|
Sinh viên tình nguyện Trường đại học Nghệ thuật Huế chuẩn bị cơm miễn phí cho thí sinh dự thi tại điểm thi này
|
Chủ tịch Hội Sinh viên Đại học Huế Bùi Văn Lợi nhìn nhận, bên cạnh kỹ năng “cứng” trong trường liên quan đến học tập, chính khoá thì các kỹ năng mềm, như thuyết trình, làm việc nhóm, tổ chức hội thảo, công tác đoàn hội... vốn không bắt buộc nhưng rất quan trọng, giúp sinh viên thành công trong phỏng vấn xin việc và cuộc sống sau này. “Đại học Huế rất quan tâm đã thành lập trung tâm tư vấn và giới thiệu việc làm. Một số trường đã thành lập các trung tâm hỗ trợ sinh viên và quan hệ doanh nghiệp. Hội Sinh viên Đại học Huế thường tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng viết hồ sơ xin việc, phỏng vấn xin việc, kỹ năng nói trước công chúng, kỹ năng công tác đoàn hội,... Một số trường đại học như Nông Lâm, Kinh tế, Sư phạm còn tổ chức các lớp tập huấn bài bản, quy củ, mời các diễn giả về nói chuyện. Sinh viên tham gia rất đông và hào hứng. Tuy nhiên không thể phủ nhận thực tế là, nhiều sinh viên vẫn rất thiếu và yếu kỹ năng mềm”, anh Lợi nói.
Thiếu và yếu
ThS.Phan Hoàng Hải, Bí thư Đoàn Đại học Huế cho biết, có nhiều kỹ năng mềm đơn giản nhưng sinh viên cũng không có. Chẳng hạn như trong các buổi đối thoại với lãnh đạo trường, sinh viên hỏi những câu hỏi mà tất cả đều đã có trong sổ tay sinh viên của Đại học Huế và của trường đại học thành viên phát cho sinh viên đầu năm học nhưng các em không đọc.
“Điểm yếu” tiếp theo là kỹ năng giao tiếp. Giới trẻ hiện nay và tất nhiên trong đó có sinh viên dành nhiều thời gian cho smartphone - một thế giới ảo trong khi ít giao tiếp thực tế nên kỹ năng tập thể yếu. Thêm vào đó, với việc học tín chỉ thì những sinh hoạt tập thể, chia sẻ trong tập thể ngày càng trở nên... vắng bóng. Anh Hải chia sẻ: “Nhiều em không dám dong tay trong lớp vì không đủ tự tin, sợ nói bị giáo viên “bẻ” mà không biết rằng, mỗi lần phát biểu là cơ hội để rèn luyện kỹ năng nói. Sinh viên nước ngoài hơn mình ở chỗ rất mạnh dạn tranh luận và giáo viên hoàn toàn tôn trọng ý kiến sinh viên đưa ra. Khi ra đời đi làm, người chủ sẽ thích hơn nếu nhân viên có chính kiến và thể hiện sự quyết đoán, năng động nhưng đa phần sinh viên mình không có điều này. Vì vậy mình thường khuyến khích “các em đi chơi nhiều đi!”, vì qua những chuyến đi chơi sinh hoạt tập thể, các em sẽ có dịp nói chuyện, chia sẻ với nhau nhiều hơn. Sinh viên bây giờ như “gà công nghiệp” do bố mẹ bao bọc quá, học giỏi, nhưng ra xã hội cần cả những kỹ năng mềm chứ không chỉ kiến thức”.
Nguyễn Danh Nhật Minh, Phó Chủ tịch Hội sinh viên Trường đại học Kinh tế Huế nhìn nhận: “Lượng kỹ năng mềm mà các bạn sinh viên Huế có được hiện nay không tương xứng với việc được đào tạo ở đại học. Các kỹ năng sinh viên có được chỉ dừng lại ở mức cá nhân, quản lý thời gian tốt, biết động viên bản thân để hoàn thành công việc. Những kỹ năng mang tính tập thể và thiết yếu trong thời đại hiện nay thì không được các bạn chú ý phát triển, ví dụ như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng lãnh đạo... Đánh mất cơ hội phát triển kỹ năng mềm, các bạn sinh viên đang tự thu hẹp cánh cửa đến với những nhà tuyển dụng”.
