Nhân viên cấp dưỡng Trường mầm non Thủy Xuân (TP. Huế)
Bắt đầu công việc từ 7h sáng đến 16h cùng ngày, ngoài việc chế biến đảm bảo bữa ăn trưa và bữa ăn phụ cho trẻ, những nhân viên cấp dưỡng ở Trường mầm non Thượng Nhật (Nam Đông) cùng với cô giáo chăm sóc các bé trong độ tuổi nhà trẻ. Công việc nhiều, việc nào cũng liên quan đến an toàn của trẻ nên rất căng thẳng.
Cô giáo Nguyễn Thị Minh Tâm, Hiệu trưởng cho biết, lương nhân viên cấp dưỡng thực nhận 2,8 triệu đồng sau khi đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, thu nhập thấp, điều kiện làm việc áp lực cao, thời lượng lại đến gần 10 giờ/ngày… phải dựa vào nguồn xã hội hóa từ đóng góp của phụ huynh. Trường thu nhiều thì trả nhiều, thu ít đành phải trả ít. Thậm chí, nhiều nhân viên bị nợ lương nếu như nguồn đóng góp của phụ huynh sụt giảm. “Giờ còn sức khỏe, các chị có thể xoay xở qua ngày nhưng tôi luôn chạnh lòng khi nghĩ đến ngày về hưu, hoặc nếu không may bệnh tật không còn khả năng lao động thì không biết lấy gì mà sống”, cô Tâm tỏ bày.
Không riêng Thượng Nhật, ở vùng nông thôn, miền núi, tình trạng phụ huynh nợ tiền ăn của trẻ kéo dài vẫn còn nhiều, giáo viên không dám nhắc nhở nếu không phụ huynh sẽ cho cháu nghỉ học. Có giáo viên phải tự bỏ tiền túi cho phụ huynh mượn đóng tiền ăn cho con. Trong khi, công việc của một nhân viên cấp dưỡng không chỉ cung cấp bữa ăn mà cùng với các cô chăm sóc và nuôi dưỡng cháu.
Sĩ số “lý thuyết” của mỗi lớp học là 30 cháu/hai cô, nhưng trên thực tế, con số thấp nhất là 35 cháu, thậm chí có khi lên đến 50 cháu nên nhiều nhân viên trong trường phải đảm nhận nhiều vai. Lương tiền bấp bênh, cộng thêm áp lực công việc khiến nhiều nhân viên cấp dưỡng nghỉ việc giữa chừng khiến các trường gặp khó khi luôn phải tìm người thay thế.
Toàn tỉnh có 206 trường mầm non với 4.490 cán bộ giáo viên, trong đó, có 3.870 người thuộc biên chế. Công tác trong ngành giáo dục, trực tiếp làm việc trong môi trường trồng người, nhưng nhân viên cấp dưỡng, y tế, kế toán, bảo vệ và các lực lượng khác ngoài giáo viên trong trường mầm non không được hưởng các chế độ đãi ngộ đặc biệt của ngành. Họ vất vả làm việc mỗi ngày để gồng gánh cuộc sống với đồng lương eo hẹp.
Trong 4 chức danh nghề nghiệp mà các trường đều cần, nhà trường phải biết “liệu cơm gắp mắm” khi nhiều trường chỉ có đủ kinh phí để trả lương cho hai nhân viên. Thế nên, cấp dưỡng có thể kiêm luôn thủ quỹ và bảo vệ kiêm luôn nhân viên y tế. Do một lúc làm nhiều việc, nên họ luôn chịu áp lực về thời gian.
Cô giáo Nguyễn Thị Hiền, Trường mầm non Phong Xuân 1 (Phong Điền) cho biết: Một người mà đảm nhận 2-3 vai nên nhiều người nghỉ làm giữa chừng. Thực tế, trường có 2 cơ sở giảng dạy nhưng chỉ có mỗi 1 nhân viên bảo vệ làm việc
24/24 giờ, phải quán xuyến một lúc hai điểm trường. Trong khi đó, đồng lương thấp chỉ 2,5 triệu đồng/tháng, không đủ trang trải cho cuộc sống.
Lực lượng nhân viên trong trường học là bộ phận gián tiếp. Nếu hoạt động của trường mà thiếu bộ phận gián tiếp thì không thể "chạy" được. Hơn lúc nào hết, họ cần sự chính danh không chỉ cải thiện thu nhập mà còn góp phần giảm áp lực làm việc cho lực lượng giáo viên và chăm sóc trẻ tốt hơn.
Bài, ảnh: Huế Thu