ClockThứ Sáu, 13/11/2020 06:45

Người thầy đam mê sáng chế thiết bị thí nghiệm

TTH - Sau 3 năm vinh dự được vinh danh tại cuộc thi “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2017 do Bộ GD&ĐT phối hợp cùng Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức, thầy giáo trẻ Nguyễn Trường Vũ (Trường TH&THCS Phượng Hoàng, phường Kim Long, TP. Huế) một lần nữa gây bất ngờ khi có sáng chế được chọn 1 trong 15 công trình, sáng kiến vì giáo dục xuất sắc nhất sẽ tham gia tranh tài tại vòng chung khảo năm 2020.

Thầy giáo viết báo và đạt giải cao

Thầy Nguyễn Trường Vũ hướng dẫn học sinh thực hành thí nghiệm từ chính sáng chế của mình

Theo đuổi đam mê vật lý thực hành

Cũng như đề tài của 3 năm về trước, đề tài được chọn và vừa được công bố vào đầu tháng 11 vừa qua cũng liên quan đến lĩnh vực đam mê của thầy Vũ, đó là vật lý thực hành. “Mình rất bất ngờ và sung sướng khi một lần nữa đề tài lại được xướng tên ở cuộc thi danh giá, với sự góp mặt và tất nhiên cạnh tranh của rất nhiều đề tài, sáng kiến khác của giáo viên trên cả nước”, thầy giáo Vũ tâm sự.

Công trình, sáng kiến “Sáng chế thiết bị thí nghiệm vật lý phổ thông mới” ở lĩnh vực sáng tạo dụng cụ của thầy giáo Nguyễn Trường Vũ cùng 14 công trình, sáng kiến khác được hội đồng sơ khảo đánh giá tiêu biểu trên sự lựa chọn từ hơn 1.100 công trình, sáng kiến vì giáo dục gửi về.

Với kinh nghiệm nhiều năm dạy bộ môn vật lý, cũng như sáng chế các thiết bị thực hành, thầy giáo Nguyễn Trường Vũ chưa khi nào thôi thao thức và đau đáu về những vật dụng, thiết bị để học sinh có thể thực hành, tiếp cận vấn đề một cách dễ hiểu nhất. Đặc biệt, khi mà với chương trình giáo dục ngày càng thay đổi, điều đó cũng đòi hỏi người dạy cũng phải tiếp cận, và có những cách hướng dẫn phù hợp. Từ suy nghĩ đó, thầy Vũ bắt tay nghiên cứu đề tài sáng chế thiết bị thí nghiệm vật lý phổ thông mới.

“Hiện nay, nhiều học sinh ở Việt Nam vẫn học “chay” môn vật lý. Vì nhiều lý do nên các em mất đi hứng thú với môn học. Với mong muốn có nhiều học sinh được học vật lý thực nghiệm với chi phí phù hợp, mình đã đầu tư và sáng tạo nhiều bộ thí nghiệm chất lượng nhưng có giá rẻ, dựa vào điện thoại thông minh để phục vụ giảng dạy”, thầy Vũ trăn trở.

Đề tài sáng chế của người thầy tuổi 32 bao gồm 14 thiết bị: Đồng hồ đo mili giây, bộ thí nghiệm đo gia tốc rơi tự do, bộ thí nghiệm khảo sát chuyển động thẳng, máy phát dao động âm tần, bộ thí nghiệm tạo sóng dừng trên dây, thiết bị đo vận tốc quay của động cơ, Việt hoá phần mềm vật lý phyphox, bộ thí nghiệm mô hình sóng, bút thử điện tích âm dương, bộ thí nghiệm tác dụng sinh lý của dòng điện, bộ thí nghiệm tác dụng nhiệt của dòng điện, bộ thí nghiệm tác dụng hoá của dòng điện, tác dụng quang của dòng điện – kiểm tra vật dẫn điện hay cách điện, hộp đối lưu. Điểm đặc biệt, đó là 8 thiết bị đầu tiên được sử dụng phần mềm miễn phí bằng điện thoại thông minh.

Nhiều đồng nghiệp hỏi mua

Trong nhiều thiết bị đó, có thể kể đến thiết bị “Việt hoá phần mềm vật lý phyphox”. Theo thầy Vũ, phần mềm này sử dụng các cảm biến có sẵn trong điện thoại để đo các thông số của thí nghiệm vật lý. Cũng chính thầy Vũ là người cung cấp bản dịch tiếng Việt cho nhóm viết phần mềm ở một trường đại học của Đức. Phần mềm này có thể làm được rất nhiều thí nghiệm khác nhau và là công cụ phục vụ hiệu quả cho việc dạy và học.

