ClockThứ Năm, 07/09/2023 10:17

Giáo dục mũi nhọn: Khát vọng để vươn cao - Kỳ 1: Vững vàng ở vị trí top 10

TTH - Từ vị trí thứ 23 toàn quốc vào năm 2016, giáo dục mũi nhọn Thừa Thiên Huế đã vươn lên xếp thứ 9 và vị trí trong top 10 được duy trì, củng cố trong những năm qua.

Khẳng định chất lượng giáo dục mũi nhọnQuốc Học Huế & tầm nhìn tương laiCơ hội nâng bậc cho giáo dục mũi nhọn“Chia lửa” cho Quốc HọcChất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn phải tương xứng với vùng đất hiếu họcGiáo dục bậc trung học: Mũi nhọn và đại trà cùng tiến

Học sinh Quốc Học tự hào về truyền thống hiếu học của trường 

Sự trở lại ngọt ngào

Phải 40 năm chờ đợi, môn toán mới có lại 1 giải nhất học sinh giỏi quốc gia. Thành tích của cậu học trò Từ Công Thành, lớp 12 toán 1 Trường THPT chuyên Quốc Học khiến nhiều người hy vọng về môn toán “hồi sinh”. Trong đội tuyển tham gia kỳ thi quốc gia năm học 2022 - 2023, đội tuyển toán có 6 em thì 100% đoạt giải; trong đó, có giải nhất của Thành. Đây là năm thứ 3, môn toán có “uy lực” nhất trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, học sinh Thừa Thiên Huế có thành tích cao. Năm học 2020  - 2021, Thừa Thiên Huế có 5/6 em đoạt giải quốc gia môn toán. Năm học 2021 - 2022, có 100% (6 em) dự thi đạt giải môn toán quốc gia, trong đó có 4 giải chính thức. Em Nguyễn Minh Ngọc có số điểm giải nhì khá cao với 25 điểm (thiếu 0,5 điểm là được vào vòng 2 tham gia đội dự tuyển Olympic Quốc tế).

“Có tích mới dịch nên tuồng”, nhiều người kỳ vọng vào toán khi bộ môn này từng là thế mạnh của Thừa Thiên Huế, nơi có trường phổ thông trung học có hệ chuyên sớm nhất miền Nam sau giải phóng. Bấy giờ, nhắc đến Quốc Học, bao thế hệ học sinh đều tự hào về toán. Chỉ trong 7 năm (1978 - 1983), học sinh Quốc Học mang về cho địa phương đến 5 tấm huy chương (HC) môn toán quốc tế. Có thể kể, Hồ Đình Duẩn (HCĐ năm 1978), Lê Bá Khánh Trình (HCV và giải đặc biệt năm 1979), Ngô Phú Thanh, Nguyễn Văn Lượng (HCB 1983) và Hoàng Ngọc Chiến (HCĐ năm 1983). Chưa tính, Lê Tự Quốc Thắng (HCV năm 1982) cũng xuất thân từ Quốc Học.

 Lãnh đạo tỉnh biểu dương khen thưởng học sinh đoạt giải cao trong các kỳ thi

Vẫn còn có một khoảng cách không nhỏ để Nguyễn Minh Ngọc hay Từ Công Thành vươn lên tầm cao của các thế hệ đàn anh đi trước, nhưng chừng đó thôi cũng là tín hiệu vui, báo hiệu sự trở lại của môn toán trong giáo dục đỉnh cao của Thừa Thiên Huế. Chưa kể, sau 7 năm vắng bóng, Nguyễn Minh Triết, học sinh lớp 11 chuyên lý của Trường THPT chuyên Quốc Học xuất sắc mang cầu truyền hình Olympia về Huế.

