ClockThứ Hai, 18/11/2024 07:34

"Mẹ Lành" của học trò vùng cao

TTH - Hai từ “mẹ Lành” thân thương được nhiều trẻ gọi cô Mai Thị Mộng Lành (Trường mầm non Xuân Lộc, huyện Phú Lộc) không phải tự nhiên mà có. Ngoài giờ trên lớp, cô giáo Lành còn dành thời gian đến nhà thăm hỏi gia đình của các cháu. Đến buổi chiều vào giờ tan trường, có những trẻ mà ba mẹ đi làm rẫy chưa kịp về, cô Lành lại chở các cháu về nhà. Dù đường bản đi lại còn nhiều khó khăn, nhưng không làm khó được cô giáo dáng người nhỏ nhắn.

Trò đến lớp, thầy vui!Phát triển chuỗi giá trị dược liệu gắn với khởi nghiệp đổi mới sáng tạoHiệu quả từ mô hình kinh tế kết hợp tại miền núi

 Cô giáo Lành hỗ trợ bồi dưỡng kiến thức giúp một số em học sinh ở địa phương

Thêm hào hứng đến lớp

Cơ sở lẻ Trường mầm non Xuân Lộc vào một ngày nắng lên rộn rã tiếng cười. Các em học sinh nhỏ đều là trẻ đồng bào dân tộc thiểu số Bru-Vân Kiều vây quanh “mẹ Lành” để chơi các trò chơi vận động. Những em nhỏ ngày nào còn rụt rè cũng đã vượt ra khỏi giới hạn bản thân, sẵn sàng tương tác cùng cô và bạn. Những lúc có điều gì không hài lòng, từng em lại đến ôm cô, thủ thỉ vào tai cô để giãi bày. Ông Hồ Văn Yên, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Phúc Lộc chia sẻ: “Với bọn nhỏ, các cô giáo là mẹ hiền luôn đong đầy tình yêu thương. Đặc biệt, từ ngày cô Lành về điểm trường này, những đứa trẻ ở bản Phúc Lộc càng thêm hào hứng đến lớp”.

Mộng Lành là người con sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Xuân Lộc đầy khó khăn này. Năm 2017, với thành tích tốt nghiệp thủ khoa Khoa Giáo dục mầm non, Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế, Lành tham gia thi tuyển viên chức và được đặc cách chọn trường. Tuy nhiên, với tình yêu dành cho quê hương và các em nhỏ nơi đây, Lành đã chọn Trường mầm non Xuân Lộc để trở về và bắt đầu công việc yêu thích của mình.

Nhờ sự quan tâm của các cấp, nhà trường có kinh phí được đầu tư thêm. Với thế mạnh tư duy sáng tạo, nhà trường tin tưởng và giao cho cô giáo trẻ này việc lên ý tưởng, từ các góc vui chơi, học tập, môi trường sinh hoạt cho trẻ. Những ý tưởng ấy, cùng với sự quan tâm giúp đỡ từ lãnh đạo và sự chung tay của các cô trong trường đã góp phần giúp Trường mầm non Xuân Lộc có diện mạo như bây giờ. Đổi mới cơ sở vật chất chỉ là một phần để nâng cao chất lượng dạy học. Trong khi giáo dục luôn cần những yêu cầu đổi mới về mọi mặt, cô Lành tận dụng lợi thế về kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin của mình để mày mò tìm phương pháp, liên hệ tham khảo, học hỏi từ đồng nghiệp và các giáo viên trường bạn để áp dụng vào giảng dạy.

 Cô Lành (áo xanh ở giữa) được rất nhiều học trò yêu quý

Xông xáo trong mọi việc

Năm học 2022 - 2023, cô giáo Lành được điều động chuyển vào cơ sở lẻ ở bản Phúc Lộc, nơi có 100% học sinh là trẻ đồng bào dân tộc thiểu số Bru-Vân Kiều. Một phần vì không rành tiếng Việt, phần vì rụt rè, nhiều em ngại đến trường, hoặc tỏ ra thiếu tự tin, ít tương tác khi ở lớp. Cô giáo Lành đem tình yêu thương của mình để gần gũi, trò chuyện, dạy dỗ, dần dần các học sinh đều trở nên yêu quý cô, mạnh dạn hơn, hào hứng và thích đến lớp. Có giáo viên trong trường đùa vui: “Không biết cô Lành dụ cách nào, mà học sinh cứ thích cô Lành. Chắc do cô có duyên với mầm non”.

