ClockThứ Tư, 24/07/2024 06:25

Hành trình “vượt vũ môn” của học sinh vùng cao

TTH - Trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, Trường THCS&THPT Hồng Vân (huyện A Lưới) có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đạt 100%. Hầu hết học sinh là người dân tộc thiểu số, điều kiện đến trường, học tập còn khó khăn, nhưng các em đã nỗ lực vượt khó để chạm tới ước mơ.

Trao 280 suất quà cho học sinh vùng cao A LướiVượt khó mang con chữ lên vùng caoNhiệt tâm của thầy giáo trẻ nơi vùng cao A Lưới

 Học sinh lớp 12, Trường THCS&THPT Hồng Vân trước ngày thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: NVCC

Năm nay, kết quả thi tốt nghiệp THPT của Hồ Thị Sinh Hưởng, học sinh Trường THCS&THPT Hồng Vân khá cao. Tổng điểm các môn thuộc khối C19 em đăng ký xét tuyển đại học đạt 25,75 điểm; trong đó, môn lịch sử đạt 9 điểm, địa lý: 8,25 và giáo dục công dân: 8,5. Theo chia sẻ của Hưởng, để đạt kết quả này, ngoài thời gian ôn tập ở trường, em dành nhiều thời gian luyện đề, giải đề minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cũng như tham khảo đề trên mạng xã hội.

Nhà ở xã Trung Sơn, gia đình của Hưởng thuộc diện cận nghèo, thu nhập nhờ vào nương rẫy nên rất khó khăn. Thế nên, con đường đến trường của em cũng không hề dễ dàng. Mỗi ngày, Hưởng chạy xe tầm 30 phút mới đến trường. Hai chị em dùng chung một chiếc xe đạp điện, những lúc học trái buổi, Hưởng nhường xe cho em nên đành chờ xin quá giang người đi đường. Hưởng chia sẻ: “Hiểu rõ hoàn cảnh gia đình nên em luôn nỗ lực học tập để vươn lên thoát nghèo. Ước mong của em là đỗ vào Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế, trở thành cô giáo để dạy học cho các em nhỏ ở quê mình”.

Ở vùng sâu, vùng xa, hầu hết học sinh Trường THCS&THPT Hồng Vân đều có hoàn cảnh khó khăn như Hồ Thị Sinh Hưởng. Trong số 71 học sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, có đến 70 thí sinh là người dân tộc thiểu số, 1/3 trong số này ở xã Hồng Thủy, điều kiện đi lại khó khăn. Để đến trường, hàng ngày các em phải vượt đèo Pê Kê nên học đến lớp 12, thi đậu tốt nghiệp THPT là cả một quá trình nỗ lực vượt khó.

Bà Đàm Thị Hoa, Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Hồng Vân chia sẻ, nhiều em học sinh lớp 12 có hoàn cảnh gia đình thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Đường xá đi lại xa xôi, phương tiện học tập thiếu thốn nhưng các em đã cố gắng đến trường. Học sinh ở đây có thể học chưa giỏi, nhưng rất chuyên cần, chăm ngoan và chịu khó.

Điều kiện ở miền núi còn thiếu thốn, học sinh không có đủ các thiết bị hỗ trợ học tập cũng là khó khăn trong việc sử dụng phương tiện dạy học hiện đại. Giáo viên phải dạy trực tiếp chứ không thể áp dụng hình thức trực tuyến để hỗ trợ thêm cho học sinh. Nhiều giáo viên ở cách trường khá xa, có người ở tận TP. Huế nên thầy cô cũng phải vượt đường sá xa xôi để tăng tốc ôn tập cho học sinh đến ngày 22/6.

Không phụ lòng người, những nỗ lực của thầy và trò Trường THCS&THPT Hồng Vân được đền đáp khi Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, 71/71 học sinh đều đỗ tốt nghiệp. Đây là năm thứ 2 liên tiếp, học sinh lớp 12 của trường đỗ tốt nghiệp 100% (năm 2023 có 1 thí sinh tự do thi trượt).

Để đạt kết quả này, Trường THCS&THPT Hồng Vân xây dựng kế hoạch bài bản trong dạy học và ôn tập ngay từ đầu năm học. Bà Hoa cho biết: “Nhà trường xây dựng kế hoạch ôn tập, tổ chức thi thử, phân tích, đánh giá kết quả để có điều chỉnh đối với giáo viên trong quá trình tổ chức ôn tập cho học sinh. Học sinh có học lực khá đăng ký xét tuyển đại học được bồi dưỡng riêng, học sinh chỉ thi tốt nghiệp được ôn tập riêng. Với sự quan tâm của phụ huynh, thầy cô giáo, các em học sinh cố gắng ôn tập, làm bài tốt và đều thi đỗ. Điểm thi của học sinh năm nay cũng cao hơn so với mọi năm”.

Trong số 71 học sinh thi đỗ của Trường THCS&THPT Hồng Vân, có 50% học sinh đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Ngoài mong ước học để thoát nghèo, nhiều em đăng ký học các trường sư phạm, bộ đội biên phòng, cảnh sát… với ước mơ được góp sức xây dựng bản làng, giữ gìn biên cương.

Cát An
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

"Mẹ Lành" của học trò vùng cao

Hai từ “mẹ Lành” thân thương được nhiều trẻ gọi cô Mai Thị Mộng Lành (Trường mầm non Xuân Lộc, huyện Phú Lộc) không phải tự nhiên mà có. Ngoài giờ trên lớp, cô giáo Lành còn dành thời gian đến nhà thăm hỏi gia đình của các cháu. Đến buổi chiều vào giờ tan trường, có những trẻ mà ba mẹ đi làm rẫy chưa kịp về, cô Lành lại chở các cháu về nhà. Dù đường bản đi lại còn nhiều khó khăn, nhưng không làm khó được cô giáo dáng người nhỏ nhắn.

Mẹ Lành của học trò vùng cao
Cầu mây & hành trình phía trước

Hiện tại, không phải cầu chinh, không phải Jujitsu và càng không phải bắn cung, mà cầu mây mới là bộ môn non trẻ nhất của thể thao Huế.

Cầu mây  hành trình phía trước
Trò đến lớp, thầy vui!

Bên cạnh dạy học, thầy cô giáo ở vùng cao A Lưới còn phụ trách thêm công tác vận động học sinh đến trường. Thấy học sinh nghỉ học dài ngày, có nguy cơ bỏ học, sau giờ dạy, giáo viên lại tìm đến nhà tìm hiểu, động viên, nhắc nhở. Niềm vui giản dị của các nhà giáo nơi đây là được thấy học sinh trở lại trường.

Trò đến lớp, thầy vui
Hơn 16.000 bài dự thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024

Được phát động từ tháng 4 đến nay, cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024 thu hút 16.358 bài dự thi đến từ 120 trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh tham gia.

Hơn 16 000 bài dự thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024

TIN MỚI

Return to top