ClockThứ Tư, 14/11/2018 06:15

Người học là khách hàng đặc biệt

TTH - Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các trường đại học (ĐH), việc xem sinh viên như khách hàng đặc biệt là câu chuyện được nhiều đơn vị nhắc tới.

Sôi động, hấp dẫn đêm chung kết tài năng sinh viênCông khai rao... học thuêĐối thoại nhưng vẫn còn… “độc thoại”

Từ chuyện đồng phục

Trong ngày khai giảng năm học mới (2018 - 2019), hơn 1.680 tân sinh viên Trường ĐH Kinh tế, ĐH Huế tham dự buổi lễ đầu khóa với đồng phục màu vàng. Điều ấn tượng là khá nhiều trường hợp không ngần ngại chụp ảnh selfie hay tỏ ra thích thú với màu áo mới. Nguyễn Thị Như Quỳnh, sinh viên lớp Kế toán K52 giải thích, những gì liên quan chiếc áo mới này đều phù hợp nguyện vọng của sinh viên.

Sinh viên Trường ĐH Kinh tế với đồng phục mới

TS. Nguyễn Quang Phục, Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Kinh tế, ĐH Huế chia sẻ, năm 2017 sinh viên khóa 51 được trang bị đồng phục thể thao màu xanh dương nhưng còn nhiều ý kiến trái chiều. Đáp ứng nguyện vọng người học, năm 2018, nhà trường tiến hành khảo sát hơn 1.500 sinh viên thông qua kênh công nghệ thông tin để đánh giá đồng phục cũ và nhu cầu thay đồng phục mới. Nhà trường thiết lập các tiêu chí: có nên thay đổi áo, giá cả, màu sắc, chất liệu… để sinh viên đưa ra ý kiến, sau đó tổng hợp dữ liệu để phân tích.

Từ kết quả hơn 80% mong muốn thay đổi và đưa ra thông số chung về chiếc áo mới, nhà trường tiếp tục mở ra cuộc thi thiết kế đồng phục thể thao, thu hút sinh viên toàn trường tham gia. “Giám khảo cuộc thi ngoài ban giám hiệu, phòng công tác sinh viên, các giảng viên marketing, còn mời các chuyên gia thiết kế thời trang bên ngoài trường nhằm đảm bảo tính khách quan, chọn ra mẫu áo đẹp và phù hợp nhất”, đại diện nhà trường nói.

Phan Đình Thắng, sinh viên lớp Quản trị kinh doanh cho rằng, điều quan trọng nhà trường đã lắng nghe ý kiến sinh viên và làm theo mong muốn của số đông người học. Chiếc áo vì thế đẹp và có giá trị hơn trong mắt sinh viên.

Thực hành dân chủ

TS. Bảo Khâm, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế phân tích, vấn đề lấy người học làm trung tâm và quan điểm xem sinh viên là khách hàng quan trọng đặt ra từ lâu nhưng chưa thực sự làm tốt, nguyên nhân một phần từ nhận thức của cán bộ, giảng viên. “Tôn sư trọng đạo là truyền thống tốt đẹp nhưng không có nghĩa giảng viên đặt vị trí, vai trò người thầy quá cao so với trò, dẫn đến một số trường hợp mang tính áp đặt”, ông Khâm trăn trở.

Theo lãnh đạo một số trường ĐH, bối cảnh tự chủ ĐH với sự cạnh tranh gay gắt giữa các cơ sở giáo dục trong toàn quốc, mối quan hệ giữa nhà trường với sinh viên không chỉ là nơi dạy - người học mà phải xem sinh viên là khách hàng đặc biệt, tức là đối tượng bỏ kinh phí để thụ hưởng các dịch vụ giáo dục, trong đó có lượng kiến thức, kỹ năng từ nhà trường.

Trong toàn quốc, thời gian qua đã có không ít hội nghị về công tác đào tạo ĐH được các trường tổ chức và vấn đề vừa nêu được đem ra “mổ xẻ”. Nhiều ý kiến phân tích, sinh viên vừa là sản phẩm đào tạo, vừa là khách hàng đặc biệt nhưng không đơn thuần là mối quan hệ mua - bán (các dịch vụ giáo dục) mà hiểu theo nghĩa tích cực thì mối quan hệ đó tạo ra sự cạnh tranh để phát triển. Các trường phải chứng minh cho sinh viên thấy chất lượng các dịch vụ giáo dục của họ xứng đồng tiền bát gạo người học bỏ ra, bởi nếu sinh viên (khách hàng) không lựa chọn dịch vụ giáo dục của họ thì giảng viên sẽ mất việc, trường học khó tồn tại. Thực hành dân chủ tốt cũng hạn chế các yếu tố ảnh hưởng đến quyền lợi sinh viên, trong đó có cả chuyện tăng học phí và nhiều vấn đề khác.

Để làm tốt điều này, quan trọng nhất vẫn là tuyên truyền, thay đổi nhận thức cán bộ, giảng viên để thực hiện đúng quan điểm “lấy người học trung tâm” hay xem sinh viên là khách hàng đặc biệt. Theo ông Khâm, khi triển khai các chính sách phải xem xét yếu tố sinh viên trước tiên. Những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi của sinh viên cần tiến hành khảo sát hoặc trong cách làm phải tạo điều kiện thuận lợi, hướng đến lợi ích người học. Ngoài ra, phải theo dõi tâm lý người học, nhất là các vấn đề còn nhiều ý kiến trái chiều để kịp thời giải quyết.

Sinh viên thông qua các kênh trực tiếp và gián tiếp cũng nên mạnh dạn bày tỏ ý kiến, nguyện vọng đối với trường, khoa. Môi trường dân chủ được tạo ra từ nhiều phía, trong khi mô hình học hiện nay có nhiều cơ hội để sinh viên góp tiếng nói, có thể thông qua lớp, khoa hay diễn đàn của đoàn, hội và các hình thức tương tác trực tuyến.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top