ClockThứ Tư, 25/03/2020 11:32

Không “giao khoán” cho học sinh khi học trên truyền hình

TTH.VN - Chương trình dạy học trên sóng truyền hình dành cho học sinh lớp 9, với ba môn: Ngữ văn, toán và Tiếng Anh được đông đảo phụ huynh và học sinh quan tâm.

Học sinh khối 9 sẽ học qua truyền hình vào ngày 23/3Làm quen với bài học trên truyền hìnhHọc trên truyền hình hiệu quả, cần sự đồng lòng

Dạy học trên sóng truyền hình được xem là giải pháp tình thề phù hợp

Vẫn biết là giải pháp tình thế nhưng nhiều người băn khoăn khi đây là chương trình bắt buộc, trong khi không phải học sinh nào cũng có thể tiếp thu được kiến thức qua sóng truyền hình.

15h từ thứ 2 đến thứ 5 học sinh khối 9 bắt đầu ngồi vào bàn để học trực tuyến. Các em đã nghỉ học quá dài và hầu như không ôn lại bài vở dẫu nhiều phụ huynh đốc thúc. Học trên truyền hình được xem là pháp lệnh và từ những kiến thức đó giúp học sinh vận dụng luyện tập chuẩn bị cho kỳ thi sắp đến.

Ngày đầu tiên con học truyền hình, không ít phụ huynh âu lo. Sợ con không theo kịp chương trình, có tập trung bài vở hay mải mê chơi game trên mạng internet. Nhiều em cũng “toát mồ hôi” khi lạ lẫm với loại hình học trên truyền hình. Em Nguyễn Phương Anh, học sinh Trường THCS Chu Văn An, cho hay: Giáo viên dạy nhanh, lại tóm lược quá nên em không theo kịp. Em có mở lại chương trình để xem nhưng vẫn chưa hiểu bài, chỉ có những học sinh khá, giỏi mới tiếp thu được. Em thích giáo viên dạy vui vẻ, hài hước, có nhiều ví dụ minh họa sinh động sẽ dễ tiếp thu hơn”.

Phụ huynh nóng ruột vì nếu tình hình dịch bệnh kéo dài có thể sẽ phải công nhận kết quả học trên truyền hình. Trong khi, nhiều em theo không kịp và học theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”.  Chị Nguyễn Thị Thùy Trang, phụ huynh có con học lớp 9 ở Trường THCS Trần Cao Vân, bày tỏ: "Muốn con hiểu được hết kiến thức qua truyền hình là điều khó. Hơn nữa, tôi thấy không khí học trên truyền hình nghiêm túc quá, giáo viên cứ nói với máy quay, chỉ là độc thoại nên giảm tương tác của học sinh với tiết học. Và nếu cứ tiếp tục dạy như vậy chắc chắn kiến thức truyền tải đến học sinh chỉ đạt được 50%", chị Trang nhận định.

Nhiều học sinh vẫn chưa quen với cách dạy trên truyền hình

Thực tế, sản xuất các chương trình giáo dục, dạy học trên truyền hình gặp không ít khó khăn. Bởi việc tuyển chọn thầy cô giáo giảng dạy phải đạt được tất cả các yếu tố, vừa là giáo viên dạy giỏi, vừa có thể giảng dạy trước ống kính máy quay.Hơn nữa, giáo viên tự tin trước ống kính, truyền đạt đầy đủ kiến thức cho học sinh không phải ai cũng làm được. Đồng cảm với áp lực của giáo viên dạy trên truyền hình khi họ đã thực sự cố gắng, nhiệt tình. Trong thời gian ngắn họ phải thích nghi với cách dạy mới mà không có sự tương tác của học sinh nên rất khó để điều chỉnh…

Cô Nguyễn Thị Thúy - Giáo viên dạy môn Toán Trường Trung học cơ sở Nguyễn Duy trao đổi: Chỉ có giáo viên dạy trên lớp mới hiểu được học sinh của lớp mình có khả năng tiếp thu ra sao để hỗ trợ các em. Thế nên, học trên truyền hình đòi hỏi giáo viên bộ môn ở các trường phải có sự tương tác để giải đáp cho học sinh những phần chưa rõ, chứ không phải để mặc các em tự học qua truyền hình.

Nhận định dạy trên truyền hình là giải pháp hữu hiệu trong giai đoạn hiện nay, học sinh có tinh thần tự học sẽ có thêm nhiều nguồn để tham khảo. Tuy nhiên, thừa nhận hình thức này còn gặp nhiều khó khăn bởi không thể quản lý được số lượng học sinh tham gia. Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng, điều quan trọng nhất chính là các trường phải hướng dẫn học sinh thực hiện các yêu cầu của bài học, đồng thời giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của học sinh, chấm chữa bài tập cho các em…

Nhiều trường đã yêu cầu giáo viên theo dõi những tiết dạy trên sóng truyền hình, sau đó lập các nhóm học sinh của lớp mình dạy thông qua phần mềm Zoom, đồng thời triển khai đưa kiến thức đến các em, bổ sung những điều còn thiếu… Tuy nhiên, yêu cầu là vậy nhưng trên thực tế, nhiều giáo viên vẫn chưa kết nối với học sinh và các em tự học là chính. Bản thân nhiều học sinh lớp 9 cũng ngại ngần không dám bày tỏ những vấn đề mà mình chưa hiểu với giáo viên.

Bộ GD&ĐT khuyến khích các trường thực hiện việc dạy học trực tuyến trong thời gian học sinh nghỉ học, nhưng hiện chưa có quy định nào cho phép việc dạy học chính khóa ở bậc phổ thông thay thế bằng học trực tuyến. Điều này khiến phụ huynh và học sinh còn nhiều phấp phỏng về cách dạy, cách học. Họ mơ hồ không biết kết quả học lúc này có được công nhận, hay chỉ giải pháp tạm thời nên có tâm lý xem nhẹ việc học trên truyền hình.

Trước tình hình trên, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các trường tổ chức rà soát, đánh giá kết quả học tập qua internet, trên truyền hình sau khi học sinh đi học trở lại. Từ đó, hướng dẫn giáo viên rà soát và điều chỉnh kế hoạch dạy học theo hướng kế thừa những nội dung đã học trên truyền hình nhằm tối ưu thời gian và nội dung kiến thức cần dạy học trong chương trình theo quy định.

Bài, ảnh: An Nhiên

                                                                                                                                                                                                      

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TP. Huế tuyên dương 245 học sinh giỏi

Sáng 13/1, UBND TP. Huế tổ chức tổng kết, phát thưởng cho học sinh giỏi (HSG) lớp 9 cấp thành phố năm học 2022- 2023. Tham dự có Chủ tịch UBND TP. Huế Võ Lê Nhật cùng lãnh đạo thành phố.

TP Huế tuyên dương 245 học sinh giỏi

TIN MỚI

Return to top