Hồ Phan Kim Liên (trái) - điển hình hiếu học xã Phú Xuân trong niềm vui ngày tốt nghiệp đại học
Lan tỏa
Chúng tôi gặp Hội trưởng Hội Khuyến học (HKH) thôn Định Cư, xã Phú An đúng lúc anh Nguyễn Hùng đang chuẩn bị cùng mấy thành viên trong hội, vận chuyển khung sân khấu (phục vụ biểu diễn văn nghệ, các sự kiện…) đến thị trấn Thuận An, lắp ráp cho người thuê. Tiền thu được từ dịch vụ này sẽ nhập vào quỹ khuyến học của thôn. Sân khấu của HKH thôn Định Cư phục vụ cho các trường học, UBND xã, các sự kiện đám cưới, lễ lạt trên địa bàn xã và các địa phương khác. Dù vận chuyển xa, các thành viên vẫn sẵn sàng bỏ tiền túi xăng xe đi lại.
Anh Hùng chia sẻ, cách đây chừng mười năm, phong trào khuyến học ở địa phương hầu như không có. Với suy nghĩ, có thể còn nghèo về vật chất, nhưng không thể nghèo tri thức, thôn Định Cư nói riêng và tất cả các thôn trong xã bắt đầu khơi gợi, khuyến khích lòng hiếu học, thi đua học tập, của con cháu, đặc biệt là những học trò nghèo vượt khó, học giỏi. Khuyến khích sự phấn đấu, ghi nhận kịp thời thành tích của các cháu, những thành viên HKH thôn bỏ tiền túi đóng góp để tặng, thưởng sách vở, đồng phục… Sự việc “người dưng” quan tâm đến con cháu mình đã khơi gợi, “lôi cuốn” nhiều bậc cha mẹ tự nguyện tham gia. Vậy nên, HKH thôn Định Cư ban đầu chỉ có 8 thành viên, nay là 44.
“Không đi vận động từng nhà mà mỗi lần phát thưởng cho các cháu, chúng tôi dựng sân khấu, thuê giàn nhạc, biểu diễn văn nghệ. Bà con đến tham dự, thấy có ý nghĩa nên vui vẻ tự nguyện chung tay góp sức. Đóng góp và trao thưởng, trao hỗ trợ được công khai trong các buổi lễ, trên mạng xã hội, đã lan tỏa lòng tin. Mặt khác, thành tích các cháu, từ phong trào khuyến học, từ lớp 1 đến lớp 12 càng ngày đạt càng cao, số lượng đỗ đại học nhiều hơn nên con dân Phú An đang làm ăn khá giả ở xa ngoài tỉnh, nước ngoài cũng phấn khởi, gửi tiền về đóng góp. Quỹ khuyến học sau các hoạt động “dày dặn”, đến nay vẫn còn 50 triệu đồng”. Anh Hùng nói.
Ông Phan Quang Huy, Phó Chủ tịch UBND xã Phú An, Chủ tịch HKH xã cho biết, thôn Định Cư, An Truyền là những thôn “làm” khuyến học mạnh. Hiệu quả của sự đồng lòng đang lan tỏa ra các thôn khác trong xã, trong việc tìm phương pháp hay làm “đòn bẩy” thúc đẩy học tập.
HKH thôn Dưỡng Mong, xã Phú Mỹ hết lòng với các thế hệ học sinh bằng cách mở các lớp dạy phụ đạo cho các cháu học lực còn yếu, giúp các cháu lấy lại nền tảng kiến thức cơ bản, từ đó có “đà” vươn lên; bồi dưỡng nâng cao cho học sinh giỏi. Thầy cô giáo đảm nhiệm các lớp này là giáo viên giỏi tại các trường, do HKH mời đến. Tự nguyện chung sức, đồng hành cùng học trò trên “con đường” học vấn, các thầy cô giảng dạy miễn phí, chỉ nhận một phần nhỏ hỗ trợ xăng xe từ HKH.
Thu hút nhiều sự tự nguyện chung tay, chung sức, thời gian qua, học sinh nghèo thôn Lại Thế, xã Phú Thượng được nhận 350 suất học bổng, 2 học sinh mồ côi được tặng nhà tình thương… Nhiều “điểm sáng” làm tốt phong trào khuyến học trên địa bàn huyện như các xã Vinh Phú, Phú Diên, Phú Mậu, Phú Thanh, Phú Xuân…
Từ sự chung tay
Theo ông Hồ Viết Nhuận, Phó Chủ tịch UBND, Chủ tịch HKH huyện Phú Vang, lan tỏa và hiệu quả của phong trào khuyến học trên địa bàn huyện là nhờ sự chung tay của các cấp chính quyền, cơ quan, tổ chức, nhất là của người dân và cộng đồng. Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện đã có nhiều hoạt động tích cực thông qua các hình thức tuyên truyền vận động. Giáo viên ủng hộ một ngày lương, đóng góp cho quỹ khuyến học. UBND huyện Phú Vang trích từ ngân sách hàng năm trên 100 triệu đồng cho công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, khuyến học, khuyến tài. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội đồng Đội huyện tranh thủ tìm kiếm nguồn kinh phí, trao các học bổng Lê Mộng Đào, Vừ A Dính…; 5 năm qua, đã vận động quyên góp trao cho trên 1.250 em với tổng số tiền ước đạt gần 450 triệu đồng.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã huy động được gần 343 triệu đồng để trao cho 725 em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn học tốt. Bác sĩ Trương Đăng Quang cùng nhóm bác sĩ ở TP. Huế tranh thủ nguồn tài trợ trẻ em đường phố ở Đà Nẵng tổng cộng gần 560 triệu đồng, hỗ trợ cho 170 học sinh, sinh viên của Phú Vang, hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập. Nhiều thư viện trong các trường học cũng được xây dựng từ nguồn cộng đồng hỗ trợ. HKH huyện đã tiếp nhận tổng cộng hơn 1,7 tỷ đồng từ các cá nhân, doanh nghiệp…
Ngoài ra, gia đình bác Phan Độ, hiện ở TP. Hồ Chí Minh góp sức với HKH huyện Phú Vang, vận động bà con trong dòng họ san lấp mặt bằng, xây tường rào, xây 5 phòng học, 2 nhà vệ sinh, nhà ăn cùng một số hạng mục khác, đồng thời mua sắm đầy đủ trang tiết bị cho Trường mầm non Phú Thượng, với tổng kinh phí 4,7 tỷ đồng, được UBND tỉnh và Trung ương HKH Việt Nam tặng bằng khen. Sắp tới, Giáo sư Nguyễn Đình Thông là Việt kiều ở Úc sẽ hỗ trợ kinh phí cho cơ sở Nhà bảo trợ học sinh nghèo hiếu học trên địa bàn huyện, nuôi dạy 40 học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 hoàn cảnh khó khăn, mồ côi cha (mẹ) hoặc gia đình đông anh em không thể đi học được. Đến nay, 85% các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều thành lập HKH, có quỹ khuyến học để hoạt động khuyến học, khuyến tài.
“Công tác khuyến học phát triển đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện, góp phần xã hội hóa công tác giáo dục, tạo điều kiện tốt để học sinh nghèo hiếu học có cơ hội học tập và phát triển tài năng…”. Ông Hồ Viết Nhuận nói.
Quỳnh Anh