Phát phần thưởng cho học sinh giỏi ở Trường tiểu học Trung Chánh
Ngôi trường có 226 học sinh; trong đó, có đến 40% em có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi, hộ nghèo, cận nghèo... Thế nên, nhiều em không có điều kiện đến trường, có nguy cơ bỏ học. Không để học sinh nghỉ học do khó khăn về kinh tế, chi hội khuyến học của trường vận động các nhà hảo tâm nắm bắt hoàn cảnh, nguyện vọng của từng em để hỗ trợ phù hợp. Năm học 2018 - 2019, nhà trường kêu gọi các mạnh thường quân xây nhà tình thương cho em Đỗ Văn Chơi với trị giá gần 75 triệu đồng.
Phong trào nuôi heo đất là một trong những cách làm hay, phát huy được mô hình “trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Ngoài việc giáo dục học sinh ý thức về sự chia sẻ, biết lắng nghe, giúp đỡ người khác, hoạt động còn rèn cho các em thói quen tiết kiệm, sử dụng đồng tiền vào những mục tiêu hợp lý. Mỗi năm, liên đội quyên góp được 5 triệu đồng để trao tặng học bổng cho học sinh nghèo. Nhờ làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài mà 100% học sinh có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ sách, vở, dụng cụ học tập đầy đủ, không có học sinh bỏ học giữa chừng.
Cô giáo Huỳnh Thị Thanh Nga, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trung Chánh, cho biết: Ngoài việc hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhà trường còn kết hợp vận động giáo viên thường xuyên quan tâm, chăm lo đời sống tinh thần cho học sinh. Sự quan tâm, chia sẻ kịp thời của giáo viên mới là điều kiện đủ, giúp các em có thêm nghị lực vượt qua khó khăn.
Cái nghèo song hành với cái khó khiến con chữ các em gập ghềnh hơn khi nhiều em nhà ở rất xa trường. Vào mùa mưa, tỷ lệ học sinh đến trường càng thấp nên giáo viên trong trường phải về nhà thuyết phục phụ huynh cho con em quay lại trường học. Nhà trường mở lớp bán trú dân nuôi dành cho các em xa trường và những em có nhu cầu ở lại vì bố mẹ đi làm từ sớm. Buổi sáng, các em đem theo cơm, buổi trưa giáo viên tổ chức cho các em ăn tập thể. Các em được bố trí chỗ nghỉ trưa. Phụ huynh không còn nơm nớp lo con nhọc nhằn đến trường khi học 2 buổi/ngày. Khi có điều kiện học tập tốt hơn, những em có nguy cơ bỏ học hay ở xa trường đều đi học chuyên cần và kết quả học tập được cải thiện.
Song song với công tác khuyến học và khuyến tài, việc xây dựng xã hội học tập vẫn được chú trọng. Suốt thời gian dài, giáo viên chủ nhiệm phát hiện phụ huynh không có sự tương tác với nhà trường khi họ không hề đọc nhận xét, trao đổi của giáo viên về việc học của các em.
Cô Nga nhớ lại: Trong thôn có nhiều chị không biết chữ nên tôi có ý định mở lớp xóa mù chữ miễn phí cho họ. Ý tưởng của tôi trùng với kế hoạch mở lớp dạy xóa mù của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp huyện Phú Lộc. Lớp học có 20 học viên, tôi vừa dạy, vừa dỗ vì các chị lúc nào cũng thiếu tự tin…”. Còn bây giờ thì họ đã đọc thông, viết thạo. Nhiều gia đình mẹ và con cùng học chữ. Phụ huynh đã biết viết vào sổ liên lạc về những điểm yếu của con mình để nhờ cô giáo lưu tâm. Từ đó, giáo viên đỡ vất vả hơn khi phụ huynh có sự hợp tác, trao đổi với nhà trường trong chuyện học của con cái.
Phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ở Trường tiểu học Trung Chánh đã đi vào cuộc sống, có sức lan tỏa mạnh mẽ và tác động tích cực đến đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân trong vùng.
Bài, ảnh: An Nhiên