ClockThứ Năm, 29/08/2019 13:45

Thầy Sáu làm khuyến học

TTH - Ngay từ khi còn làm Hiệu trưởng Trường tiểu học số 1 Lộc Trì, bằng khả năng dân vận, khuyến học như là “cái nghiệp” mang vào thân của Nhà giáo Ưu tú (NGƯT) Nguyễn Sáu.

“Gieo chữ” trên non“Trụ cột” của bản làngGiúp người đâu cần đong đếm

NGƯT Nguyễn Sáu tặng quà cho các học sinh nghèo hiếu học ở Phú Lộc

Xuất phát từ cái tâm

Tôi biết NGƯT Nguyễn Sáu, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Phú Lộc từ những ngày “lặn lội” sang các xã khu Ba, Phú Lộc để vận động phụ huynh, học sinh tiếp tục quay trở lại đi học sau mỗi Tết Nguyên đán. Với nhiều địa bàn huyện Phú Lộc trước đây, cứ mỗi kỳ nghỉ hè, hay nghỉ tết là học sinh lại nghỉ học, vào Nam, hay sang Lào làm ăn.

Hình ảnh thầy giáo già, tóc đã bạc, khuôn mặt phúc hậu, cùng với lãnh đạo UBND xã Vinh Hưng len lỏi qua từng con đường đê nhỏ, ngoằn ngoèo trên đầm Cầu Hai để đến khu vạn đò, nơi mà có tỷ lệ học sinh nghỉ học nhiều nhất ở khu Ba khoảng 3 năm về trước đã gây ấn tượng mãi với những người làm báo như chúng tôi ngày đó.

Với những em đã có ý định nghỉ học, không thể đi một lần, mà ít nhất phải đến vận động vài ba lần mới có thể thuyết phục được phụ huynh và các em. Trước khi đến, thầy tìm hiểu và nắm được tính cách của từng phụ huynh, hoàn cảnh gia đình. Ngồi nói chuyện, thầy chú ý đến từng phụ huynh, xác định khả năng sẽ lay chuyển được vợ hoặc chồng, rồi tập trung thuyết phục người đó. Phân tích những cái được khi các em tiếp tục đi học, tương lai sẽ rộng mở hơn, dù khó khăn trước mắt, song tương lai chắc chắn sẽ tươi sáng hơn khi các em được làm những công việc nhẹ nhàng, thu nhập cao nếu có học thức.

Hiện nay, thầy Sáu đã trở thành "thương hiệu" về làm khuyến học. Không chỉ ở Phú Lộc, ai cũng tin tưởng thầy và sẵn sàng giúp đỡ các trường hợp học sinh khó khăn, hiếu học khi được thầy mở lời vận động, dù cách Huế cả ngàn cây số.

Lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Lộc cho hay, NGƯT Nguyễn Sáu là người tiên phong làm khuyến học ở Phú Lộc. Sở dĩ thầy nhận được sự tin tưởng của nhiều người là nhờ cách làm việc xuất phát từ cái tâm vì học sinh của thầy. Từ thời thầy còn là Hiệu trưởng Trường tiểu học số 1 Lộc Trì, vào khoảng những năm 2003 - 2005, khi đó điều kiện còn khó khăn, để động viên, khuyến khích các em học sinh trong trường nỗ lực học tập, phải làm sao để có những hỗ trợ giúp các em vượt qua khó khăn, thêm động lực để học tập.

Tại Lộc Trì thời đó, qua những lần nói chuyện với các giáo dân trong xã, biết được linh mục tại Nhà thờ Cầu Hai cũng thường xuyên giúp các em học sinh nghèo trong giáo xứ. Dù biết sẽ rất khó, nhưng thầy Sáu đã đến vận động giúp học sinh thi được điểm cao, hay học sinh nghèo học xuất sắc, nhận được xe đạp để đi học, đó là những phần quà ý nghĩa chỉ có Lộc Trì làm được.

Còn sức, còn giúp học sinh

Thầy Sáu trải lòng, làm khuyến học phải chịu khó, bỏ qua được cái tôi mà nghĩ đến các em học sinh còn khó khăn, đôi khi phải đánh đổi cả sức khỏe.

