ClockThứ Năm, 15/03/2018 06:15
HỌC NGHỀ TRONG TRƯỜNG HỌC:

Không còn “cưỡi ngựa xem hoa”

TTH - Doanh nghiệp chuộng lao động trẻ, có tay nghề, có sức khỏe và tác phong công nghiệp. Học sinh chuyển tiếp từ trung học cơ sở (THCS) lên trung cấp nghề bỏ qua bậc học trung học phổ thông (THPT) là một xu hướng được nhiều người lựa chọn.

Bỏ cộng điểm khuyến khích: Học nghề có về đúng mục tiêu hướng nghiệp?“Đuối sức” khi không có học viên

Học nghề ở Trường cao đẳng nghề số 23 - Bộ Quốc Phòng

Trước: Chỉ để cộng điểm

Một thời gian dài, học sinh ở trường THCS học nghề cốt để được cộng điểm thi tốt nghiệp. Thế nên, các em học theo phong trào, nghề gì cũng được, con gái có thể học điện và con trai học nấu ăn và chẳng quan tâm ứng dụng những điều đã học vào cuộc sống. Em Nguyễn Ngọc Hân, học sinh lớp 10 Trường THPT Nguyễn Trường Tộ nhớ lại: “1,5 điểm cộng vào điểm thi tốt nghiệp là rất quý so với nỗ lực ở các môn văn hóa. Thế nên, cả lớp em đều chọn làm hoa giấy vì nghề này dễ học, dễ có điểm cộng. Có nhiều bạn đến học chỉ để điểm danh, khi đến kỳ thi thì mua hoa làm sẵn về nộp đối phó”.

Học nghề trong trường học để giáo dục, hướng nghiệp giúp học sinh có sự lựa chọn về nghề nghiệp. Thế nhưng, học sinh thờ ơ, phụ huynh phản đối, còn các trường thì dạy những nghề mà mình có, dù học nghề là một hình thức phân luồng hiệu quả. Một số người còn mặc định, học nghề trong trường phổ thông chỉ “cưỡi ngựa xem hoa” nhưng không dám cho con nghỉ học vì quyền lợi trong thi cử.

Một nguyên nhân khác khiến cho công tác phân luồng chưa đạt hiệu quả là do hệ thống trường nghề, trường trung cấp chưa hấp dẫn người học, ngành nghề đào tạo chưa đa dạng để học sinh lựa chọn. Các trường chưa thực sự liên kết với trường phổ thông để giới thiệu chương trình đào tạo, cơ hội tham gia thị trường lao động, liên thông cao đẳng, đại học.

Nay: Theo nhu cầu

Chúng tôi về Phú Vang, ngạc nhiên khi các trường ở vùng ven biển, học sinh lớp 8 học nghề theo sở thích và nhu cầu của gia đình. Các em chọn học nghề may, đóng tàu, nuôi trồng thủy hải sản, nghề đánh bắt xa bờ... Phụ huynh đã “nhìn xa, trông rộng” khi ở địa phương có nhiều nhà máy tuyển lao động với số lượng lớn, chế độ ưu đãi khá hấp dẫn nên khuyến khích các em học nghề.

Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Vang, Lê Đình Phong, trong vòng 3 năm trở lại đây, hầu như học sinh ở các trường đều chọn học nghề phù hợp với khả năng và điều kiện của gia đình. Nhiều em không thi lên lớp 10 công lập mà tiếp tục học trung cấp nghề trên cơ sở nghề đã học tại trường.

Những tiết học nghề ở các trường phổ thông không còn bó hẹp trong phạm vi trường học nữa, mà là  trải nghiệm tại cơ sở sản xuất, làng nghề truyền thống. Máy móc phục vụ công tác dạy nghề khá hiện đại. Lựa chọn học nghề của học sinh đã chuyển dần theo hướng phù hợp với phát triển kỹ năng phục vụ nhu cầu lao động của xã hội. Một số địa phương đã mở rộng thêm các nghề phổ thông mới phù hợp với nhu cầu của học sinh.  Em Trần Thị Dung, học sinh lớp 9 Trường THCS Vinh Hà (Phú Vang) nói: Em học chậm nên tuổi lớn hơn các bạn cùng lớp. Em chọn học nghề may để sau khi tốt nghiệp THCS sẽ vào làm việc tại một công ty gần nhà. Nếu có điều kiện, em sẽ học thêm bằng trung cấp nghề ngành thiết kế thời trang”.

Nhiều em sức học không tốt, vào trường công lập sẽ chật vật thì học nghề trở thành con đường ngắn nhất để chọn lựa. Học trung cấp nghề cũng là xu hướng được khá nhiều học sinh lựa chọn khi các trường học phối hợp với các trường nghề có sự định hướng cho những em có học lực trung bình. Thầy Lê Hòa, Hiệu trưởng Trường Trung cấp công nghệ số 10 cho biết: Hàng năm, trường tuyển khoảng 200 học sinh THCS vào học nghề. Do các em đã được học nghề 2 năm tại trường phổ thông nên tay nghề được nâng lên rỏ rệt. Các em tiếp thu kiến thức khá nhanh nên chất lượng đào tạo được nâng lên.

Theo tính toán của các trường nghề, có đến 90% học sinh trường trung cấp nghề có việc làm sau khi tốt nghiệp. Em Nguyễn Thanh Bình, học viên Trường trung cấp công nghệ số 10 cho biết: Cách đây hai năm, em tốt nghiệp THCS nhưng không thi vào lớp 10 mà chọn học nghề điện. Em chuẩn bị ra trường nhưng đã có doanh nghiệp đến tuyển với mức lương ổn định”.

Thay đổi nhận thức của phụ huynh, học sinh đòi hỏi các trường nghề cần thay đổi tích cực hơn nữa về cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt là vấn đề tạo việc làm cho các em sau khi ra trường. Đây mới là yếu tố quyết định để thu hút được học sinh.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khi doanh nghiệp là ngôi nhà thứ hai

Ngoài nâng cao chế độ lương, thưởng, nhiều doanh nghiệp (DN) đã quan tâm hơn đến việc cải thiện môi trường làm việc và xây dựng các công trình phúc lợi giúp người lao động (NLĐ) yên tâm cống hiến, gắn bó lâu dài với DN.

Khi doanh nghiệp là ngôi nhà thứ hai
TÀI CHÍNH TOÀN DIỆN:
Để không có vùng trắng tín dụng

Tăng khả năng tiếp cận tín dụng nói riêng và các dịch vụ tài chính nói chung sẽ góp phần nâng cao năng lực của toàn xã hội, nhất là người yếu thế.

Để không có vùng trắng tín dụng
Doanh nghiệp kỳ vọng vào sự tăng trưởng

Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong những tháng đầu năm có những dấu hiệu khởi sắc. Nhiều doanh nghiệp có đơn hàng trở lại, lãi suất ngân hàng hạ nhiệt… là những yếu tố thuận lợi để doanh nghiệp chủ động thực hiện tốt kế hoạch hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Doanh nghiệp kỳ vọng vào sự tăng trưởng
20 sinh viên sư phạm nhận học bổng AMA

Ngày 26/4, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế đã phối hợp với Quỹ học bổng AMA trao 20 suất học bổng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trúng tuyển khóa tuyển sinh năm học 2023 -2024.

20 sinh viên sư phạm nhận học bổng AMA
Return to top