ClockThứ Năm, 02/11/2023 06:43

“Nếu cơ hội không gõ cửa thì bạn hãy tự tạo cho mình một cánh cửa”

TTH - Mượn lời của diễn diễn viên Milton Berle nổi tiếng ở Mỹ, PGS.TS. Nguyễn Thành Nhân, Phó Hiệu trưởng Phụ trách Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế đã chia sẻ như thế sau khi chứng kiến quãng thời gian dài nỗ lực, vượt khó trong học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học của TS. Trần Quang Hóa, Phó Trưởng khoa Toán học để đạt được giải thưởng của Viện Hàn lâm Khoa học Pháp.

Vinh danh TS. Trần Quang Hóa đoạt giải thưởng Tremplin của Viện Hàn lâm Khoa học PhápNghiên cứu khoa học: Cần đam mê và kiên trìĐại học Huế có nhà khoa học nhận giải thưởng của Viện Hàn lâm Pháp

Sinh viên tặng hoa chúc mừng TS. Trần Quang Hóa

Những ngày vừa qua, giới khoa học trong cả nước đều biết đến cái tên TS. Trần Quang Hóa. Ông là người vừa được Viện Hàn lâm Khoa học Pháp trao giải thưởng Tremplin “Bệ phóng hợp tác song phương trong nghiên cứu giữa Pháp với các nước ASEAN” vào ngày 17/10 vừa qua.

TS. Trần Quang Hóa, hiện đang là Phó Trưởng khoa Toán học, Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế. Với đề tài “Mô tả hình học trong đại số giao hoán”, TS. Trần Quang Hóa cùng GS. Marc Chardin (Pháp) đã vượt qua hàng ngàn nhà khoa học để được nhận giải thưởng danh giá này. Đề tài của TS. Trần Quang Hóa đề cập đến các nghiên cứu về toán học lý thuyết, nhưng cũng có ứng dụng cụ thể, đó là “ánh xạ hữu tỉ” dùng để mô hình hóa các vật thể như ô tô, máy bay hay ứng dụng trong công nghệ in 3D.

PGS.TS. Nguyễn Thành Nhân nhấn mạnh, việc TS. Trần Quang Hóa nhận giải thưởng có ý nghĩa to lớn trong sự nghiệp xây dựng, phát triển thương hiệu nhà trường; khẳng định giá trị, tên tuổi của cá nhân, cũng như vị thế của nhà trường trong bản đồ giáo dục Việt Nam và thế giới. Từ đó động viên, khuyến khích sự nỗ lực, vươn lên của đội ngũ trí thức nhà trường trong việc đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, góp phần lan tỏa niềm đam mô nghiên cứu đến các bạn sinh viên đang khởi đầu cho quá trình nghiên cứu của mình.

Với tư cách là một nhà giáo, một nhà nghiên cứu, PGS.TS. Nguyễn Thành Nhân cho rằng, có ba điều được nhận thấy từ câu chuyện của TS. Trần Quang Hóa. Đó là “không có hoàn cảnh nào tuyệt vọng, chỉ có người tuyệt vọng vì hoàn cảnh”. Nghèo khổ là thứ “gia vị” chẳng mấy ai sẵn lòng cho thêm vào cuộc sống của mình, nhưng một khi bị đẩy vào trò chơi số phận, rất nhiều người đã biến thứ “gia vị khó ưa” kia thành động lực vươn lên. TS. Trần Quang Hóa cũng là một người như vậy. Miền quê nơi anh sinh ra, lớn lên có thể rất nghèo, nhưng anh lại giàu nghị lực. Đôi chân anh có thể bỏng rát vì mảnh đất khô cằn, nhưng trái tim sục sôi ngọn lửa đam mê. Vượt lên tất cả bằng nỗ lực và say mê, phía bên kia của mọi đường đi khó, của núi cách, sông ngăn là bục đài vinh quang dành cho người chiến thắng.

