiên cứu cũng như tham gia các hội thảo để lấy kinh nghiệm.

Trường THPT chuyên Quốc Học đã tuyển sinh viên mới ra trường có bằng xuất sắc, cũng như có phương án đào tạo đội ngũ giáo viên trong trường để đáp ứng nhu cầu. Để có được một giáo viên dạy chuyên tốt phải “đãi cát, tìm vàng”. Trên thực tế, chỉ có một vài giáo viên ở các trường phổ thông về dạy ở Quốc Học nhưng họ gặp khó khăn, do chưa quen với guồng dạy chuyên là phải đào sâu và trách nhiệm nặng nề hơn. Họ ngại áp lực và dẫu có thâm niên nhưng khi vào môi trường chuyên họ phải trải qua 1 năm tập sự, sau đó mới thi tuyển lại, cộng thêm vượt qua cửa ải với những kỳ kiểm tra tin học, ngoại ngữ.

Tuyển chọn sinh viên xuất sắc là hướng đi mang tính bền vững. Thế nhưng, một giáo viên mới ra trường loại xuất sắc muốn dạy được lớp chuyên ít nhất cũng phải mất 4 năm. Tấm bằng giỏi ở trường là chưa đủ. Xử lý vấn đề nan giải này, Trường THPT chuyên Quốc Học đang áp dụng phương cách tuyển giáo viên giỏi ở trường sư phạm, sau đó đào tạo tiếp. Tất nhiên, có những chính sách dành những người có kinh nghiệm phân công kèm cặp để dạy chuyên. Kèm theo những biện pháp tạo động lực cho giáo viên, như tôn vinh, khen thưởng kịp thời những giáo viên có học sinh tham gia giải quốc gia hay quốc tế. Nhà trường luôn đồng hành với đội ngũ này, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để họ chuyên tâm dạy đội tuyển. Giáo dục Thừa Thiên Huế với chuỗi thành tích được nối dài là nhờ những tấm lòng yêu nghề của những người thầy.

Không dễ thỏa mãn

Đề án “Phát triển Trường THPT chuyên Quốc Học Huế giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và một số chính sách đối với học sinh, giáo viên Trường THPT chuyên Quốc Học Huế” được thông qua với những chính sách thỏa đáng để giúp cả trò và thầy yên tâm. Năm học 2022 - 2023, mức tiền thưởng, học bổng của học sinh, giáo viên đã tăng lên. Đáng nói, có nhiều chính sách mang tính đột phá. Chẳng hạn, mức học bổng khuyến khích học tập cho học sinh mỗi tháng thấp nhất bằng 3 lần mức thu học phí và cao nhất bằng 15 lần. Hay như mức thưởng từ 10 triệu đồng nay đã lên đến 300 triệu đồng nếu đoạt giải nhất kỳ thi quốc tế.

Vai trò của người thầy đặc biệt được xem trọng. Ngành giáo dục sẵn sàng tiếp nhận giáo viên trực tiếp dạy môn chuyên có học sinh đoạt giải quốc tế, đoạt giải nhất quốc gia từ các tỉnh, thành phố có cam kết lâu dài với trường với mức hỗ trợ một lần lên tới 200 triệu đồng/giáo viên. Nhà trường có kinh phí để mời thầy giỏi, những nhà giáo đầu ngành trong tỉnh cũng như trong nước nhiều hơn và tạo điều kiện tốt nhất để các em tiếp cận với môn học đỉnh cao. Theo ông Thọ, với mức hỗ trợ trong đề án, giáo dục Thừa Thiên Huế đã được quan tâm và đầu tư xứng đáng.

Trường cũng được phép sử dụng kinh phí để cử giáo viên tham gia nâng cao chuyên sâu tại các viện, học viện trong nước, tu nghiệp ở nước ngoài. Hướng đến, trường sẽ cử giáo viên đi học chuyên ngành tiến sĩ về đào tạo và bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Những giáo viên được đưa vào quy hoạch sẽ được hỗ trợ kinh phí đào tạo theo quy định của tỉnh. Mỗi năm, có từ 5 - 7 giáo viên Trường THPT chuyên Quốc Học theo học thạc sĩ. Một số giáo viên tự tìm nguồn học bổng ở nước ngoài để nâng cao trình độ khi một số môn học yêu cầu giảng dạy bằng tiếng Anh. Mặt khác, để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, hướng đến của nhà trường là tìm những giáo viên có năng lực từ các trường để đề xuất với sở trong khâu tuyển dụng.

