ClockThứ Bảy, 09/06/2018 13:00

Sinh viên Huế cần cải thiện ngoại ngữ & kỹ năng mềm

TTH - Dưới góc nhìn của nhà tuyển dụng, sinh viên (SV) là sản phẩm đào tạo của nhà trường nhưng không phải “sản phẩm” nào cũng thực sự chất lượng. Nhân ngày hội việc làm ở một số trường ĐH tại Huế, ông Phạm Phú Phát, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam – một trong những đơn vị có trên 20 năm hợp tác và tuyển dụng SV Huế số lượng nhiều nhất hằng năm đã có những chia sẻ với Thừa Thiên Huế Cuối tuần.

Không chỉ là tiếng AnhCải thiện kỹ năng mềm cho sinh viênKỹ năng mềm cho sinh viênCó kỹ năng, tăng cơ hộiKỹ năng mềm nằm ở chính mình

Ông Phạm Phú Phát, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam

Thưa ông, SV Huế có những ưu, nhược điểm gì?

Qua nhiều năm tuyển dụng và theo dõi, chúng tôi thấy SV Huế cần cù, chịu khó, trung thực và chịu học hỏi, đây là tố chất rất quan trọng. Minh chứng là ở công ty chúng tôi có tỷ lệ SV Huế được tuyển dụng vào làm ở hệ thống “Farm” (trang trại) và thành công là rất cao. Đợt tuyển dụng năm nay, chúng tôi thấy chất lượng SV Huế có phần tốt hơn; các SV chững chạc và có thái độ cầu thị hơn. Đây là ưu điểm và cũng là tín hiệu đáng mừng với SV Huế.

SV Huế có hạn chế về ngoại ngữ, một số kỹ năng mềm và một phần nữa là sự năng động. Chúng tôi có những so sánh đầu vào từ các trường và các tỉnh, thành lớn để rút ra được đánh giá này. Qua các năm, những hạn chế này dần được cải thiện, song so với mặt bằng chung hiện nay, SV Huế vẫn cần cải thiện những điểm yếu này.

Lâu nay, doanh nghiệp “than thở” chuyện tuyển dụng SV vào phải đào tạo lại. SV Huế có “vướng” phải điều này không, thưa ông?

Đây là thực trạng chung của SV nhiều trường ĐH chứ không riêng gì SV Huế. Nguyên nhân do chương trình, nhất là giai đoạn trước đây đào tạo còn nặng tính lý thuyết. Vấn đề liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp chưa thực sự tốt.

Đối với SV Huế, tôi nhận thấy kiến thức họ tốt nhưng cũng phải thừa nhận, giống như SV nhiều nơi khác, tất cả đều phải trải qua quá trình đào tạo thêm tại doanh nghiệp mới làm việc tốt được. Cái này có một phần nguyên nhân từ thực tế môi trường công việc thay đổi liên tục do sự phát triển của nhu cầu xã hội và công nghệ cải tiến từng ngày, trong khi đó chương trình đào tạo có tính chu kỳ, SV chỉ thực tập một giai đoạn nhất định và thời gian thực hành, thực tập theo khung chương trình cũng bị giới hạn. Ngoài ra, một số đơn vị đào tạo chậm cập nhật những thay đổi, vẫn còn dạy theo khuôn khổ kiến thức, tài liệu có sẵn.

Tuy vẫn còn đào tạo lại nhưng so với trước đây, thời gian cho hoạt động này đã được rút ngắn. Trước đây, chúng tôi mất cả năm để đào tạo tại nhưng hiện nay chỉ cần 6 - 8 tháng. Có được điều này là do phía nhà trường đã hợp tác tốt hơn và có những điều chỉnh đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp, nhờ vậy SV có thời gian cọ xát, học tập kinh nghiệm, kỹ năng ở doanh nghiệp nhiều, liên tục hơn.

Lớp QTH K10 Trường đại học Ngoại ngữ trong ngày tốt nghiệp (ảnh minh họa)

Liệu phương pháp đào tạo ở nhà trường có phải là vấn đề khiến những hạn chế trên tồn tại?

Điểm yếu mà doanh nghiệp cần SV khắc phục nhất là ngoại ngữ và các kỹ năng mềm. Có nhiều nguyên nhân liên quan, trong đó một phần xuất phát từ đầu vào của các em. SV Huế chủ yếu đến từ các tỉnh miền Trung, điều kiện kinh tế vùng miền, gia đình còn nhiều khó khăn nên việc tiếp cận với ngoại ngữ muộn hơn. Trong khi đó, chương trình đào tạo bắt buộc tại trường học có giới hạn.

Một thực trạng nữa là SV còn lười tự học, không chủ động tự nghiên cứu. Không phủ nhận điều kiện của SV khó khăn, nhưng vẫn có nhiều trường hợp nhận thức về vấn đề tự học còn hạn chế rồi đổ lỗi cho việc làm thêm không có thời gian cùng nhiều nguyên nhân khác. Đây là lỗi mà tự thân SV phải nhìn nhận để khắc phục.

