ClockChủ Nhật, 31/03/2024 07:25

Nếu không thay đổi, chúng ta sẽ tụt lại phía sau

TTH - Chuyên gia giáo dục toàn cầu Tô Thụy Diễm Quyên (1 trong 20 người đầu tiên trên thế giới được Microsoft công nhận là chuyên gia giáo dục toàn cầu - người sáng lập Diễn đàn Giáo dục sáng tạo Việt Nam) mới đây đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Thừa Thiên Huế xung quanh những vấn đề về giáo dục hiện nay. Bà chia sẻ về áp lực của giáo viên, học sinh cùng trách nhiệm của cộng đồng, xã hội trong bối cảnh chương trình giáo dục liên tục thay đổi.

Đổi mới và phát triển giáo dục nghề nghiệpThủ tướng chỉ thị đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông

 Chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên. Ảnh: NVCC

Chuyên gia Tô Thụy Diễm Quyên dùng câu ngạn ngữ châu Phi để giúp chúng tôi hình dung về công tác giáo dục: “Cần có một ngôi làng để giáo dục một đứa trẻ”.

Ở Việt Nam, thực trạng giáo viên nghỉ việc, chuyển nghề đang trở nên phổ biến. Quan điểm của bà như thế nào về những áp lực đối với đội ngũ giáo viên hiện nay?

Tôi cho rằng, áp lực lớn nhất vẫn là vấn đề về tài chính, thu nhập thấp khiến đời sống của giáo viên khó khăn. Trong khi đó, giáo viên cũng phải học tập, rèn luyện để hoàn thiện kiến thức, kỹ năng. Và, phát triển chuyên môn nghiệp vụ khi “cái bụng chưa đủ no” là vấn đề đáng lưu tâm.

Trong bối cảnh hiện nay, nếu đội ngũ giáo viên không thay đổi để phù hợp với thực tiễn sẽ gây nên những rào cản đối với bản thân họ. Từ đó, tình yêu nghề nghiệp cũng giảm đi vì nghề không mang lại hạnh phúc cho họ.

Theo bà, đội ngũ giáo viên cần thay đổi như thế nào để đáp ứng nhu cầu giảng dạy?

Việc thay đổi Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã tạo ra những áp lực mới. Giáo viên phải có hiểu biết liên ngành, đa ngành.

Theo tôi, để chuẩn bị cho việc thay đổi một chương trình giáo dục không chỉ đơn giản thay đổi sách giáo khoa mà phải thay đổi tâm thức, kỹ năng, hoàn cảnh sống của người thầy. Từ đó, họ có thể toàn tâm, toàn ý cho việc giảng dạy, nghiên cứu phát triển chuyên môn nghiệp vụ. Giáo viên cũng phải nghĩ cách phát triển năng lực, điều mà đa số chưa làm được.

 Cần khơi dậy tinh thần tự học của học sinh (Ảnh minh họa)

Trước đây, dạy học là quá trình chuyển giao kiến thức. Bây giờ, từ kiến thức, học sinh hình thành nên kỹ năng, năng lực, phẩm chất. Điều đó là bước tiến nhảy vọt mà giáo viên cần nhiều kỹ năng để thực hiện.

Khi các chương trình đào tạo, tập huấn còn nặng về lý thuyết thì ngoài việc tìm cách nào chăm lo về mặt tài chính thì giáo viên cần học hỏi lẫn nhau. Tức là những người có sáng kiến, trải nghiệm, tổ chức thành công cần được nhân rộng.

Trong bối cảnh không dễ gì mở lớp dạy thêm bởi nhiều rào cản, học sinh cũng có thể học được trên các nền tảng khác nhau thì ngành giáo dục sẽ còn nhiều biến động và xáo trộn trong thời gian tới.

Vậy, nếu tự thân mỗi giáo viên không đáp ứng được nhu cầu, liệu có khả năng bị đào thải hay không, thưa bà?

Về mặt lý thuyết, những người không đáp ứng được với sự thay đổi của mục tiêu giáo dục sẽ bị đào thải. Nhưng, khi đào thải phải có lực lượng thay thế. Trong bối cảnh hiện nay, ngành giáo dục chưa đủ sức hút để những người ngoài ngành tham gia. Đối với đội ngũ trong ngành, nhiều người đang không cảm thấy hạnh phúc. Do vậy, dù muốn đào thải cũng không thể đào thải, bởi lực lượng giáo viên thay thế rất ít.

Nói như thế thì chất lượng giáo dục sẽ bị ảnh hưởng theo hướng tiêu cực? Bà nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Điều tôi chia sẻ chỉ mới là khó khăn, trở ngại từ phía người thầy, còn người học đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá chất lượng giáo dục.

Chất lượng giáo dục có rất nhiều hệ số khác nhau, nhiều công thức khác nhau. Chất lượng giáo dục không phụ thuộc vào người thầy. 

Hiện nay, người thầy đóng vai trò khác chứ không phải chuyển giao kiến thức. Vấn đề là làm thế nào để dạy cho học sinh có tinh thần tự học và biết được các phương thức học tập khác nhau. Do vậy, không thể nói rằng chất lượng giáo viên đi xuống tỷ lệ thuận với chất lượng giáo dục đi xuống.

