|
Cô Mai Thị Tư, giáo viên khiếm thị đang dạy các em tại Trung tâm Hướng nghiệp trẻ em mù
|
Mới năm, sáu tuổi đầu, nhiều cô cậu bé rời xa gia đình để vào Trung tâm Hướng nghiệp trẻ em mù tá túc. Ở đó, thầy cô dạy các em những bài học đầu tiên là những thao tác đơn giản nhất để biết cách vệ sinh cá nhân. Cao hơn một tý, giáo viên hướng dẫn các em làm những công việc đơn giản hằng ngày, như nấu ăn, giặt áo quần, dò đường để đi, dần dần rất nhiều việc các em làm thuần thục như những người bình thường khác. Sau khi học xong lớp dự bị, các em bắt đầu vào lớp 1 và học hoà nhập với các học sinh bình thường khác. Làm được điều đó là cả một sự bền bỉ, dày công của những người thầy đầu tiên của trẻ khiếm thị. Có khi suốt cả năm trời dạy lui, dạy tới các thao tác mà các em cứ nhớ trước, quên sau. Cô Nguyễn Ngọc Dung, người có thâm niên 15 năm dạy phục hồi chức năng cho trẻ khiếm thị, chia sẻ: “Với trẻ khiếm thị, các giáo viên phải cầm tay chỉ việc và vận dụng hết tất cả các giác quan còn lại để giúp các em cảm nhận và học hỏi. Không thể nhìn thấy nên các em khó tránh khỏi những thương tích, như bị đứt tay, điện giật, ngã cầu thang. Mỗi lần như thế, chúng tôi thương các em vô hạn nhưng không làm giúp, phải trang bị cho các em sự tự tin hoà nhập, xoá bỏ đi mặc cảm “mù loà”.
Trẻ khiếm thị không chỉ bị các vấn đề về mắt mà còn có các tật về vận động, nhận thức, thính giác, thậm chí là cả chứng bệnh tự kỷ. Không năm học nào, các thầy cô ở đây lại không tiếp nhận những trẻ mà đến cả những người thân trong gia đình đều cho là “bất trị”. Có nhiều em học mãi mà không đọc thông viết thạo nên vẫn lẹt đẹt 3 năm lớp 1. Khó khăn lắm, các cô mới dạy cho em biết đọc chữ nổi Braille. Việc dạy trẻ biết chữ, biết tính toán cũng là một quá trình gian nan, đòi hỏi sự kiên trì của các giáo viên, nhất là với những trẻ có vấn đề về nhận thức. 15 năm dạy học, cô Nguyễn Thị Tuyết Quỳnh chứng kiến không ít những câu chuyện dở khóc, dở cười. Trong lớp học có nhiều độ tuổi, khả năng tiếp thu khác nhau nên giáo viên khá vất vả. Có khi giờ học môn toán thì các em lại thích môn văn, tự ý ra ngoài vì buồn ngủ, hoặc không làm theo hướng dẫn của giáo viên. Những lúc như thế, các cô phải tìm ra điểm mạnh, điểm yếu, giúp trẻ sử dụng tối đa các chức năng còn lại để kích thích việc học hành, giúp trẻ phát triển tư duy và khả năng sáng tạo như những trẻ bình thường khác.
Giờ đây, các em khiếm thị ở trung tâm có thể tìm kiếm thông tin, tài liệu trên mạng để phục vụ cho việc học; học thêm ngoại ngữ, kết bạn với bạn bè, tìm kiếm học bổng trên mạng… Thành quả ấy cũng là nhờ sự bền bỉ, kiên nhẫn của những người thầy để các em tiếp cận với intenet. Thầy Hoàng Tuấn Hải, giáo viên tin học, cho hay: “Dạy vi tính cho các em khiếm thị rất khó khi các phần đều đọc bằng tiếng Anh nên giáo viên vừa dạy ngoại ngữ, vừa dạy các thao tác trên bàn phím để các em tập làm quen. Không có một giáo án nào cụ thể, máy móc lại chưa hiện đại nên giáo viên phải tìm tòi để giảng dạy phù hợp với từng độ tuổi, từng trình độ để đem lại hiệu quả cao nhất”. Những năm tháng miệt mài học cùng thầy không uổng công khi nhiều em đạt giải cao về tin học dành cho người mù trong nước cũng như các nước trong khu vực.
Nguyễn Thị Yến Anh, cô bé bị mù bẩm sinh vào Trung tâm Hướng nghiệp trẻ em mù khi mới 5 tuổi nay đã tốt nghiệp Khoa Đông Phương học – Trường ĐHKH Huế trải lòng: “Xa vòng tay yêu thương của cha mẹ từ rất sớm nhưng chúng em không đơn độc khi có những bàn tay ấm áp của người thầy. Chăm sóc các em khi đau ốm, làm bạn khi các em bước vào tuổi dậy thì, yêu thương, chia sẻ khi các em gặp biến cố, khó khăn trong cuộc sống. Thế nên người thấy trong ánh mắt chúng em không đơn thuần là dạy chữ, mà là người bạn, người mẹ luôn yêu thương, chia sẻ khi các em cần”.
Lương tiền thấp, công việc không lúc nào hết, song họ không có ý định rời xa các em để kiếm mức thu nhập cao hơn. Chúng tôi hiểu, đó là tình thương, là trách nhiệm của những người thầy dành cho bọn trẻ. Lấp lánh niềm vui khi họ kể về sự nỗ lực của thầy và trò trên con đường khám phá tri thức; nhiều quả ngọt khi sinh viên khiếm thị đậu thủ khoa, tốt nghiệp loại giỏi và đã có công ăn việc làm ổn định hay về dạy lại cho các em khiếm thị ở trung tâm. Đó là những phần thưởng và là động lực để giáo viên dạy trẻ khiếm thị cống hiến và để trẻ khuyết tật bớt thiệt thòi.