Với đơn vị đào tạo, tôi nghĩ rằng mỗi đơn vị sẽ có những chiến lược khác nhau. Tôi không nhận xét sâu về cách làm của mỗi trường nhưng nghĩ rằng, việc hợp tác liên kết giữa một số nhà trường và doanh nghiệp chưa thực sự tốt, nên có những đòi hỏi của thị trường lao động nhà trường chưa tiếp cận hết. Ngoài ra, một số đơn vị cũng còn “cứng nhắc” theo khuôn khổ chương trình, chú trọng nhiều vào kiến thức, ngược lại còn hạn chế trong đào tạo kỹ năng, ngoại ngữ thêm cho SV. Tôi biết vấn đề này còn nhiều lý do khách quan và chủ quan. Song cũng cần nghiên cứu lại để đáp ứng tốt hơn việc đào tạo, đảm bảo cho “sản phẩm” đào tạo chất lượng hơn.

Doanh nghiệp cần gì ở nhà trường và SV, thưa ông?

Các trường đã chú ý hơn trong việc đào tạo cái doanh nghiệp cần, họ cũng đã có những thay đổi trong việc đáp ứng chương trình giảng dạy và trao quyền cho nhà tuyển dụng nhiều hơn. Doanh nghiệp cần nhà trường linh hoạt có những cơ chế để bắt buộc hoặc khuyến khích, tăng khả năng ngoại ngữ cho sinh viên và chú trọng đào tạo kỹ năng mềm nhiều hơn, có thể tăng cường phối hợp với chuyên gia của các doanh nghiệp.

Cán bộ, giảng viên cần thay đổi tư duy tiếp cận làm việc với doanh nghiệp, có những hoạt động thực tế với doanh nghiệp để cập nhật những đòi hỏi mới của thị trường lao động và áp dụng giảng dạy cho SV.

SV cũng nên chủ động tự học, trau dồi vốn ngoại ngữ căn bản và chuyên ngành. Có thể thông qua nhiều cách như tự học, học thêm, học qua mạng và thông qua các câu lạc bộ, đội, nhóm trong nhà trường. Tương tự, nên rèn luyện các kỹ năng mềm, nhất là nên tận dụng các chương trình, cơ hội giao lưu, tiếp xúc với nhà tuyển dụng để nâng cao kinh nghiệm, kỹ năng cần thiết.

Sinh viên đăng ký phỏng vấn ở ngày hội tuyển dụng năm 2018 tại Trường ĐH Nông lâm

Theo ông, SV Huế có nhiều cơ hội về việc làm hơn so với SV các nơi khác không?

Để tuyển dụng, doanh nghiệp thường cần 4 yếu tố: cần cù, chịu khó, tự học và biết đền ơn. So với mặt bằng chung, SV Huế có rất nhiều điểm tốt khiến doanh nghiệp cân nhắc lựa chọn.

Nhu cầu của các doanh nghiệp hiện nay rất lớn nên cơ hội cho SV rất nhiều. Tuy nhiên không vì thiếu mà doanh nghiệp dễ dãi trong tuyển dụng. Chính sách thu hút bây giờ cũng không phân biệt nam nữ, trình độ ĐH hay cao đẳng…, chỉ cần SV cho thấy họ làm tốt công việc, doanh nghiệp sẽ “gật đầu”.

Tôi cũng là người phụ trách một mảng cựu SV Trường ĐH Nông lâm Huế tại khu vực phía Nam nhiều năm và thấy SV Huế ra trường có những vị trí công việc rất tốt, nhiều người làm lãnh đạo, giữ những trọng trách quan trọng hiện nay trong các tập đoàn, công ty lớn. Họ có tố chất cần cù, chịu khó mà doanh nghiệp rất thích, chỉ cần cải thiện những điểm còn hạn chế đã nói thì cơ hội việc làm cho SV Huế luôn rộng mở.

Xin cảm ơn ông!

HỮU PHÚC (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế

Hội thảo khoa học "Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế" do Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) tổ chức chiều 22/11 tại TP. Huế. Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương Nguyễn Khoa Điềm; Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân, cùng đại diện lãnh đạo các sở ban ngành, đông đảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu tham dự.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam

Hơn 100 hình ảnh, tài liệu, trong đó có nhiều tài liệu lần đầu tiên đã được giới thiệu, công bố đến công chúng tại triển lãm chuyên đề “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam”, khai mạc sáng 15/11 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế (7 Lê Lợi, TP. Huế).

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam
“Trước nhà có cây hoàng mai” du hành phương Bắc

Tập tùy bút, ghi chép “Trước nhà có cây hoàng mai: Những ghi chép về Huế - xứ sở phong rêu kiêu sa” (NXB Phụ Nữ Việt Nam) đã được tác giả - nhà báo Minh Tự giới thiệu đến công chúng, những người yêu sách tại Phố sách Hà Nội (Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

“Trước nhà có cây hoàng mai” du hành phương Bắc

TIN MỚI

Return to top