ClockThứ Tư, 19/01/2022 05:55

Sân chơi dành riêng cho sinh viên thiết kế thời trang

TTH - Lần đầu giới thiệu đến công chúng, người đam mê thời trang những bộ trang phục sáng tạo qua triển lãm chuyên đề, nhiều sinh viên để lại ấn tượng tốt và mở ra hy vọng sẽ chuyên nghiệp hóa sân chơi dành riêng cho sinh viên thiết kế thời trang.

Hơn 60 tác phẩm tại triển lãm thiết kế thời trang “Chắp cánh đam mê”

Thưởng lãm các tác phẩm tại triển lãm thiết kế thời trang "Chắp cánh đam mê"

Thỏa sức sáng tạo

Một tháng dụng công cho các bộ thời trang tự thiết kế, Bùi Thị Thanh Ngân, sinh viên Trường đại học (ĐH) Nghệ thuật, ĐH Huế đã có thể “khoe” với công chúng tác phẩm “Recall”, lấy ý tưởng vẻ đẹp từ thời trang thập niên 60 - 70 ở Paris (tại triển lãm thiết kế thời trang chủ đề “Chắp cánh đam mê” ngày 8 - 20/1, tại Trường ĐH Nghệ thuật). Không giống với những mẫu thời trang nữ sinh viên tự thiết kế trước đó, cả 4 bộ thời trang lần này đều đặc sắc từ ý tưởng đến chất liệu lụa ngọc trai, nỉ, kate, kaki, trượt thái. “Từ khâu suy nghĩ ý tưởng, xử lý chất liệu đến hoàn thiện thiết kế em đều rất tỉ mỉ, với mong muốn sản phẩm làm ra sáng tạo nhưng ấn tượng”, Thanh Ngân chia sẻ.

Hơn 60 tác phẩm của gần 20 tác giả là sinh viên học ngành Thiết kế thời trang - Trường ĐH Nghệ thuật, ĐH Huế lần đầu tham gia triển lãm thiết kế thời trang “Chắp cánh đam mê” đã tạo ra một màu sắc mới lạ. Dưới góc độ chuyên môn, những tác phẩm ấy đã được đánh giá thể hiện được khả năng vẽ, gu thẩm mỹ về màu sắc, kết cấu, khả năng hình dung các khái niệm về những quy tắc thời trang...

Theo đại diện Trường ĐH Nghệ thuật, các tác phẩm thời trang được trưng bày trong triển lãm khá phong phú với những chủ đề khác nhau, như: Trang phục công sở, trang phục trình diễn, trang phục truyền thống, trang phục lễ hội, trang phục dạo phố. Với sự đa dạng về chất liệu, thể loại, sự kết hợp nét đẹp tinh tế giữa truyền thống và hiện đại trong mỗi tác phẩm của sinh viên đem đến cho triển lãm những thiết kế độc đáo, thân thiện và gần gũi.

Thiết kế thời trang không quá xa lạ với những sinh viên cùng ngành học. Thế nhưng, đây mới là lần ra mắt đầu tiên triển lãm thiết kế thời trang được tổ chức dưới góc độ một triển lãm chuyên đề. Ông Phan Lê Chung, Bí thư Đảng ủy, Quyền Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Nghệ thuật cho biết, nhiều lần trước, các triển lãm vẫn có những tác phẩm thời trang, nhưng xuất hiện chung trong triển lãm với các tác phẩm tranh giá vẽ, tượng điêu khắc… do hội họa và điêu khắc là hai ngành có truyền thống lâu nhất của nhà trường. Sự xuất hiện của ngành thiết kế thời trang mang lại thêm những màu sắc đặc biệt và tạo ra sân chơi cho thiết kế thời trang, phù hợp trong tình hình hiện nay.

