Trang web là công sức của Đôn và các thầy cô giáo
Đôn được sinh ra tại làng Phù Bài (xã Thủy Phù, TX. Hương Thủy), ngôi làng vốn nổi tiếng với nghề rèn và hội đua trải. Như bao bè bạn, cậu học trò chăm chỉ đến trường, nhưng vẫn luôn mong muốn làm gì đó cho nơi chôn nhau cắt rốn. Đôn chia sẻ: “Mỗi vùng đất đều có lịch sử, văn hóa và phong tục tập quán riêng. Em muốn thu thập, đưa các thông tin về làng lên trang web để không chỉ người dân Phù Bài mà những ai muốn tìm hiểu về quê em đều có thể nghe, xem, đọc”.
Từ tháng 9/2019, Đôn bắt tay vào hiện thực hóa dự định. Việc lập một trang web với nhiều nội dung không phải quá phức tạp, nhưng cũng là một chặng đường lớn mà cậu học trò lớp 8 phải vượt qua. May mắn với Lê Quý Đôn, trên chặng đường ấy, nhiều thầy cô giáo trong trường đã đồng hành cùng em, giúp cậu học trò yêu lịch sử vững bước.
Một trong những người luôn đồng hành cùng Đôn là cô giáo phụ trách môn lịch sử Hà Thị Thúy Vân. Cô Vân cho biết: “Quý Đôn mong muốn trang web sẽ là nơi giới thiệu lịch sử, văn hóa của ngôi làng xưa. Đó sẽ là vị trí địa lý; quá trình lập làng; tổ chức họ tộc và vai trò của họ tộc; văn thánh, võ thánh; công trình kiến trúc văn hóa; phong tục lễ hội…”.
Theo cô Vân, không chỉ phục vụ cho nhu cầu tìm hiểu lịch sử, văn hóa cha ông của người dân làng Phù Bài, trang web còn tạo cơ hội để những người con xa quê hiểu hơn về nơi chôn rau cắt rốn hoặc cung cấp thông tin tư liệu lịch sử cho người cần. Vì vậy, không ngại nắng mưa, cô và trò tìm đến những bậc cao niên, các công trình kiến trúc đặc trưng, nhà thờ họ tộc… để xin tư liệu, chụp ảnh. Vào dịp lễ tế của làng, Lê Quý Đôn cùng cô Thúy Vân cũng đến từ sớm, không bỏ qua chi tiết nào để hoàn thiện những nội dung còn đang dang dở.
Cậu học trò nhỏ nói: “Em đã linh động sử dụng giao diện web miễn phí để tạo ra trang “vanhoalangphubai.vnn.mn. Nội dung trang web cả cô và trò đều biên soạn, ngoài ra chúng em còn tham khảo thêm nhiều nguồn tư liệu khác nhau để trang web sinh động, đa dạng”. Trang web Văn hóa làng Phù Bài có giao diện đặc trưng, nội dung mạch lạc với bài viết, hình ảnh và video. Tuy nhiên, trang web chỉ đọc được trên máy tính và laptop, còn điện thoại thông minh lại vướng lỗi. Đó cũng là sự trăn trở, thúc đẩy Lê Quý Đôn làm một trang web mới, đẹp hơn, hữu dụng hơn.
Cậu học trò nhỏ cho biết: “Hiện nay, em đã lập nên trang web với giao diện đẹp mắt, hữu dụng hơn. Với giao diện mới, thông tin, hình ảnh, video hiển thị mạch lạc, sinh động, hơn nữa lại logic và trang trọng hơn. Điều đó thể hiện tấm lòng, sự quý trọng của chúng em đến văn hóa của làng”.
Trang web mới của Đôn có tên “Vanhoalangphubai.weebly.com”. Giờ đây, chỉ cần có kết nối internet, bất kỳ ai vào đường link này đều có thể theo dõi lịch sử, các hoạt động văn hóa của làng Phù Bài. Đôn chia sẻ: “Do tình hình dịch bệnh nên em vẫn chưa kịp hoàn thiện nội dung trang web thứ hai, vì vậy trong thời gian tới, cô và trò chúng em sẽ cố gắng cập nhật…”.
Trong thời đại công nghệ, việc lập một trang web không quá phức tạp. Nhưng cái hay của nó là ý thức, và hành động tuyệt vời của một học sinh lớp tám. Lời chia sẻ của Đôn như một trong những “quả ngọt” mà trang web này mang lại: “Có một vài bạn đã hỏi em về trang web. Các bạn ấy muốn tìm hiểu để làm bài tập môn lịch sử, và cũng để hiểu hơn về quê hương. Vì vậy em thấy dù nhỏ, nhưng mình cũng đã làm việc có ích”, Đôn nói.
Bài, ảnh: Mai Huế