Trong bối cảnh hiện nay, để giáo viên đáp ứng được chương trình giáo dục mới, đồng thời để tạo thêm động lực cho giáo viên, học sinh thì cần những giải pháp gì, thưa bà?

Tạo thêm động lực cho đội ngũ nhà giáo, học sinh chỉ là một phần, giáo dục cần có một quy trình phù hợp.

Theo tôi, đầu tiên chúng ta cần xác định lại mục tiêu giáo dục trong toàn dân. Mục tiêu này cần được truyền thông rộng rãi, có hiệu quả để phụ huynh và ngành giáo dục cùng chung một hướng đi.

Thứ hai, phải làm thế nào để phụ huynh hiểu hiện nay có nhiều phương thức học tập khác nhau. Với mục tiêu lấy học sinh làm trung tâm thì cần lựa chọn phương thức học tập phù hợp. Ngoài ra, bằng nhiều cách khác nhau, học sinh cần hiểu được phong cách và nhu cầu học tập của mình.

Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 thay đổi hướng đến phù hợp với thực tiễn, nhưng nó không phải là “cây đũa thần” để thay đổi chất lượng giáo dục. “Cây đũa thần” ở đây là sự hiểu biết của phụ huynh, học sinh, định hướng được những con đường khác đi đến thành công. Chúng ta không thể có kết quả mới với cách làm cũ.

Mục tiêu giáo dục thay đổi thì phương thức giáo dục cũng phải thay đổi, đặc biệt là cách đánh giá học sinh. Theo cách đánh giá cũ sẽ chỉ kiểm tra được kiến thức, không kiểm tra được năng lực học sinh, từ đó, dạy học theo phương thức phát triển năng lực sẽ không hiệu quả.

Riêng bản thân người thầy cũng nên hiểu được vai trò của mình. Ở thế kỷ XXI, người thầy không còn là người lái đò, chở người qua bên kia sông, mà trên hành trình đưa đò, họ phải làm gì đối với người ngồi trên đó.

Chắc chắn rằng, để đạt được những mục tiêu về giáo dục, trách nhiệm của cộng đồng là rất lớn. Bà nghĩ sao về điều này?

Mục tiêu giáo dục đã thay đổi nên cộng đồng, xã hội phải nhìn nhận đúng thực tế; hiểu được phương thức để đạt được mục tiêu. Đặc biệt, bây giờ chúng ta không còn chú trọng vào kiến thức nữa mà phải chú trọng phát triển năng lực cho học sinh.

Hiện nay, nhiều người vẫn không quen với sự thay đổi. Nhưng, chúng ta cần có cái nhìn thoáng hơn về những thay đổi trong xã hội, vì nếu không thay đổi thì sẽ tụt lại phía sau.

Sự thay đổi về giáo dục không chỉ diễn ra trong khối công lập mà tác động toàn xã hội. Một doanh nghiệp muốn có nhân sự tốt, lao động chất lượng cao thì ngay từ bây giờ phải đầu tư vào giáo dục; các tổ chức cũng cần có những hoạt hoạt động hỗ trợ cho nhà trường…

Khi giáo viên chưa theo kịp sự thay đổi chương giáo dục phổ thông thì học sinh sẽ rất khó bắt kịp. Vì vậy, mọi thành phần trong xã hội cần có trách nhiệm, nhân rộng tấm gương của sự sáng tạo, sự tử tế, chú trọng giáo dục phẩm chất, đạo đức của thế hệ trẻ.

Tóm lại, nhiệm vụ thay đổi giáo dục, phát triển năng lực của học sinh đó là nhiệm vụ của toàn xã hội.

Xin cảm ơn bà!

Lê Thọ (Thực hiện)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cái lợi của môn giáo dục kinh tế và pháp luật

Với chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, ngoài các môn học bắt buộc, các em học sinh THPT còn được lựa chọn 4 môn học từ các môn vật lý, hóa học, sinh học, địa lý hoặc giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ, mỹ thuật, âm nhạc.

Cái lợi của môn giáo dục kinh tế và pháp luật
Duy trì truyền thống hiếu học

Ngày 15/9 tại làng văn hóa Thanh Phước (Hương Phong, Hương Trà) diễn ra Lễ tuyên dương và phát thưởng dành cho học sinh, sinh viên trong tộc Phan Hữu đạt thành tích cao trong học tập do Ban Khuyến học của tộc tổ chức.

Duy trì truyền thống hiếu học
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giáo dục

Ngày 13/9, tại Trường THPT chuyên Quốc Học - Huế, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội nghị tập huấn công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và thống kê giáo dục năm 2024 cho các Phòng GD&ĐT, các đơn vị trực thuộc Sở và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giáo dục
Manulife trao 70 suất học bổng cho học sinh hiếu học

Chiều 12/9, tại Trường THCS Nguyễn Tri Phương, Manulife Việt Nam phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức chương trình trao học bổng và tặng quà Trung thu cho 70 học sinh hiếu học, vượt khó.

Manulife trao 70 suất học bổng cho học sinh hiếu học

TIN MỚI

Return to top