Có nhiều thế mạnh

Trong khi môn toán còn phải chờ đợi để tìm lại ánh hào quang xưa thì ở giáo dục mũi nhọn, học sinh Thừa Thiên Huế liên tục góp mặt trong danh sách học đạt giải quốc tế. Ở môn sinh học có Trương Đông Hưng, Hồ Việt Đức (HCV năm 2017, 2020) và Trương Văn Quốc Đạt (HCB năm 2022). Môn hóa học có Đoàn Quốc Hoài Nam (HCB năm 2014). Môn tin học có Lê Hy Hoài Lâm (HCĐ năm 2017). Môn lý có Lê Công Minh Hiếu (HCĐ đồng môn vật lý kỳ thi Olympic châu Á - Thái Bình Dương 2019). Năm 2023, Nguyễn Minh Tài Lộc đoạt bằng khen kỳ thi Olympic châu Á - Thái Bình Dương môn vật lý.

 Đón học sinh trở về sau kỳ thi quốc tế

Cùng lớp với Lê Công Minh Hiếu có cặp anh em sinh đôi Tống Phước Thanh Bình và Tống Phước Thanh An. Trong kỳ thi chọn học sinh giỏi THPT cấp quốc gia năm học 2018 - 2019, Thanh Bình đạt giải nhất và Thanh An đoạt giải nhì quốc gia môn vật lý. Đến năm học 2019 - 2020, cả hai anh em đều đoạt giải nhất. Bình đạt 25,6 điểm xếp thứ 2 và An được 23,6 xếp thứ 8 toàn quốc. Cùng với Lê Công Minh Hiếu, cặp song sinh được chọn vào vòng 2 tham dự đội dự tuyển Olympic Quốc tế. Rất tiếc năm học đó, cuộc thi dành cho vật lý không được tổ chức. Nếu có, cơ hội để Lê Công Minh Hiếu và cặp song sinh tái lập thành tích của bậc cha chú là Ngô Bá Thanh và các bạn là rất khả thi.

Từ năm 2016 - 2021, Thừa Thiên Huế có 309 học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia; trong đó, có 14 giải nhất, 86 giải nhì, 100 giải ba và 109 giải khuyến khích. Số lượng giải nhất của học sinh Thừa Thiên Huế gấp 1,3 lần bình quân giải nhất của cả nước. Nổi bật nhất trong 6 năm qua là đội tuyển vật lý đã giành được 5 giải nhất, sinh học 3 giải nhất, các đội tuyển hóa học, tin học và tiếng Anh cùng giành được 2 giải nhất. Ngoài ra, một số môn thi không phải là thế mạnh của học sinh Thừa Thiên Huế, như ngữ văn, lịch sử, địa lý cũng đang dần được cải thiện và có bước chuyển biến mạnh.

Năng khiếu và đam mê

Bắt đầu từ năm học lớp 10, Từ Công Thành đã lọt vào “tầm ngắm” của tổ toán Trường THPH chuyên Quốc Học. Thầy giáo Hoàng Phước Lợi, giáo viên chủ nhiệm lớp 12 toán 1 Trường THPT chuyên Quốc Học cho rằng, đặc thù của môn toán đòi hỏi sự kiên nhẫn, nhiều bài tính có khi phải giải mất 2 - 3 ngày, thậm chí cả tuần. Thành khác người ở chỗ không hề nản chí, lại có sự cần cù, kiên nhẫn để giải đề. Lúc nào em cũng kè kè điện thoại bên cạnh để... giải hình học. Thành có thể học toán mọi lúc, mọi nơi.

Nói về phương pháp học toán đạt kết quả tốt, em Nguyễn Minh Ngọc chia sẻ, thường học trên lớp kết hợp với tự học thêm kiến thức trong sách tham khảo và các tài liệu trên mạng internet. Thực tế, sách tham khảo môn toán có rất nhiều nhưng ở mức độ chuyên sâu dành cho học sinh luyện thi quốc gia lại rất ít. Thầy và trò phải dành nhiều thời gian tìm các nguồn sách, nhất là tài liệu nước ngoài để phục vụ cho giảng dạy và học tập. Theo Ngọc, bí quyết học tốt chính là tự tìm ra phong cách học tập cho mình. Đó chính là sự kết hợp giữa học tập và giải trí một cách hợp lý để hạn chế sự căng thẳng đối với bản thân.

