Một thời, nói về khuyến học ở Nam Đông là nhớ tới mô hình “tiếng kẻng khuyến học” ở xã Hương Giang. Chuyện rằng, cách nay chừng 15 năm, một cán bộ về hưu ở thôn Thuận Hòa ra Nghệ An, thấy quê nhà có phong trào “tiếng kẻng khuyến học” rất hiệu quả nên đã học tập để đem vào áp dụng. Cứ vào tầm 7 giờ tối mỗi ngày (trừ mùa hè), cán bộ trong ban “Chăm lo sự nghiệp giáo dục” của thôn lại đánh một hồi kẻng để báo cho các em học sinh đến giờ học bài… Nhiều năm qua, ở Thuận Hòa nói riêng và Hương Giang nói chung đã có rất nhiều em thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học nhờ “tiếng kẻng khuyến học” này.
Năm 2020, xã Hương Giang hợp nhất với xã Hương Hòa thành xã Hương Xuân. Nhớ “tiếng kẻng khuyến học” ngày nào, mới đây có dịp về Hương Xuân chúng tôi hỏi thăm. Chủ tịch HĐND kiêm Chủ tịch Hội Khuyến học xã Võ Huy Quyết cho biết, không còn có quy định 7 giờ tối phải ngồi vô bàn học nữa bởi các em học sinh nay đã tự giác học tập rồi, nhưng vẫn còn tiếng kẻng đó và có thêm nhiệm vụ cảnh báo về tình hình an ninh trật tự.
Nhập thành xã to, công tác khuyến học gặp khó khăn trong điều hành, nhưng Hương Xuân vẫn là lá cờ đầu trong phong trào khuyến học, khuyến nghề.
Thực hiện Quyết định 281/QĐ-TTg ngày 20/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”, Hội Khuyến học xã đã tham mưu tổ chức đăng ký các danh hiệu và đánh giá xếp loại các danh hiệu.
Theo ông Võ Huy Quyết, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn xã Hương Xuân có 889/959 gia đình được công nhận gia đình học tập; 1 dòng họ (họ Lương) được công nhận dòng họ học tập; trường tiểu học, mầm non, cơ quan xã, trạm y tế được công nhận đơn vị học tập; 8/8 thôn được công nhận cộng đồng học tập. Đặc biệt, từ năm 2017, xã Hương Giang và nay là Hương Xuân là xã đầu tiên của huyện Nam Đông được công nhận cộng đồng học tập. Năm 2021, Hương Xuân tiếp tục được chọn là đơn vị thực hiện thí điểm mô hình “Công dân học tập” với sự tham gia của cơ quan xã, thôn Phú Thuận và dòng họ Lương.
Với 890 hội viên sinh hoạt tại 12 chi hội, Hội Khuyến học xã Hương Xuân là một đơn vị có bề dày truyền thống. Hội năng động và sáng tạo trong gây quỹ hội, duy trì thu hội phí gắn với tổ chức hoạt động văn nghệ - xổ số và vận động các “mạnh thường quân” đóng góp cho quỹ khuyến học. Trung bình mỗi năm, hội huy động từ 50 triệu đồng trở lên. Từ nguồn quỹ này, hằng năm, hội trích gần 40 triệu đồng để tổ chức phát thưởng cho giáo viên, học sinh - sinh viên đạt thành tích cao trong học tập; cấp học bổng cho học sinh nghèo vượt khó hay hỗ trợ cho các hộ nghèo có con đi học.
Bà Hoàng Thị Sương, Chủ tịch Hội Khuyến học Nam Đông đầy tự hào khi nói về tổ chức hội và phong trào khuyến học, khuyến nghề ở Hương Xuân. Theo bà Sương, là một những địa phương được công nhận danh hiệu cộng đồng học tập sớm nhất trong toàn tỉnh, xã Hương Xuân có hoạt động khuyến học đa dạng và sáng tạo cùng đội ngũ cán bộ khuyến học tâm huyết với công việc “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” và có tinh thần trách nhiệm cao. Họ không nề hà, ngại khó mà tràn đầy năng lượng khi tham gia các nhiệm vụ khuyến học được giao.
Không còn tiếng kẻng báo hiệu giờ học, nhưng với Hương Xuân đã và đang tiếp tục truyền thống coi trọng và luôn đầu tư cho việc học hành. Hương Xuân tự hào có những gia đình hiếu học, như ông Phan Chuyển (thôn Phú Thuận) có 3 con đều là học sinh Trường THPT chuyên Quốc Học; các ông Dương Công Dũng và Nguyễn Đức Dũng (thôn Phú Nhuận) có 2 con học đại học. Còn thông qua học tập kinh nghiệm sản xuất, mạnh dạn đầu tư sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao, Hương Xuân giờ đây xuất hiện nhiều hộ gia đình làm giàu bền vững, như hộ ông Nguyễn Đức Tâm và Nguyễn Đức Hạ (thôn 10), hộ ông Phan Gia Năm và Phan Gia Xê (thôn 9)…
An Nhiên