Gần 30 tuổi, cô giáo Mộng Lành vẫn chưa muốn dành thời gian cho hạnh phúc cá nhân, mà luôn đem hết tình yêu thương cho “bọn nhỏ” ở xã miền núi Xuân Lộc, huyện Phú Lộc. Cô giáo Lành bày tỏ: “Khi các con học với em, có những bạn thích gọi em là mẹ Lành. Nhiều bạn cứ đòi về nhà cô ở. Khoảnh khắc ấy, em biết tình yêu của mình ở đó”.

Trong ký ức của cô giáo Lành, lời khuyên ngăn của nhiều người lúc cô chọn nghề vẫn còn văng vẳng: “Nghề mầm non buồn lắm. Các cháu chỉ dưới 6 tuổi, cái tuổi còn nhỏ quá nên chóng quên, sau này các con ra trường là không còn nhớ mình nữa”. Nhưng sau mấy năm đi dạy, cô Lành cảm thấy điều đó không đúng hoàn toàn, cô tâm sự: “Những đứa trẻ là học trò của em, bây giờ đã lên lớp 5 lớp 6, nhưng khi thấy em từ xa đều phấn khởi chạy lại và gọi cô Lành, mẹ Lành. Có lần em xuống trường tiểu học làm việc, bỗng mấy em học trò cũ các lớp chạy ra ôm và trò chuyện, được học trò nhớ là điều hạnh phúc vô cùng”.

Về trường năm 2017 cũng là lúc cô Lành tham gia công tác đoàn. Là người trẻ tuổi nhiệt tình và năng động nên vào năm 2018, khi Đại hội Đoàn thanh niên, mọi người tín nhiệm bầu cô giữ chức Bí thư Chi đoàn trường. Và cũng ít ai biết được, trước dáng vẻ nhỏ nhắn, cô giáo trẻ gần 30 tuổi ấy lại có đến 16 lần hiến máu tình nguyện và tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện ý nghĩa. Ngoài việc hỗ trợ trao quà cho học sinh nghèo hàng tháng, cô giáo Lành còn nhận hỗ trợ bồi dưỡng kiến thức giúp một số em có hoàn cảnh khó khăn học vào ban đêm.

Cô Trần Thị Khuyên, Hiệu trưởng Trường mầm non Xuân Lộc đánh giá cô giáo Lành là một người vừa có tấm lòng yêu thương học trò hết mực, vừa giỏi chuyên môn và xông xáo trong mọi hoạt động. Cũng nhờ đó mà cô Lành đạt được rất nhiều thành tích. Năm 2023, cô Lành được nhận bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhờ thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập năm học 2022 - 2023”. Ngoài ra, cô giáo Lành cũng là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và nhận được nhiều giấy khen của các cấp, ngành, địa phương.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phiên chợ vùng cao góp phần quảng bá sản phẩm địa phương

Những phiên chợ vùng cao tại Thừa Thiên Huế đang dần khẳng định vị trí đặc biệt trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Đây là nơi để bà con trao đổi hàng hóa, góp phần quảng bá sản phẩm địa phương, đồng thời phát triển du lịch và tạo động lực nâng cao đời sống kinh tế - xã hội.

Phiên chợ vùng cao góp phần quảng bá sản phẩm địa phương
Đoàn cơ sở “3 chủ động” tại vùng cao A Lưới

Với mô hình Đoàn cơ sở “3 chủ động”, các tổ chức cơ sở đoàn trên địa bàn huyện A Lưới đã tạo chuyển biến tích cực trong phong trào đoàn, cũng như công tác đoàn kết tập hợp đoàn viên, thanh niên.

Đoàn cơ sở “3 chủ động” tại vùng cao A Lưới
Trẻ em vùng cao vượt qua định kiến giới

Sau khi Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh triển khai các hoạt động của Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), việc học tập của trẻ em, nhất là trẻ em gái được quan tâm hơn. Điều đó đã góp phần ngăn chặn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và bất bình đẳng giới.

Trẻ em vùng cao vượt qua định kiến giới
Hướng đi mới cho đồng bào vùng cao

A Lưới là huyện miền núi có tiềm năng lớn trong phát triển kinh tế nông nghiệp nhờ vào lợi thế về đất đai và điều kiện tự nhiên. Thời gian qua, các chính sách hỗ trợ cụ thể từ tỉnh và huyện đã giúp người dân nơi đây áp dụng các mô hình kinh tế bền vững, từ đó cải thiện đáng kể đời sống.

Hướng đi mới cho đồng bào vùng cao
Return to top