ClockThứ Bảy, 24/09/2022 06:45

Liệu giá sách giáo khoa có còn giảm được nữa?

TTH - Với hàng triệu học sinh, hàng năm số lượng sách giáo khoa sử dụng là rất lớn. Đó là chưa nói đến các loại sách tham khảo khác... Chúng ta hình dung, mức giá sách giáo khoa chỉ giảm chừng vài phần trăm thì hàng năm, phụ huynh tiết kiệm được một số tiền không hề nhỏ.

Giá sách giáo khoa đã giảm từ 5 - 15%“Nóng” chuyện sách giáo khoa đầu năm học mớiNhộn nhịp chuẩn bị sách giáo khoa cho năm học mới

Sách giáo khoa thay đổi hàng năm và giá cả thường biến động gây khó cho phụ huynh

Theo quy định, sách giáo khoa thuộc danh mục kê khai giá. Nghĩa là các đơn vị in và phát hành phải kê khai giá bán. Bộ có thẩm quyền xem xét là Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bộ Tài chính là nơi tiếp nhận kê khai.

Hiểu cụ thể, việc kê khai giá là việc của các đơn vị in và kinh doanh. Nhưng việc quyết định giá là thẩm quyền của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Để thực hiện được thẩm quyền này khi ra quyết định thì khi xây dựng giá, các đơn vị phải chứng minh chi phí các yếu tố đầu vào hợp lý.

Riêng năm nay, theo thông tin từ một số tờ báo thì “các đơn vị đã kê khai điều chỉnh giá giảm từ 5 -15%, tùy theo từng loại sách”. Chúng ta có thể hiểu, nếu không kiểm soát chặt chẽ, rất có thể các đơn vị chẳng dại gì tự nguyện giảm giá như vậy. Giả sử mức giảm giá trung bình là 10%, chỉ cần quản lý tốt, chúng ta thấy nó đã đưa lại lợi ích cho xã hội lớn đến mức nào.

Một câu hỏi đặt ra là liệu mức giá sách giáo khoa có còn được giảm nữa hay không?

Câu hỏi này chỉ có Bộ Giáo dục và Đào tạo mới trả lời được. Nhưng những dữ liệu liên quan cho chúng ta thấy, giá sách giáo khoa cũng có thể giảm được nữa, mặc dù không biết con số đó là bao nhiêu phần trăm.

Dữ liệu thứ nhất là lợi nhuận của Công ty TNHH một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (đơn vị được cho là chiếm 60 -70% thị phần sách giáo khoa) hàng năm thu lãi rất lớn từ nguồn này. Hiểu một cách khác là sự chênh lệch lớn giữa các yếu tố đầu vào và đầu ra, tức là biên lợi nhuận lớn. Tin tức từ Báo Thanh Niên cách đây chưa lâu cho hay, năm 2021, riêng Công ty TNHH một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu bình quân 39,9%. Điều này cho thấy việc kiểm soát việc kê khai giá của đơn vị chủ quản chưa hẳn đã tốt. Có ngành nào kinh doanh thu được mức lãi “khủng” như vậy không?

Thứ hai là câu chuyện hoa hồng. Hiện tại thì không biết thế nào chứ trước đây, một kênh phân phối sách cho học sinh là qua các trường. Bằng những cách nào đó, học sinh “buộc” phải đăng ký mua. Trường và các thầy cô giáo thực hiện nhiệm vụ giáo dục. Các đơn vị phát hành sách là đơn vị kinh doanh. Nếu không có mối quan hệ quyền lợi thì các trường “chẳng rảnh” để đi giúp các đơn vị kinh doanh thu lợi nhuận. Chúng ta có thể hiểu động lực để các trường làm việc này là quyền lợi kinh tế. Nói thẳng ra là mức hoa hồng được trích lại. Đành rằng, muốn bán được hàng thường là các nhà sản xuất phải thông qua các đại lý. Đại lý thì có nhiều cấp. Đại lý đã nhận bán hàng thì phải có chiết khấu. Nhưng riêng với mặt hàng sách phục vụ cho giáo dục thì nó không phải là những mặt hàng tiêu dùng bình thường, vì nó gánh trên vai yếu tố xã hội cao. Vì vậy, nếu có chiết khấu thì không nên ở mức cao. Và tổ chức thế nào không nên hình thành qua nhiều tầng nấc trung gian. Điều này phải cần giám sát chặt chẽ. Riêng việc giảm được những tầng trung gian, cũng đã có đủ điều kiện để giảm giá bán.

Một yếu tố nữa là tạo ra môi trường cạnh tranh. Càng nhiều đơn vị tham gia vào một thị trường thì tính cạnh tranh càng cao. Điều này tạo ra cơ hội để giảm giá bán. Các đơn vị tham gia thị trường phải tính rất kỹ yếu tố đầu vào, làm sao cho giá thành rẻ nhất, chất lượng sản phẩm làm ra đạt được tốt nhất. Chỉ có cạnh tranh thì người tiêu dùng mới được hưởng lợi.

Bài: NGUYÊN LÊ - Ảnh: HT

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giáo dục pháp luật cho học sinh qua phiên tòa thực tế

Nhằm nâng cao kiến thức về pháp luật cho học sinh, chiều 6/12, Trường THPT Nguyễn Huệ tổ chức cho học sinh tham dự một phiên tòa xét xử thực tế tại Tòa án Nhân dân TP. Huế. Đây là một hoạt động bổ ích nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật và ý thức trách nhiệm của học sinh trong cuộc sống.

Giáo dục pháp luật cho học sinh qua phiên tòa thực tế
Tiếp sức cho học sinh, sinh viên đến trường

Nguồn vốn tín dụng từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phú Lộc đã hỗ trợ cho nhiều học sinh, sinh viên (HSSV) có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục theo đuổi ước mơ học tập, kiến tạo tương lai.

Tiếp sức cho học sinh, sinh viên đến trường

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top