Tìm ra những học sinh có tố chất để bồi dưỡng học sinh giỏi không chỉ ở Trường THCS Nguyễn Tri Phương mà còn hướng đến chọn những học sinh có năng lực ở các trường huyện và ngoài tỉnh. Trường hợp của Từ Công Thành là một ví dụ. Quê ở xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), từ nhỏ Thành đã có mơ ước trở thành học sinh Quốc Học và được đón chào. 16 tuổi, Thành một mình vào Huế trọ học khi em trở thành thủ khoa chuyên toán năm học 2020 - 2021.

Theo ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, một yếu tố cũng không kém phần quan trọng trong việc xây dựng trường tiên tiến, chất lượng cao là phải quán triệt chủ trương xã hội hóa giáo dục, không trông chờ vào ngân sách Nhà nước. Điều đó đồng nghĩa với việc giáo dục mũi nhọn sẽ huy động nguồn lực xã hội hóa để thực hiện các chính sách đặc thù về chương trình giảng dạy, phương thức tuyển dụng, chính sách thu hút giáo viên. Thực tế, toàn trường có khoảng 40% bộ môn đảm đương được bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Xã hội hóa từ nguồn phụ huynh đã được thực hiện trong nhiều năm qua khi nhiều khoản nằm ngoài ngân sách, như: hỗ trợ chi phí đi lại cho thầy về dạy. Hoặc nhiều em trong đội tuyển có hoàn cảnh khó khăn, nhà trường phải vận động từ các nguồn khác để tạo điều kiện tốt nhất cho các em trong ôn luyện.

Rõ ràng, đầu tư “tạo cú huých” cho Trường THPT chuyên Quốc Học là đúng hướng và cần thiết. Quốc Học phải xứng đáng với truyền thống ngôi trường đào tạo nhiều lãnh tụ kiệt xuất và danh nhân lỗi lạc của Việt Nam. “Quan trọng là học sinh phải có tố chất, bản lĩnh và người thầy biết khơi dậy niềm yêu thích và khả năng sáng tạo của các em”, thầy giáo Lê Quốc Anh, giáo viên dạy môn vật lý Trường THPT chuyên Quốc Học trao đổi.

Giáo dục đỉnh cao ở Thừa Thiên Huế đang cần những khát vọng và quyết tâm vượt khó để vươn cao, vươn xa.

Bài, ảnh: Huế Thu
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Châu Á - Thái Bình Dương: Giáo dục cần là trọng tâm trong xây dựng khả năng phục hồi khí hậu

Các chính phủ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương cần đầu tư vào giáo dục và đào tạo để phát triển toàn diện kiến thức về khí hậu và những kỹ năng xanh cần thiết cho các nền kinh tế carbon thấp, theo Sổ tay Biến đổi khí hậu và giáo dục vừa được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố.

Châu Á - Thái Bình Dương Giáo dục cần là trọng tâm trong xây dựng khả năng phục hồi khí hậu
Thủ tướng: Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt

Chỉ rõ 5 yếu tố về thời gian, trí tuệ, khát vọng, tự lực và hội nhập, cùng 3 nội dung cần đặc biệt lưu ý để tiếp tục đổi mới giáo dục và đào tạo theo chủ trương của Đảng, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khát vọng đột phá để đưa nền giáo dục và đào tạo nước ta theo kịp, ngang tầm các nước phát triển càng sớm càng tốt.

Thủ tướng Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt
Nâng cao chất lượng giáo dục ở cơ sở mầm non ngoài công lập

Thành phố Huế hiện có khá nhiều trường mầm non ngoài công lập và cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) độc lập. Để nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ ở các cơ sở GDMN ngoài công lập, UBND TP. Huế triển khai nhiều giải pháp góp phần đáp ứng nhu cầu của phụ huynh học sinh cũng như thực hiện mục tiêu phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi.

Nâng cao chất lượng giáo dục ở cơ sở mầm non ngoài công lập

TIN MỚI

Return to top