“Tôi nghiệm ra rằng, “nếu cơ hội không gõ cửa thì bạn hãy tự tạo cho mình một cánh cửa” như Milton Berle từng nói. Cơ hội là thứ vô hình với những người nằm yên chờ đợi, nhưng hữu hình với những người chủ động kiếm tìm. TS. Trần Quang Hóa đã bước ra khỏi một vùng địa lý này để hòa nhập vào một vùng văn hóa khác. Ở đó, anh đã khởi tạo những cơ hội cho riêng mình, bứt phá bằng căn tính của Huế, của Sư phạm Huế, của Việt Nam. Câu chuyện của anh giúp chúng ta nhận thấy, nếu cơ hội gõ cửa, bạn là người may mắn. Nhưng nếu cánh cửa luôn im lìm không tiếng gõ, chính bạn phải tạo ra âm thanh hoặc dũng cảm đi tìm các cánh cửa khác”, PGS.TS. Nguyễn Thành Nhân tâm đắc.

Trong thời đại thế giới phẳng hiện nay, vô vàn cánh cửa đầy hấp lực đang mở ra hoặc chờ chúng ta mở ra trước mắt. Vấn đề then chốt là cách ứng xử sau khi đã bước đi. Và đây cũng chính là một điều quan trọng khác từ câu chuyện của TS. Trần Quang Hóa. Đó là “đi thật xa để trở về”.

Đó có thể gọi là “căn tính Sư phạm Huế”. Thật trân trọng người đã khởi hành rồi hồi quy trở lại. Ai cũng biết rằng điều kiện vật chất, không gian học thuật, chế độ đãi ngộ... ở những “trạm dừng chân” trên hành trình khoa học hấp dẫn biết bao nhiêu. Vậy nên, chúng ta càng có lý do để trân trọng hơn sự trở về của TS. Trần Quang Hóa. Sự lựa chọn đó có hình bóng của gia đình, quê hương, đất nước.

PGS.TS. Nguyễn Thành Nhân tin rằng, trong lựa chọn ấy có cả giá trị cốt lõi của Sư phạm Huế - ngôi trường đã nâng bước cho anh ấy bay xa. Bởi vậy, với tư cách là một lãnh đạo nhà trường, tôi cảm ơn TS. Trần Quang Hóa, vì sự trở về của anh đã bồi đắp “di sản” nhân văn của lớp lớp thế hệ thầy và trò Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế. Anh ấy đã vượt thoát khó nghèo, kiếm tìm cơ hội, tỏa sáng đam mê. Anh ấy bắt đầu từ đây, trở lại đây. Đó là cảm hứng của đam mê, tận hiến, hồi quy cội nguồn. Tôi mong cảm hứng này sẽ lan tỏa rộng khắp đến người học, đồng nghiệp, cộng đồng Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế.

Giải thưởng “Bệ phóng hợp tác song phương trong nghiên cứu với các nước ASEAN” của Viện Hàn lâm khoa học Pháp chắc chắn là một thành tựu đặc biệt của TS. Trần Quang Hóa. Nhưng sẽ còn những thành tựu quan trọng hơn nữa đang ở tương lai. Để bước về phía trước, giải thưởng này của TS. Trần Quang Hóa sẽ trở thành câu chuyện truyền cảm hứng đến tất cả mọi người.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xứng tầm Đại học Quốc gia

Gần 70 năm xây dựng và phát triển, đặc biệt trong 30 năm tái thành lập đã tạo cho Đại học Huế (ĐHH) tầm vóc của một cơ sở giáo dục quốc gia.

Xứng tầm Đại học Quốc gia
ĐẠI HỌC HUẾ HƯỚNG ĐẾN ĐẠI HỌC QUỐC GIA:
Nhiều tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu

Trong tiến trình xây dựng và phát triển, đặc biệt kể từ sau 30 năm tái thành lập, Đại học Huế (ĐHH) đã cơ bản đạt các tiêu chuẩn, tiêu chí để trở thành Đại học Quốc gia theo quy định.

Nhiều tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu
Return to top