ClockThứ Ba, 15/12/2015 14:15

Lớp học miễn phí của “thầy giáo làng”

TTH - Quyên góp sách, dạy học miễn phí, chăm sóc các em bằng tất cả tình yêu thương, anh Phan Cả - Bí thư Đoàn thanh niên thôn Lương Viện (thị trấn Phú Đa, huyện Phú Vang) đã "nâng đỡ" nhiều học trò nghèo.

Học trò háo hức đến lớp học thầy Cả

Bằng cả tấm lòng

Hiện, anh Phan Cả là Bí thư Đoàn thanh niên thôn Lương Viện, đang theo học lớp cảm tình Đảng. Trong lúc chờ thực hiện ước mơ được trở thành một giáo viên thực sự, đứng trên bục giảng, anh Cả mưu sinh bằng công việc bỏ hoa thuê, giúp gia đình làm nông…
Hơn ba tháng nay, cứ 4 buổi chiều mỗi tuần, căn nhà nhỏ trong thôn Lương Viện sôi động hẳn lên bởi tiếng thầy giáo tận tình giảng bài và học trò “thầy ơi, thầy ời”. Đó là lớp học do anh Phan Cả dạy miễn phí, hiện thu hút hơn 20 học trò lớp 1 đến lớp 5. Cả tốt nghiệp Trường đại học Sư phạm Huế, “lấy” luôn hai bằng cử nhân Tâm lý Giáo dục và Giáo dục Chính trị. Ra trường, chưa có cơ hội đứng trên bục giảng, nhưng Bí thư Đoàn thanh niên thôn Lương Viện vẫn bắt tay thực hiện ước mơ dạy học cho học trò. “Các gia đình trong thôn đa số đều còn nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Cha mẹ bận bịu mưu sinh, không có thời gian quản con nên nhiều em còn ham chơi, học yếu. Tôi muốn giúp các em tiến bộ hơn” - Cả chia sẻ.
Anh bắt đầu bằng việc trình bày “dự án” với chủ căn nhà mà anh muốn sử dụng làm lớp học. Căn nhà này trước đây được cho thuê, nhưng khi biết Cả dạy học miễn phí cho con em trong thôn, người chủ cho anh mượn, không lấy tiền. Nghe tâm sự của Cả, thầy Dương Văn Anh (giáo viên Trường THPT Nguyễn Sinh Cung, huyện Phú Vang) cũng đã “góp tay” xin giúp một số bàn ghế. Vậy là có lớp học. Đi khắp trong thôn, nhà nào có học trò đang học tiểu học, Cả đều ghé vào “thủ thỉ”. Anh muốn củng cố kiến thức các môn toán, tiếng Việt cho lũ trẻ. Một người bạn của anh cũng tốt nghiệp đại học Sư phạm, vừa lấy bằng cử nhân tiếng Anh là chị Dương Thị Huế (ở xã Phú Hồ, huyện Phú Vang), tình nguyện “đứng lớp” môn tiếng Anh. Được kèm cặp chuyện bài vở mà không mất tiền, lại hạn chế con rong chơi vô bổ nên các bậc cha mẹ rất ủng hộ. “Ban đầu, hai đứa con tui đến lớp thầy Cả là bởi sự thúc giục của cha mẹ. Nhưng sau đó bản thân các cháu rất háo hức, chờ đến giờ, đến buổi là vội vàng đi học ngay. Sau ba tháng được thầy Cả kèm cặp, kết quả học tập của các cháu tiến bộ rõ rệt. Trong cuốn sổ liên lạc giữa nhà trường với gia đình không còn những lời nhắc nhở của thầy cô, thay vào đó là lời khen tiến bộ, khích lệ các cháu phát huy” - chị Phan Thị Rơi có hai con đang học tiểu học (đứa lớp 3, đứa lớp 5) vui mừng bày tỏ. Chị Mai Thị Lan kể, vợ chồng đầu tắt mặt tối lo kiếm sống, không đủ thời gian chăm sóc, nói gì đến coi ngó việc học hành của tụi nhỏ. Hai con lớn của chị đứa lớp 4, đứa lớp 3 trước học rất yếu nay đã tiến bộ nhiều. “Được như vậy là nhờ thầy Cả tận tình kèm cặp học sinh bằng cả tấm lòng. Gia đình tui biết ơn thầy lắm” - người mẹ nghèo cảm kích.
Hạnh phúc