Theo Nhật Minh, lý do của vấn đề này đến từ cả hai phía, bản thân sinh viên và nhà trường. Một số sinh viên vẫn rất e dè trong việc tham gia các hoạt động tập thể, từ đó hạn chế kỹ năng giao tiếp của chính mình. Phần lớn sinh viên vẫn chưa thận thức được sự quan trọng của việc phát triển các kỹ năng mềm, vì vậy rất thụ động và thực dụng trong việc tham gia các hoạt động ngoại khóa. Nhà trường là một nguyên nhân khiến cho sinh viên thụ động trong tự tìm tòi và học kỹ năng mềm. Thói quen phát triển kỹ năng mềm nên được dạy và truyền thụ cho học sinh ngay từ bậc tiểu học, trung học, dần dần học sinh sẽ quen với các hoạt động tập thể, không còn e dè mỗi khi đứng giữa đám đông, cái mà sau này giúp phát triển kỹ năng thuyết trình cũng như lãnh đạo. Tuy nhiên, “các buổi tập huấn kỹ năng của các trường đều khá khô cứng và nội dung giống nhau, không chú trọng và chưa cung cấp cho sinh viên những kỹ năng họ cần nên không thu hút được nhiều người tham gia”, Minh nhìn nhận. Cũng theo Minh, cơ sở vật chất ở hầu hết các trường đại học hiện nay chưa đồng bộ và đầy đủ dẫn đến việc thực hiện một số hoạt động ngoài giờ hay một buổi họp lớp, họp câu lạc bộ trở nên rất khó khăn. Các trường chưa đủ sân chơi thể thao cho sinh viên - nơi mà qua đó sinh viên được giao lưu một các lành mạnh và tiếp thu kỹ năng mềm khá hiệu quả mà không gò bó.
Bên cạnh mình
Theo anh Phan Hoàng Hải, sinh viên có thể trang bị kỹ năng mềm bằng nhiều cách, ví dụ như tích cực tham gia các hoạt động vui chơi, hoạt động đoàn hội, thể thao, hoạt động tình nguyện..., hình thành cho mình nhiều kỹ năng và là nơi thực tập kỹ năng hiệu quả nhất. “Các lớp tập huấn kỹ năng sẽ dạy cho sinh viên ý thức trong suy nghĩ từ giao tiếp đến ứng xử, quản lý thời gian,... Từ đó, đánh thức sinh viên nên làm gì nhưng quan trọng là tính chủ động và khả năng vận dụng của mỗi người. Học xong nhưng nếu không có môi trường và tính chủ động, không tốt thì kiến thức học được cũng... rơi vào quên lãng. Vì vậy để có kỹ năng mềm thì vấn đề lớn nhất nằm ở chính bản thân sinh viên”, anh Hải khẳng định.
Sinh viên cũng nên học kỹ năng mềm từ những việc rất nhỏ. “Đôi lúc kỹ năng mềm không phải trên lớp mà bên cạnh chúng ta. Chẳng hạn như đi xem văn nghệ, nhiều sinh viên chỉ nhận xét đơn giản là hay hoặc dở mà không biết đặt câu hỏi: đơn vị tổ chức ra sao, vì sao sắp xếp kịch bản như vậy, chủ đề có phù hợp không?... Hiện các trường có những hoạt động ngoại khoá như tiếp sức mùa thi, tình nguyện hè, các câu lạc bộ đội nhóm,... hãy tham gia để học mà chơi, chơi mà học, anh Lợi nhấn mạnh.
“Chính sinh viên phải hiểu rằng các kỹ năng mềm giúp ích rất lớn cho mình khi rời ghế nhà trường, Nhật Minh nói. - Thấy được sự cần thiết thì khi đó mới có hứng thú và tích cực trong việc trau dồi kỹ năng mềm. Nhà trường cũng cần góp phần giúp sinh viên hiểu được việc quan trọng của học kỹ năng mềm bằng cách tổ chức những lớp học kỹ năng nhưng phải với mục đích cao nhất là bổ sung những kỹ năng sinh viên còn thiếu. Nhà trường cũng nên tổ chức nhiều hơn các hoạt động ngoại khóa, các cuộc thi mới lạ để dần thay thế các hoạt động đã nhàm chán, để sinh viên làm chủ và từ đó khơi dậy tính sáng tạo cho các bạn, chắc chắn các bạn sẽ rất hứng thú và có trách nhiệm với các chương trình mình xây dựng nên”.