ClockThứ Bảy, 20/04/2019 06:17

Lỗ hổng trong liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp

TTH - Hợp tác, liên kết doanh nghiệp là hoạt động gần như không thể thiếu trong bối cảnh hiện nay của trường đại học (ĐH). Song, mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp chưa “gần nhau” là vấn đề đáng trăn trở.

Giáo dục mầm non trong bối cảnh cách mạng 4.0Đào tạo nghề miễn phí cho 17 trường hợp khó khănĐào tạo sau đại học: Cần tăng cả lượng và chất

Sinh viên Trường ĐH Nông lâm, ĐH Huế tham gia trao đổi với đại diện doanh nghiệp trong ngày hội tuyển dụng

Đào tạo lại

Tại tọa đàm phát triển nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) - truyền thông trình độ cao gắn kết cơ sở giáo dục ĐH - doanh nghiệp (DN) do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ngày 30/3 tại Hà Nội, thông tin đáng trăn trở là có 70% cử nhân CNTT phải đào tạo lại. Tại Huế cũng có nhiều đơn vị đào tạo CNTT, có tiếng nhất là Khoa CNTT, Trường ĐH Khoa học. Tuy đến nay chưa có thống kê cụ thể từ đơn vị chức năng hay DN về tình trạng SV Huế ra trường phải đào tạo lại nhưng nhiều người lo ngại khó nằm ngoài bối cảnh chung.

Không riêng gì CNTT mà rất nhiều ngành đang xảy ra thực trạng tương tự. Qua nhiều đợt tuyển dụng tại các trường, nhiều DN vẫn còn chỉ ra điểm yếu của SV như thiếu kỹ năng mềm, ngoại ngữ yếu, kỹ năng nghề nghiệp chưa tốt.

Ông Phạm Phú Phát, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam cho rằng, phải trải qua quá trình đào tạo thêm tại DN mới làm việc tốt là thực trạng chung của SV nhiều trường trong cả nước. Vấn đề này có một phần nguyên nhân từ môi trường công việc thay đổi liên tục do sự phát triển của nhu cầu xã hội và công nghệ cải tiến từng ngày, trong khi đó chương trình đào tạo có tính chu kỳ, SV chỉ thực tập một giai đoạn nhất định và thời gian thực hành, thực tập theo khung chương trình cũng bị giới hạn. Ngoài ra, một số đơn vị đào tạo chậm cập nhật những thay đổi.

Phía nhà trường cũng đưa ra không ít lý do. Đó là, một số DN chưa thực sự tạo môi trường thuận lợi cho sinh viên thực tập, thực tế; chưa có nhiều góp ý trong việc xây dựng chương trình... TS. Lê Văn Tường Lân, Phó Trưởng khoa CNTT, Trường ĐH Khoa học Huế phân tích: “So với giai đoạn trước, liên kết DN hiện tốt hơn nhiều và hơn 90% SV có việc làm sau 1 năm tốt nghiệp. Chỉ có điểm khó đối với chuyên ngành mạng và truyền thông là SV khó được thực tập phòng mạng của DN bởi lo ngại sự cố phá hỏng mạng”.

Tại Khoa Du lịch, ĐH Huế, đơn vị có tiếng về liên kết DN, hợp tác với rất nhiều công ty lữ hành, du lịch cũng trăn trở vấn đề cơ hội để SV thực tập quản lý. “Lâu nay, SV chủ yếu là thực tập nghề nghiệp, rất khó để các DN cho thực hành quản lý”, PGS.TS. Trần Hữu Tuấn, Khoa trưởng Khoa Du lịch chia sẻ.

TS. Trương Quý Tùng, Phó Giám đốc ĐH Huế nhận định, lỗ hổng liên kết xuất phát từ hai phía và cần xem xét khái niệm đào tạo lại. Phía đơn vị đào tạo có một số vấn đề chưa đáp ứng được yêu cầu DN, một số giảng viên chậm đổi mới phương thức giảng dạy. Cái khó là DN tuyển dụng những lĩnh vực hẹp, chuyên môn sâu trong khi nhà trường đào tạo các mã ngành theo quy định và cung cấp nền tảng kiến thức căn bản để SV ra trường có thể tiếp cận được nghề nghiệp. Ngược lại, một số DN chưa đồng hành ngay từ đầu với nhà trường trong việc góp ý, giảng dạy. “Họ cần nhân lực chất lượng cao nhưng chỉ lấy sản phẩm khi đã “ra lò”, trong khi yêu cầu mỗi lĩnh vực, công việc ở mỗi đơn vị khác nhau. Vì thời lượng, cơ cấu chương trình giới hạn, nhà trường chỉ chọn những công cụ chung, yếu tố nhiều DN cần để giảng dạy, vì thế có những cái SV chưa học, không nên nói là đào tạo lại mà là DN tiếp tục đào tạo thêm để phù hợp tình hình công việc của họ”, TS. Trương Quý Tùng nhấn mạnh.