Khi đang sửa chữa bài tập, thấy hai vị phụ huynh đứng thập thò, anh Cả vội vàng ra khỏi lớp. “Thầy ơi, cho tụi tui đóng chút ít tiền, chứ thầy bỏ công thế này mà không nhận học phí, tụi tui áy náy lắm”. Cả phải thuyết phục mãi, hai người mẹ mới chịu rời lớp học. “Người dân ở đây còn nghèo, mình tự nguyện làm gì được cho các em thì làm, thu tiền học phí sẽ tạo áp lực cho các vị phụ huynh. Nếu không có tiền đóng, các em lại bỏ học” - anh Cả chia sẻ. Trước đây anh cũng là một học sinh, sinh viên nghèo, nên rất hiểu áp lực khó khăn về kinh tế sẽ ảnh hưởng đến việc học. Cậu sinh viên Phan Cả phải tất bật làm thêm các công việc chạy bàn, rửa bát, giữ xe thuê… mới “bám trụ” và lấy được hai tấm bằng cử nhân. “Sau này lớn các em có thể nỗ lực như vậy. Nhưng đó là chuyện sau này. Bây giờ các em còn quá nhỏ, phải được giúp đỡ, hỗ trợ tối đa” - Bí thư Đoàn thanh niên thôn Lương Viện bày tỏ. 
Để hỗ trợ các em, anh Cả lụi hụi đóng chiếc tủ sách rồi liên hệ với nhiều người để quyên góp sách thiếu nhi, sách tham khảo cũ. Tủ sách của thầy trò anh bây giờ đã được 30 cuốn. Và từ nhiều địa chỉ khác nhau, một số lượng sách đáng kể đang trên đường “về”. Kể về điều này, mắt người thanh niên sáng lên rạng rỡ. Cả bảo anh rất vui vì việc làm của mình được nhiều người chung tay ủng hộ. Từ chủ nhà cho mượn lớp, thầy giáo xin bàn ghế giúp, những người bạn trước đó chưa một lần quen, qua mạng xã hộ facebook đã quyên góp sách cho các em. Đặc biệt, phía sau anh là cô bạn Dương Thị Huế. Cô là người động viên, ủng hộ Cả ngay từ lúc anh có ý định ban đầu, đồng thời hỗ trợ, kèm các em môn tiếng Anh. Cứ đều đặn mỗi tuần một buổi, Huế chạy xe đi về 20 km cùng Cả kèm cặp, chăm sóc cho các em. Có học sinh hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, cha mẹ bỏ nhau, bỏ đi biệt xứ để con nhỏ lại cho bà nội bị khuyết tật nuôi dưỡng. Em không được chăm sóc nên người dơ dáy, chấy rận đầy đầu, anh Cả, chị Huế phải thường xuyên tắm gội giúp. Cùng với tấm lòng tận tình đối với học trò, cách tổ chức vừa học vừa chơi rất sinh động của Cả là yếu tố hấp dẫn các em đến lớp. Sau thời gian ôn bài, làm và chữa bài tập, em nào cũng háo hức chờ lúc thầy mở nhạc, nhảy dân vũ (là những vũ điệu đơn giản, vui tươi mô tả những hoạt động sinh hoạt gần gũi hàng ngày). Kết quả học tập khá hơn, các em cũng không còn thời gian rong chơi vô bổ. Điều đó là niềm vui của cả cha mẹ học sinh, cũng là hạnh phúc của “thầy giáo làng” Phan Cả.
Bài, ảnh: Quỳnh Anh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư mới bổ sung và điều chỉnh linh hoạt các tiêu chuẩn về diện tích đất, quy mô trường học và tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu, theo hướng phù hợp với thực tế triển khai tại các địa phương.

Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
Làm bạn cùng con tuổi teen

Bạn sẽ làm gì khi con nói dối; khi con yêu sớm; khi con không vâng lời; khi con mất kết nối... Rất nhiều tình huống khó đã được đặt ra tại buổi chia sẻ “Làm bạn cùng con tuổi teen” với hai diễn giả đến từ ngành giáo dục.

Làm bạn cùng con tuổi teen
Return to top