Phát phần thưởng cho học sinh đạt giải cao ở Trường THPT Nguyễn Chí Thanh
Từ Quảng Vinh
Câu chuyện khởi đầu gắn với cựu chiến binh Nguyễn Suy, người từng giữ chức Giám đốc Trường Đảng Nguyễn Chí Thanh (nay là Hiệu trưởng Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh). Năm 1990 về hưu, ông Suy tiếp tục tham gia công tác ở địa phương. Những năm 90, vùng thấp trũng này trẻ em bỏ học nhiều lắm. Nhìn cảnh đó, ông Suy vừa buồn lại vừa lo cho tương lai của bọn trẻ. Thế là, năm 1994, ông có sáng kiến thành lập Hội Khuyến học xã Quảng Vinh với mục đích giúp đỡ con em gia đình chính sách, học sinh nghèo vượt khó; khen thưởng học sinh giỏi, năng khiếu và những thầy cô giáo dạy giỏi.
Để có quỹ, ông Suy bàn với thầy Quý, Hiệu trưởng Trường tiểu học Quảng Vinh rồi bỏ tiền túi góp 2 tháng lương, thầy hiệu trưởng cũng góp 1 tháng lương để xây dựng. Ông Suy cùng các thành viên trong hội kiên trì vận động cán bộ, đảng viên, giáo viên, các nhà hảo tâm ủng hộ được gần 5 triệu đồng. Lần trao học bổng khuyến học đầu tiên cho 50 em học sinh, mỗi em được 100.000 đồng và ai cũng rất phấn khởi. Hội Khuyến học xã Quảng Vinh được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba vào năm 2005.
Lan tỏa mô hình học tập
Năm 2002, Hội Khuyến học huyện Quảng Điền được thành lập. Thi đua với Quảng Vinh, các tổ chức hội từ huyện đến cơ sở đã có nhiều việc làm thiết thực, tạo nên bước phát triển mới trong phong trào khuyến học, khuyến tài.
Năm 2014, thực hiện Quyết định 281/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ, huyện Quảng Điền được Ban Thường vụ Hội Khuyến học Thừa Thiên Huế chọn làm nơi chỉ đạo xây dựng các mô hình học tập thí điểm của tỉnh. Đã có 4 thôn/tổ dân phố, 4 dòng họ và 325 gia đình được chọn để xây dựng mô hình học tập thí điểm. Kết quả, có 100% dòng họ và cộng đồng đạt danh hiệu dòng họ học tập, cộng đồng học tập; trên 80% gia đình đạt danh hiệu gia đình học tập.
Từ kết quả qua thí điểm, Quảng Điền triển khai rộng khắp mô hình học tập trong toàn huyện. Đến năm 2018, toàn huyện có 11.955 gia đình đạt danh hiệu gia đình học tập (51,3%), 1.235 dòng họ học tập (35,1%), 64 cộng đồng (làng, thôn, tổ dân phố) được công nhận cộng đồng học tập (68,8%). “Cộng đồng học tập cấp xã” có 4/11 đạt loại giỏi và 7 xã loại khá.
Các mô hình học tập, tạo được tác động tích cực đối với công tác xây dựng nông thôn mới và phong trào xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, góp phần thiết thực phát triển sự nghiệp giáo dục. Bà con Nhân dân nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của việc xây dựng gia đình học tập và đi từ xây dựng gia đình học tập để cùng chung sức xây dựng dòng họ, thôn, tổ dân phố học tập.
Chương trình "Tiếp lửa tài năng" cho học sinh Quảng Điền
Thiết thực và hiệu quả
Để quỹ khuyến học đem lại hiệu quả thiết thực và duy trì bền vững, Ban Chấp hành Hội khuyến học xây dựng quy chế và kế hoạch hoạt động cụ thể. Các thôn, làng, dòng họ đều lập sổ theo dõi trình độ học vấn và sự thành đạt của con em. Đồng thời với việc tổ chức khen thưởng cho học sinh, hàng năm trợ cấp cho học sinh nghèo vượt khó, mỗi đơn vị đều có cách huy động, xây dựng qũy khuyến học theo tinh thần tự nguyện.
Hiện nay, 11/11 trung tâm học tập cộng đồng trong huyện hoạt động khá tốt, tập trung vào tuyên truyền cho mọi tầng lớp Nhân dân về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; phổ biến kiến thức khuyến nông khuyến ngư, tuyên truyền pháp luật, góp phần vào thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Phong trào xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh, cơ sở vật chất trường học được tăng cường theo hướng cao tầng, kiên cố, đạt chuẩn quốc gia...
Từ hạt nhân ban đầu là xã Quảng Vinh, phong trào khuyến học huyện Quảng Điền ngày càng phát triển sâu rộng, hiệu quả và thiết thực, xứng đáng là đơn vị tiêu biểu của tỉnh trong phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Bài, ảnh: AN NHIÊN