Trước mỗi kỳ thi, Tống Phước Bình và Thanh An không đặt nặng mục tiêu thành tích mà xem đó như một trải nghiệm. Tống Phước Thanh Bình cho biết, sau khi học trên lớp, em thường tìm tòi thêm các tài liệu, kiến thức từ nhiều nguồn khác nhau. Quá trình học tập, em lên kế hoạch và có chương trình cụ thể, phân bố thời gian học tập và giải trí phù hợp. Khi gặp những vấn đề khó, hai anh em thường trao đổi với nhau, cùng đi sâu, tìm hiểu và cùng giải quyết cho bằng được. Sau mỗi lần như thế thì hai anh em sẽ tích lũy được nhiều kiến thức bổ ích. Ngoài những giờ học tập căng thẳng, hai anh em thư giãn bằng chơi thể thao, nghe nhạc…

Còn bí quyết để đạt thành tích cao nhất của đoàn Việt Nam tại kỳ thi sinh học quốc tế, Trương Văn Quốc Đạt cho rằng, chỉ cần lập ra kế hoạch chi tiết và cố gắng hoàn thành các mục tiêu đề ra. Để học tốt môn sinh học, trước hết phải đam mê, từ việc nắm chắc kiến thức cơ bản ngay từ trên lớp cho đến ý thức tự học, tự nghiên cứu khoa học. Đạt học tốt tiếng Anh, tìm những thuật ngữ chuyên ngành sinh học bằng tiếng Anh để có thể đọc nhiều sách và tra cứu được nhiều thông tin hơn từ mạng internet. Sinh học là môn khoa học đa ngành nên muốn học giỏi môn học cần học chắc các môn học khác. Đạt học môn sinh bằng niềm đam mê và biết cân bằng giữa việc học cũng như giải trí, thể thao... nên em ít thấy áp lực.

Bài, ảnh: Huế Thu

(Còn tnữa)

Kỳ 2: Đầu tư cho tương lai

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khát vọng Thái Hòa

Trong thế giới quan Á Đông, mối quan hệ giữa Trời - Người - Đất được kết nối qua thế giới động, thực vật, với vô vàn quan niệm nhân sinh thiêng liêng để trừ tà, cầu an cho con người và vạn vật. Trong đó, Tứ linh (Long, Lân, Quy, Phụng) khởi đầu từ Rồng là một biểu trưng của tạo hóa trong khát vọng cầu mùa mãnh liệt của cư dân nông nghiệp gắn liền với nắng, mưa... trong tín ngưỡng phồn thực, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, xua tan ôn dịch.

Khát vọng Thái Hòa
Khát vọng đạt chuẩn quốc gia

Tính đến đầu năm học 2023 - 2024, toàn thị xã Hương Trà có 25/35 trường học được công nhận đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 71,43%. Trong xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, bên cạnh sự quan tâm đầu tư thỏa đáng từ phía Nhà nước còn cần đến khát vọng từ đội ngũ giáo viên và học sinh ở các trường học.

Khát vọng đạt chuẩn quốc gia
Giáo dục mũi nhọn: Khát vọng để vươn cao - Kỳ 2: Đầu tư cho tương lai

Trong 5 năm trở lại đây, giáo dục mũi nhọn có nhiều khởi sắc khi có nhiều giải nhất ở kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và nhiều bộ môn như sinh học, tin học, vật lý đã góp mặt trong các cuộc thi ở khu vực châu Á và quốc tế. Vấn đề đặt ra là cần có sự đầu tư và chung sức để vượt khó, vươn cao và vươn xa.

Giáo dục mũi nhọn Khát vọng để vươn cao - Kỳ 2 Đầu tư cho tương lai
Khát vọng từ cầu vượt biển

Hơn một năm nay, sự kiện cây cầu vượt cửa biển Thuận An được khởi công xây dựng luôn là vấn đề thời sự ở Thừa Thiên Huế. Đi đâu cũng nghe người dân phấn khởi bàn tán chuyện xây cầu và tương lai của quê mình có một chiếc cầu vượt biển nằm ở top đầu khu vực miền Trung.

Khát vọng từ cầu vượt biển

TIN MỚI

Return to top