Những ngành có tính đặc thù rất cần giảng viên thỉnh giảng giàu kinh nghiệm thực tế về chuyên môn
Khó tìm được người đáp ứng tiêu chuẩn
Kết nối nhiều đơn vị, song TS. Phan Quốc Hải, Trưởng khoa Báo chí - Truyền thông, Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế thừa nhận là rất khó tìm được giảng viên thỉnh giảng. TS. Hải trăn trở: “Có mối quan hệ gần gũi với nhiều nhà báo từ các cơ quan thông tấn, báo chí và biết họ dư khả năng giảng dạy, truyền nghề cho sinh viên nhưng do quy định “cứng” yêu cầu giảng viên thỉnh giảng phải đáp ứng các tiêu chuẩn của giảng viên, trong đó trình độ tối thiểu của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ ĐH là thạc sĩ nên không thể mời”.
Khoa Báo chí - Truyền thông, Trường ĐH Khoa học có khoảng 10 môn học rất cần mời giảng viên thỉnh giảng, đặc biệt là những môn học nội dung có tính đặc thù như nhiếp ảnh, maket báo in, làm báo đa phương tiện… song, yêu cầu có bằng về trình độ thạc sĩ với giảng viên thỉnh giảng khiến đơn vị đào tạo gặp khó. Không dễ tìm giảng viên thỉnh giảng nên trường hợp kết nối được người thích hợp, phải mời họ giảng dạy nhiều môn. Ngoài ra, giảng viên của đơn vị phải đảm nhận thêm việc giảng dạy các môn khác, nhưng lãnh đạo khoa thừa nhận, rất khó để đảm bảo chất lượng.
Không riêng Khoa Báo chí - Truyền thông, nhiều đơn vị đào tạo, khoa chuyên môn, nhất là các ngành nghề đặc thù cũng lo lắng vấn đề trên. TS. KTS. Nguyễn Ngọc Tùng, Trưởng khoa Kiến trúc, Trường ĐH Khoa học chia sẻ, thực tế có rất nhiều KTS được xem là “lão làng”, giàu kinh nghiệm, là thành viên của các hội đồng chuyên môn, khoa rất muốn mời về giảng dạy một số học phần, môn học chuyên môn sâu, đặc biệt là các môn học đồ án nhưng soi chiếu tiêu chuẩn, vẫn bị vướng ở yêu cầu thạc sĩ.
Theo đại diện Ban Tổ chức cán bộ ĐH Huế, nhu cầu các đơn vị đào tạo muốn mời các giảng viên thỉnh giảng là có, ở khá nhiều ngành, nhưng đã là quy định “cứng” theo luật định, phải thực hiện. TS. Phạm Thế Kiên, Trưởng ban Thanh tra và Pháp chế ĐH Huế cho hay, các đợt kiểm tra, cũng nhiều lần nghe các trường trao đổi về vấn đề này, trong đó có nhiều khó khăn nảy sinh. Trước đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo có cơ chế đặc thù với các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin và du lịch giai đoạn 2017 - 2020 với đề án kèm theo, có sự thuận lợi hơn trong việc kết hợp với doanh nghiệp để đào tạo nhưng sau này khi có Luật Giáo dục (Luật số 43/2019/QH14 ngày 14/6/2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020), các đơn vị đào tạo đều phải áp dụng theo quy định hiện hành.
PGS. TS. Trần Ngọc Tuyền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học cho rằng, với các ngành đặc thù, đào tạo nghề thì nhiều lãnh đạo, chuyên gia doanh nghiệp, nhà báo, KTS… ít chú trọng đến việc học sau ĐH nhưng họ rất giỏi, giàu kinh nghiệm, thậm chí để mời được họ rất khó nhưng soi chiếu lại quy định, lại không thể mời họ làm giảng viên thỉnh giảng. Cũng vì vậy, rất cần những cơ chế linh hoạt phù hợp với thực tiễn đào tạo.
Kiến trúc là ngành đặc thù cũng đang rất cần giảng viên thỉnh giảng là chuyên gia giàu kinh nghiệm
Tìm cách linh hoạt
Trong thực tiễn thị trường lao động hiện nay, yêu cầu đào tạo đáp ứng nhu cầu nhà tuyển dụng đòi hỏi từ chương trình giảng dạy, kiểm tra, đánh giá… phải sát với môi trường công việc thực tế. Chính vì điều đó, theo PGS.TS. Nguyễn Hữu Văn, Trưởng khoa Chăn nuôi - Thú y, Trường ĐH Nông lâm, gắn kết với doanh nghiệp, nhà tuyển dụng hay tận dụng kinh nghiệm từ các chuyên gia đúng lĩnh vực là giải pháp của nhiều đơn vị đào tạo.
Tìm giải pháp linh hoạt, phù hợp và đáp ứng chất lượng thực tiễn giảng dạy là điều cần hướng đến, tuy nhiên phải đáp ứng trong khuôn khổ pháp luật. PGS. TS. Nguyễn Đức Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Du lịch - ĐH Huế cho rằng, có thể kết hợp nhiều hơn vai trò của nhà trường và doanh nghiệp, trong đó nhà trường vận dụng kinh nghiệm thiết kế bài giảng sẽ đảm nhận truyền thụ kiến thức, còn phía chuyên gia, doanh nghiệp sẽ chia sẻ kinh nghiệm.
PGS. TS. Nguyễn Hữu Văn gợi ý từ việc kết nối các chuyên gia, doanh nghiệp, nên mời họ báo cáo một số chuyên đề trong thời gian ngắn. Quan trọng là tận dụng những kinh nghiệm thực tế của họ để chia sẻ, trao đổi các chuyên đề mà đơn vị đào tạo và sinh viên quan tâm. Các hội thảo, chương trình ngày hội tuyển dụng hay các sự kiện của đơn vị đào tạo cũng có thể mời doanh nghiệp, chuyên gia chia sẻ những vấn đề gắn với thực tiễn và đào tạo.
Theo đại diện Ban Thanh tra - Pháp chế, ĐH Huế, trong quá trình ĐH Huế rà roát, hoặc các trường có nhu cầu có thể làm văn bản gửi ĐH Huế để từ đó có văn bản trình Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét về cơ chế đặc thù khi đáp ứng đủ các điều kiện phù hợp.
Bài, ảnh: Hữu Phúc