Niềm vui của người thầy giáo năm nay đã 72 tuổi là các con của ông đều học thành tài và “nối nghiệp” ba làm từ thiện. Chị Nguyễn Thị Hồng Phúc, người con gái của thầy nổi tiếng với “Nồi cháo tình thương” ở Trung tâm Y tế huyện Phú Lộc và nhiều hoạt động thiện nguyện được ghi nhận khác ở Phú Lộc chia sẻ, chính ba của mình đã khơi dậy và tạo động lực để chị giúp đỡ những người còn khó khăn.

Nói đến đây, đôi mắt thầy Sáu long lanh bừng sáng. Thầy Sáu lại nhớ về câu chuyện đã 20 năm. Năm đó, sau cơn đại hồng thủy 1999, có một học sinh lớp 5 bị mặc cảm vì khi đó người bố lỡ lấy một số gỗ của người khác và bị lực lượng chức năng xử lý. Em học sinh này không dám đi học dù học rất giỏi. Khi cô giáo chủ nhiệm đến em vận động, em nhất quyết không đi học và mẹ em cũng buồn bã, có ý từ bỏ. Sau đó, thầy Sáu đến gặp em và mẹ em để động viên đến trường.

“Tôi biết em vô cùng muốn đi học, thuyết phục mãi em cũng không chịu và chỉ biết khóc. Vậy là tôi đánh liều nói, thầy sẽ đến chủ gỗ để xin người này bãi nại. Ba em sẽ không đi tù đâu. Nghe vậy, khuôn mặt em sáng lên, em đã chịu đi học trở lại. Gần đây, nghe tin em trở thành giáo viên, đang sinh sống ở TP. Hồ Chí Minh. Vui hơn khi biết em cũng làm thiện nguyện, kêu gọi sự giúp đỡ để hỗ trợ cho các em học sinh khó khăn như em trước đó”, thầy Sáu bồi hồi.

Với NGƯT Nguyễn Sáu, hạnh phúc giản đơn là khi thấy học sinh nghèo được giúp đỡ, chất lượng giáo dục huyện nhà đi lên. Thầy tâm nguyện, khi nào còn sức khỏe vẫn sẽ đồng hành với học sinh thân yêu.

Bài, ảnh: Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Duy trì truyền thống hiếu học

Ngày 15/9 tại làng văn hóa Thanh Phước (Hương Phong, Hương Trà) diễn ra Lễ tuyên dương và phát thưởng dành cho học sinh, sinh viên trong tộc Phan Hữu đạt thành tích cao trong học tập do Ban Khuyến học của tộc tổ chức.

Duy trì truyền thống hiếu học
Chạy để sẻ chia

Đó là chủ đề giải “Chạy vì sức khoẻ cộng đồng - Thủy Dương Jogging 2024” do UBND P. Thuỷ Dương (TX. Hương Thủy) tổ chức diễn ra sáng 18/4. Hoạt động nhằm gây quỹ khuyến học, chung tay xây dựng xã hội học tập.

Chạy để sẻ chia
Tiếp sức cho con em Quảng Điền

Sau 30 năm hoạt động, Hội Khuyến học đồng hương Quảng Điền tại Huế đã khen thưởng, động viên hàng ngàn học sinh gốc Quảng Điền đạt thành tích xuất sắc, vượt khó học giỏi. Sự quan tâm ấy là nguồn động viên tinh thần không nhỏ, để các em biết phía sau mình, ngoài cha mẹ, người thân còn có những người đồng hương sẵn sàng tiếp sức.

Tiếp sức cho con em Quảng Điền
Kết nối đồng hương Quảng Điền hướng về quê hương

Sáng 31/3, Hội Khuyến học đồng hương Quảng Điền tại Huế tổ chức tổng kết 30 năm hoạt động để đánh giá công tác khuyến học trong thời gian qua và xây dựng phương hướng hoạt động cho những năm tiếp theo.

Kết nối đồng hương Quảng Điền hướng về quê hương
Return to top