Doanh nghiệp tham gia hoạt động đánh giá năng lực sinh viên

Ký kết, hợp tác với doanh nghiệp

Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, vấn đề việc làm trở thành “chìa khóa” để các trường thuận lợi mở cánh cửa tuyển sinh. Phía DN cũng đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng nhiều. Rõ ràng, sự hợp tác chặt chẽ hơn sẽ mang lại lợi ích đôi bên, bởi khi sản phẩm đào tạo đáp ứng được yêu cầu nhà tuyển dụng thì ngoài mang lại uy tín cho nhà trường, đơn vị sử dụng lao động không mất công “dạy thêm” khi tiếp nhận lao động.

Vấn đề này đã kéo dài rất lâu và không nên có sự đổ lỗi mà cần có sự điều chỉnh, thay đổi từ cả phía nhà trường và DN. Đối với nhà trường, muốn hiểu DN, cần “ngồi lại” với họ để thảo luận và phải mạnh dạn có những thay đổi bám sát các yêu cầu của DN để thiết kế chương trình, phương pháp giảng dạy, kỹ năng cần thiết.

Phía DN trực tiếp tuyển dụng và sử dụng lao động biết rõ yêu cầu, kỹ năng cần thiết của nhân sự nên cần đồng hành cùng các trường trong quá trình đào tạo. Hiện nay, nhiều DN đã tiến hành ký kết với nhà trường đào tạo theo đơn đặt hàng, đây là hướng giải pháp hay bởi DN trực tiếp tham gia trao đổi xây dựng khung chương trình theo hướng cải tiến, tham gia nói chuyện, giảng dạy, hướng dẫn thực tập và đánh giá SV với sự góp sức từ phía các chuyên gia của DN.

Điều cũng cần quan tâm là trong các đơn vị đào tạo đã và đang có những ký kết, hợp tác với DN. Trong điều kiện đó, phải xây dựng nội dung ký kết thật chặt chẽ, mang lại lợi ích hài hòa từ hai bên và rút ngắn thời gian đào tạo thêm tại DN.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thúc đẩy liên kết phát triển dược liệu bền vững

Đó là chủ đề tại hội thảo khoa học do Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức vào ngày 22/11, với sự tham gia của các sở, ban, ngành liên quan, nhà khoa học, doanh nghiệp, chính quyền địa phương để cùng nhau bàn luận các giải pháp, tháo gỡ vướng mắc trong phát triển dược liệu, nhất là vấn đề liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm từ dược liệu.

Thúc đẩy liên kết phát triển dược liệu bền vững
Để doanh nghiệp quản trị và vận hành hiệu quả

Xây dựng chiến lược, lập kế hoạch kinh doanh và vận hành doanh nghiệp (DN) hiệu quả là nội dung khóa đạo tạo được Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tổ chức trong 2 ngày 22 và 23/11.

Để doanh nghiệp quản trị và vận hành hiệu quả
Hướng đến doanh nghiệp không khói thuốc

Không chỉ là một khẩu hiệu, phong trào "Doanh nghiệp nói không với thuốc lá" đang trở thành cam kết của nhiều doanh nghiệp (DN), góp phần cùng cộng đồng bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng sống.

Hướng đến doanh nghiệp không khói thuốc
Khuyến khích hợp tác công tư trong hỗ trợ doanh nghiệp

Thừa Thiên Huế là địa phương đi đầu trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp và có nhiều chính sách đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), song nhìn nhận từ góc độ bao phủ của chính sách vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu của DN, nhất là DN các tuyến huyện, thị xã.

Khuyến khích hợp tác công tư trong hỗ trợ doanh nghiệp

TIN MỚI

Return to top