“Các thí nghiệm có thể làm với phyphox trên điện thoại mà không cần thiết bị hỗ trợ khác: đo tốc độ lăn của một ống lăn, đo gia tốc, đo từ trường, lấy vị trí GPS, đo cường độ ánh sáng, đo áp suất khí quyển, đo tốc độ thang máy, đo độ to và thời gian của tràng pháo tay và gán điểm, đo góc nghiêng, đo tần số và chu kỳ con lắc, đo gia tốc hướng tâm, tạo tín hiệu âm tần, đo hiệu ứng Doppler, đo phổ âm thanh, đo khoảng cách bằng sóng âm, các loại đồng hồ bấm giờ… Đặc biệt, phần mềm này cho phép chiếu màn hình không dây lên máy tính và cho phép xuất dữ liệu thô để xử lý”, thầy Vũ lý giải về sáng chế và khẳng định người sử dụng có thể sáng tạo nên nhiều thí nghiệm hay với phần mềm này.

Hay như thiết bị “bút thử điện âm dương” được thầy Vũ mày mò thử nghiệm và hoàn thành trong 3 năm. Thiết bị được làm từ các transitor, đèn led, điện trở và pin. Khi đặt một vật nhiễm điện dương gần bút thì đèn màu xanh sẽ tắt, khi đặt một vật nhiễm điện âm gần bút thì đèn màu đỏ sẽ tắt.

Nói về tất cả những thiết bị tự tay mình sáng chế, thầy Vũ một lần nữa khẳng định, đó là sự sáng tạo kết hợp với điện thoại thông minh, hợp với xu thế vận dụng tài nguyên 4.0 vào dạy học. Sự kết hợp này còn làm giảm giá thành thiết bị rất nhiều so với các sản phẩm tương tự trên thị trường. Ngoài ra, các thiết bị được ban giám khảo đánh giá cao còn nhờ vào thiết kế nhỏ gọn, dễ sử dụng.

“Sau khi hoàn thành các sản phẩm thí nghiệm mình làm video đưa lên các trang mạng xã hội để phổ biến cách làm. Nhiều thầy cô trong nước đã hỏi cách làm và một số thầy cô hỏi mua sản phẩm”, thầy Vũ chia sẻ.

Nói về những sáng chế cũng như đề tài mới nhất lọt vào chung khảo cuộc thi công trình, sáng kiến vì giáo dục năm 2020 của thầy Vũ, thầy giáo Nguyễn Cao - Hiệu trưởng Trường TH&THCS Phượng Hoàng cho biết, đó là một vinh dự của trường và sự cố gắng không ngừng nghỉ trong hành trình theo đuổi đam mê của người thầy trẻ.

“Những đề tài, sáng chế của thầy Vũ ngay khi thành công đều được đưa vào trình diễn trong các giờ học hoặc các giờ ra chơi. Rất vui là học sinh rất thích thú tìm hiểu và tạo được không khí học tập hăng say cũng như thôi thúc các em tìm tòi nghiên cứu khoa học”, thầy Cao chia sẻ.

Bài, ảnh: NHẬT MINH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hội nghị Da liễu Quốc tế:
Kinh nghiệm, công nghệ và xu thế​

Hội nghị Da liễu Quốc tế từ 21 đến 23/11 do Bệnh viện Da liễu Trung ương, Sở Y tế, Bệnh viện Da liễu tỉnh phối hợp tổ chức thu hút nhiều chuyên gia trong, ngoài nước. Hàng trăm bài báo cáo được chia sẻ mang đến cái nhìn về phương pháp, kinh nghiệm, công nghệ… trong điều trị các bệnh về da. ​

Kinh nghiệm, công nghệ và xu thế​
Chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
Yêu thương & tâm huyết

Sự tôn vinh, kính trọng của xã hội và tình cảm thân thương thầy – trò là niềm hạnh phúc giúp cho các thầy, cô giáo vượt qua bao áp lực để làm tốt nhiệm vụ “gieo con chữ”.

Yêu thương  tâm huyết
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn:
Người thầy biến nhiều điều chúng ta hy vọng thành hiện thực

Tối 17/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công đoàn Giáo dục Việt Nam phối hợp Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện chương trình “Thay lời tri ân” năm 2024, với chủ đề “Hy vọng”. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1.

Người thầy biến nhiều điều chúng ta hy vọng thành hiện thực

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top