Theo ThS. Võ Quang Phát, Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Mỹ thuật ứng dụng, Trường ĐH Nghệ thuật, các thiết kế của sinh viên tuy chưa đạt đến mức hoàn hảo như những nhà thiết kế đã thành danh, thậm chí còn một số hạn chế nhỏ chưa đáp ứng như bản vẽ, nhưng giới hạn đó của sinh viên sẽ dần được phá bỏ. Từ những tác phẩm thời trang của sinh viên trong các ngày hội sinh viên, quá trình học tập để so sánh với những tác phẩm đến với triển lãm, có thể thấy thành công lớn là khả năng sáng tạo của sinh viên rất phong phú, ý tưởng độc đáo. Điều này khi gặp môi trường, điều kiện thuận lợi và những sân chơi phù hợp, sinh viên có thể đủ khả năng để thể hiện đam mê và tài năng.

Tác phẩm thời trang do sinh viên Trường ĐH Nghệ thuật thiết kế

Sẽ chuyên nghiệp hóa

Lâu nay, Trường ĐH Nghệ thuật đã tổ chức nhiều triển lãm dành riêng cho sinh viên, dưới các hoạt động triển lãm mỹ thuật. Nhưng để có những sân chơi dành riêng như triển lãm thiết kế “Chắp cánh đam mê” hẳn vẫn còn thiếu. Nói lạc quan hơn thì sự mở đầu thành công của triển lãm này sẽ tạo động lực để có thêm những triển lãm khác lớn và chuyên nghiệp hơn.

Đam mê và khả năng của sinh viên thực sự không giới hạn. Như cách của nữ sinh viên Nguyễn Thị Như Nguyện (năm thứ tư ngành Thiết kế thời trang, Trường ĐH Nghệ thuật) khẳng định thì mỗi sinh viên chuyên ngành đều khao khát có môi trường được cọ xát, trau dồi, học tập kinh nghiệm và thể hiện mình. Điều kiện tuyệt vời nhất là các cuộc thi, triển lãm chuyên đề.

Ngành Thiết kế thời trang được Trường ĐH Nghệ thuật, ĐH Huế đưa vào chương trình đào tạo, hệ ĐH bắt đầu từ năm 2009. Cho đến nay, đã có 8 khóa tốt nghiệp ra trường và 5 khóa đang được nhà trường tổ chức đào tạo. Sự ra đời của những sân chơi chuyên môn thực sự sẽ đem lại nhiều tác động tích cực cho cả hoạt động đào tạo và phát huy khả năng của sinh viên khi đã bước vào những năm cuối.

Ông Phan Lê Chung cho rằng, từ những sân chơi, như triển lãm “Chắp cánh đam mê”, sắp tới nhà trường có thể mở ra nhiều triển lãm khác, chuyên nghiệp hơn đi kèm theo chương trình trình diễn thời trang catwalk kết hợp âm nhạc. Đồng thời, không chỉ giới hạn trong phạm vi nhà trường, mà có thể phối hợp các đơn vị khác để tổ chức hoặc tham gia các sự kiện về thời trang nhằm tăng tính chuyên nghiệp, hiệu quả.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ:
Hướng tới cơ sở giáo dục đại học chất lượng cao của cả nước

PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo: "Trường đại học Sư phạm, ĐHH là một trong những cơ sở giáo dục đại học chất lượng tốp đầu của cả nước. Tuy nhiên, để trở thành cơ sở giáo dục đại học chất lượng cao thì trường phải có sự nhìn nhận, đánh giá một cách thực tiễn, khách quan để có sự đầu tư đúng hướng".

Hướng tới cơ sở giáo dục đại học chất lượng cao của cả nước
Sắc màu của monochromatic

Monochromatic (tạm dịch là phối màu đơn sắc) là thuật ngữ được sử dụng trong nhiều lĩnh vực như thời trang, nhiếp ảnh, điện ảnh. Ngày nay, đã được ứng dụng một cách linh hoạt để tạo nên không gian sống cá tính và tinh tế.

Sắc màu của monochromatic

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top