|
Mức tăng học phí cao khiến nhiều sinh viên băn khoăn |
Tăng 20%, không phải gần 50%
Ngày 20/2/2024, Trường đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế ban hành Thông báo số 114 về mức thu học phí chính thức cho tất cả các khóa và ngành đào tạo của năm học 2023 - 2024. Đối với sinh viên các khóa tuyển sinh từ năm 2021 (khóa 18) trở về trước, mức học phí đối với các ngành Sư phạm là 300.000 đồng/tín chỉ; mức học phí đối với ngành Việt Nam học, Quốc tế học và các ngành ngôn ngữ là 300.000 đồng/tín chỉ. Đối với sinh viên các khóa tuyển sinh từ năm 2022, năm 2023 (khóa 19 và 20), mức học phí đối với các ngành Sư phạm là 360.000 đồng/tín chỉ; mức học phí đối với ngành Việt Nam học, Quốc tế học và các ngành ngôn ngữ là 408.000 đồng/tín chỉ.
Khi mức học phí mới được công bố, nhiều sinh viên cho rằng mức tăng quá cao, lên đến 45,7% so với mức học phí lúc chưa tăng, từ 280.000 lên 408.000 đồng/tín chỉ. Việc tăng học phí được là quá đột ngột, vì trước đó, nhà trường không có những thông tin liên quan để thông báo cho sinh viên biết để chuẩn bị tâm lý, cả kinh phí.
Theo nhiều sinh viên, mức học phí mới chưa phù hợp với điều kiện kinh tế của sinh viên. Có rất nhiều sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và thậm chí còn phải đối mặt với việc phải nghỉ học vì không đủ khả năng tài chính. Một sinh viên chia sẻ, sau khi biết tin trường tăng học phí thì em và gia đình rất lo lắng. Em chọn trường vì học phí thấp hơn so với các trường, mà bây giờ trường tăng học phí bất ngờ, khiến em không biết xoay sở như thế nào.
Một sinh viên khác cho hay, học phí của sinh viên năm 3, 4 là 300.000 đồng/tín chỉ còn học phí sinh viên 1, 2 lại lên đến 408.000 đồng/tín chỉ, mức chênh lệch lên đến 108 nghìn đồng. Một vấn đề thắc mắc nữa là nhà trường thông báo thu thêm mức học phí chênh lệch giữa hai mức học phí cho học kỳ 1, năm học 2023 - 2024, dù kỳ học đã kết thúc.
Trước những thắc mắc của nhiều sinh viên, Trường đại học Ngoại ngữ đã tổ chức các buổi đối thoại với sinh viên. Năm 2022, khi nhà trường trở thành đơn vị tự chủ chi thường xuyên (tự chủ nhóm 2 theo Nghị định 60/2021/ND-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ), trường đã ra quyết định mức thu học phí dựa trên các hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Huế, tăng từ 280.000 nghìn đồng lên 343.000 đồng/tín chỉ. Thực tế lúc đó nhà trường đã thu mức học phí mới, sau đó Chính phủ có yêu cầu không tăng học phí để hỗ trợ cho thời gian phục hồi sau dịch COVID-19. Trường đã phải giữ nguyên mức thu là 280.000 đồng/tín chỉ cho tất cả các ngành đào tạo. Các em đã đóng học phí nhà trường đã hoàn trả, hoặc chuyển phần dư sang học kỳ tiếp theo.
Như thế mức tăng học phí mới này chỉ chênh lệch 60.000 nghìn đồng, tức chỉ là 20% so với mức học phí cũ. Liên quan đến mức học phí khác nhau gữa các khóa, đại diện trường lý giải là dựa trên tổng mức học phí toàn khóa và thời điểm trường tự chủ năm 2022. Vì vậy, các khóa trước năm 2022 có mức thu thấp hơn so với các khóa sau. Còn việc thu thêm phần chênh lệch học kỳ 1, năm 2023 – 2024 là vì trước đó, trong Thông báo số 1008, ngày 9/10/2023 nộp học phí học kỳ 1, nhà trường chỉ tạm thu và thông báo sẽ thu thêm nếu mức học phí mới được cho phép.
Sẽ hỗ trợ tối đa cho sinh viên khó khăn
TS. Nguyễn Văn Huy, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế cho biết, cơ sở pháp lý để nhà trường tăng học phí mới là vào ngày 31/12/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 97/2023/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập... nên nhà trường đã ban hành quyết định thu học phí chính thức cho năm 2023 - 2024.
Theo TS. Nguyễn Văn Huy, theo quy định, đối với đơn vị tự chủ chi thường xuyên như Trường đại học Ngoại ngữ, khung tăng được phép tối đa có thể lên đến 2 lần mức trần học phí, để bù đắp chi phí cho các hoạt động thường xuyên tại trường. Dù thế, nhà trường đã tính toán về mức chi tiêu, mức đầu tư cơ sở vật chất, phục vụ giảng dạy, thực tế đời sống của sinh viên… nên trường đã rất cân nhắc mức tăng từ 343.000 nghìn đồng lên 408.000 nghìn đồng. Mức tăng này chỉ 20%, tức là chỉ 0,2 lần so với mức tối đa.
Thời gian qua, nguồn ngân sách chi thường xuyên đã không còn, mức học phí giữ mức cũ, nên nhà trường đã rất khó khăn trong kinh phí để có thể đầu tư cho công tác giảng dạy, cơ sở vật chất, hỗ trợ sinh viên… Việc tăng học phí là điều kiện để nhà trường khắc phục những khó khăn vừa qua. Tất nhiên, mặt trái của tăng học phí bao giờ cũng là khó khăn cho phụ huynh, sinh viên. Phía trường cũng đang nỗ lực để truyền thông cho người học có thông tin đầy đủ.
PGS.TS. Phạm Thị Hồng Nhung, Hiệu trưởng đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế khẳng định, nhà trường sẽ hỗ trợ tối đa cho sinh viên gặp khó khăn trong việc đóng học phí, bằng tạo điều kiện về thủ tục, pháp lý để sinh viên vay vốn; có chế độ ưu tiên cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn như cho phép có đơn xin gia hạn thời gian nộp học phí; không có chế độ cấm thi kết thúc học phần khi chưa hoàn thành việc nộp học phí trong kỳ; cho phép sinh viên đăng ký học phần của kỳ tiếp theo khi chưa hoàn thành học phí của kỳ trước. Nhà trường thực hiện trích quỹ học bổng khuyến khích từ nguồn thu học phí để hỗ trợ cho các sinh viên...
Theo Hiệu trưởng Trường đại học Ngoại ngữ, tự chủ đại học là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước. Tự chủ ban đầu chắc chắn sẽ gây ra khó khăn cho cả nhà trường và sinh viên. Về lâu dài, chắc chắn tự chủ sẽ mang lại nền đại học chất lượng. Điều này đòi hỏi cả nhà trường và sinh viên cùng phải nỗ lực trong giảng dạy, học tập với mục tiêu cao nhất là tăng tính cạnh tranh, nâng chất lượng đầu vào và đặc biệt là đầu ra.