ClockThứ Sáu, 05/07/2024 05:53

Gỡ vướng cho môn giáo dục địa phương

TTH - Giáo dục địa phương (GDĐP) là một môn học bắt buộc trong Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, được thực hiện xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12 với 35 tiết/1 lớp học/năm học. Nội dung môn học này rất phong phú và đa dạng, liên quan đến lịch sử, địa lý, kinh tế - xã hội, truyền thống văn hóa của địa phương… Qua đó, giúp học sinh hình thành ý thức trách nhiệm trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa của quê hương. Tuy nhiên, qua gần hai năm thực hiện, một số trường vẫn còn lúng túng và gặp nhiều vướng mắc trong việc phân công giáo viên giảng dạy và khi thực hiện dạy học các chủ đề của môn học này.

Gần 500 chỉ tiêu tuyển sinh đợt 2 vào lớp 10 THPT công lậpĐông Nam Á: Giáo viên cần được hỗ trợ nhiều hơn Bộ Giáo dục và Đào tạo giải đáp nhiều vấn đề 'nóng' về đề thi

Học sinh trải nghiệm tìm hiểu văn hóa di sản tại Đại nội Huế. Ảnh: N. trúc 

Thầy giáo Mai Trọng Đạt, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu cho biết: “Môn GDĐP có các mạch kiến thức văn học, lịch sử, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, âm nhạc, mỹ thuật địa phương. Vì vậy, nhất thiết phải bố trí giáo viên đúng chuyên môn phụ trách từng mạch kiến thức, nếu thiếu giáo viên cần phải mời giáo viên thỉnh giảng”.

Thầy giáo Phạm Văn Tiển, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nam Đông chia sẻ: “Dạy GDĐP ở Huế có nhiều thuận lợi như: nguồn dữ liệu, thông tin thực tế sinh động; có thể tổ chức nhiều hình thức dạy học gắn liền với thực tế dễ dàng; có điều kiện để phát huy tinh thần tự học, tự nghiên cứu, khám phá của học sinh. Tuy nhiên, môn học này có nhiều nội dung kiến thức mà giáo viên phải tự tìm hiểu, bổ túc thêm; nhiều chủ đề, nội dung phong phú mà với biên chế chuyên môn hiện nay vượt ngoài tầm kiến thức giáo viên nên việc phân công cho giáo viên phù hợp là rất khó”.

Môn GDĐP được phân phối dạy 35 tiết/năm học, nhưng với nhiều chủ đề liên quan đến những lĩnh vực kiến thức khác nhau, số tiết giữa các lĩnh vực kiến thức được phân bổ không đều nhau, có lĩnh vực không có giáo viên được đào tạo chuyên ngành để dạy trong một số nhà trường hiện nay như nghệ thuật, âm nhạc… Với đặc trưng của nội dung môn GDĐP, đòi hỏi các nhà trường phải phân công nhiều giáo viên tham gia giảng dạy và mời thêm giáo viên thỉnh giảng nếu cần. Để khắc phục khó khăn này, đòi hỏi cán bộ quản lý nhà trường phải xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ giảng dạy ngay từ đầu năm học, cân đối số tiết dạy của giáo viên, tránh tình trạng thừa hoặc thiếu cục bộ. Việc tài liệu dạy GDĐP chưa xuất bản và gửi văn bản hướng dẫn về các trường muộn đã gây khó khăn không ít cho các trường. Vì vậy, việc nắm rõ chương trình môn GDĐP, chủ động phân công giáo viên dạy trước sẽ khắc phục được tình trạng lúng túng khi thực hiện.

Năm học 2022 - 2023, nhiều trường đã có kinh nghiệm tổ chức dạy học GDĐP, giáo viên giảng dạy đã áp dụng nhiều phương pháp dạy hiện đại, đa dạng các hình thức tổ chức dạy học phù hợp với nội dung GDĐP. Một số thầy, cô giáo đã đưa học sinh trải nghiệm thực tế, tham quan những địa điểm gắn với chủ đề dạy học. Cô Dương Nữ Uyên Nhi, giáo viên dạy chủ đề này cho biết: “Các em học sinh rất thích thú và hứng khởi khi được đến đây, được nghe những lời thuyết minh từ các hướng dẫn viên về nghệ thuật tạo hình trang trí thời Nguyễn, được tận mắt nhìn ngắm các cổ vật và được nghe những câu chuyện xoay quanh các cổ vật này. Các em rất chăm chú nghe, tập trung ghi chép, chụp ảnh để làm tư liệu cho mình sau một chuyến đi đầy thú vị”.

Qua tìm hiểu, nhiều trường học đã triển khai hình thức tổ chức dạy học này. Đây là hình thức tổ chức dạy học mang lại hiệu quả cao, phù hợp với nội dung GDĐP. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện không đơn giản, nhất là các trường ở vùng sâu, vùng xa. Vì thế, nhà trường, thầy cô giảng dạy cần chọn địa điểm phù hợp với nội dung dạy và thuận lợi với học sinh của trường mình, giúp các em tìm hiểu một cách hiệu quả về lịch sử, về tiềm năng thế mạnh của vùng đất quê hương cũng như chiều sâu văn hóa của dân tộc, của quê hương mình. Từ đó vừa phát huy năng lực, phẩm chất của học sinh theo mục tiêu của chương trình Giáo dục phổ thông 2018, vừa góp phần giáo dục học sinh biết trân quý, tự hào về lịch sử truyền thống của quê hương và có ý thức trách nhiệm hơn trong việc giữ gìn, xây dựng và phát triển quê hương mình.

Nguyễn Thị Hoa Phượng
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giáo dục sức khỏe cho học sinh tiểu học

Sáng 28/6, Trường đại học Y - Dược, Đại học Huế phối hợp với Trường đại học Youngsan, Hàn Quốc tổ chức Ngày hội sức khoẻ tại Trường tiểu học phường Đúc, TP. Huế với nhiều hoạt động cho các em học sinh.

Giáo dục sức khỏe cho học sinh tiểu học
Giáo dục đại học tham gia thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Lâu nay, khi nói về cơ sở giáo dục đại học, thường chỉ nhấn mạnh là nơi cung cấp nguồn nhân lực có chuyên môn cho đất nước, khu vực và các địa phương. Hiện nay, vai trò của giáo dục đại học được thể hiện trên nhiều hơn khía cạnh của đời sống, đặc biệt là đóng góp cụ thể cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Giáo dục đại học tham gia thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Việt Nam ủng hộ thúc đẩy vấn đề giáo dục trong Chương trình nghị sự Liên hợp quốc

Ngày 15/5 tại New York đã diễn ra phiên họp cấp đại sứ của Nhóm bạn bè về giáo dục và học tập trọn đời. Tham dự phiên họp có Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Amina J.Mohammad, Trợ lý Tổng giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO) về Giáo dục Stefania Giannini cùng Đại sứ, Trưởng Phái đoàn và đại diện của gần 30 nước thành viên LHQ.

Việt Nam ủng hộ thúc đẩy vấn đề giáo dục trong Chương trình nghị sự Liên hợp quốc
Return to top