ClockThứ Năm, 08/07/2021 10:51

Bỏ sổ hộ khẩu không ảnh hưởng đến tuyển sinh đầu cấp

TTH - Từ ngày 1/7, Luật Cư trú 2020 chính thức có hiệu lực. Việc thay đổi phương thức quản lý cư trú từ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sang số hóa liệu có ảnh hưởng đến tuyển sinh vào các lớp đầu cấp?

Không có sự xáo trộn trong tuyển sinh đầu cấp

Vào thời điểm này, các trường bước vào giai đoạn tuyển sinh đầu cấp. Thông thường, những năm trước, sổ hộ khẩu hoặc tạm trú là một trong những thủ tục cần hoàn chỉnh khi học sinh nộp hồ sơ nhập học. Thế nên, khi quy định mới về sổ hộ khẩu có hiệu lực, khá nhiều phụ huynh băn khoăn sẽ ảnh hưởng đến việc học của con em mình.

Anh Nguyễn Văn Hạnh, phụ huynh có con năm nay vào lớp 1 lo lắng khi gia đình anh thuộc 1 trong 9 trường hợp công dân bị xoá hộ khẩu từ ngày 1/7/2021. “Trước đây, tôi ở phường Vĩnh Ninh, 3 năm nay chuyển lên sinh sống tại phường Trường An, nhưng vẫn còn hộ khẩu ở phường cũ. Như vậy, sắp tới sẽ bị xóa hộ khẩu ở phường Vĩnh Ninh, đồng thời khi tôi thay đổi, cập nhật thông tin sẽ bị thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú để thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong cơ sở dữ liệu về cư trú. Vì vậy, gia đình khá lo lắng về việc đăng ký học cho con ở đâu và đăng ký như thế nào ?” Anh Hạnh chia sẻ.

Theo tìm hiểu của phóng viên, việc tuyển sinh đầu cấp sẽ được các trường phối hợp với UBND các phường, xã, thị trấn tổ chức điều tra số trẻ ở từng độ tuổi đi học trên địa bàn được phân công, đảm bảo số liệu chính xác phục vụ cho phân tuyến tuyển sinh. Trước khi phân tuyến, ban tuyển sinh sẽ rà soát, tránh tình trạng học sinh “ảo” vừa có hộ khẩu phường này nhưng tạm trú phường khác để đảm bảo danh sách phân tuyến chính xác. Sau đó, các trường tiểu học sẽ công khai danh sách học sinh được phê duyệt và phường gửi giấy mời học sinh vào học theo mã số.

Thầy Dương Quang Nam, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Quốc Toản cho rằng, bỏ hộ khẩu giấy sẽ không gây xáo trộn công tác tuyển sinh lớp 1 của nhà trường. Công tác tuyển sinh vẫn thực hiện theo phân tuyến tuyển sinh. Căn cứ vào số chỗ học, UBND phường sẽ lập danh sách học sinh cho năm học mới rồi gửi cho các trường. Nhà trường căn cứ theo đó để tổ chức tuyển sinh. Không có sổ hộ khẩu thì vẫn có giấy khai sinh hoặc giấy tạm trú để làm hồ sơ nhập học.

 Còn đối với tuyển sinh lớp 6, các trường thực hiện việc phân tuyến theo địa bàn trường tiểu học. Chính vì vậy, các trường tiểu học căn cứ vào danh sách phân tuyến của ban tuyển sinh chuyển trực tuyến hồ sơ học bạ của học sinh đến các trường THCS. Phụ huynh sẽ nhận thông báo và thực hiện hồ sơ trực tuyến. Hiện các trường tuyển sinh theo hình thức trực tuyến, khi làm thủ tục nhập học, học sinh sẽ dùng đến giấy khai sinh mà không nhất thiết phải sổ hộ khẩu. Ngoài ra, học sinh đã được cấp mã định danh theo hệ thống quản lý dữ liệu.

Theo lãnh đạo Phòng Giáo dục TP. Huế, việc tuyển sinh các lớp đầu cấp thực hiện theo nguyên tắc phân tuyến căn cứ vào nơi cư trú. Tức là, học sinh có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú ở phường nào thì sẽ được phân tuyến vào học các lớp đầu cấp tại trường đóng trên địa bàn đó hoặc địa bàn lân cận. Hộ khẩu vẫn là căn cứ chứng minh để nhập học bởi theo quy định khi Luật Cư trú có hiệu lực, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của luật này cho đến hết ngày 31/12/2022.

Việc bãi bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, những văn bản có tính hành chính như trên không gây khó khăn hay ảnh hưởng đến phụ huynh học sinh.

AN NHIÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Người tiêm vắc xin ngừa COVID-19 AstraZeneca không nên lo lắng

Đó là lời khuyên từ các chuyên gia trước thông tin tiêm vắc xin ngừa COVID-19 của hãng dược AstraZeneca có thể gây ra tác dụng phụ hiếm gặp, gây cục máu đông (TTS). Người dân cần tìm hiểu, lắng nghe cẩn trọng, khuyến cáo tránh tình trạng đổ xô đi làm các xét nghiệm không cần thiết.

Người tiêm vắc xin ngừa COVID-19 AstraZeneca không nên lo lắng
Tuyển sinh đầu cấp và áp lực học trái tuyến

Tháng 6, các trường tiểu học và trung học cơ sở mới tổ chức tuyển sinh đầu cấp. Nhưng, nhiều phụ huynh đã rục rịch cả năm để lo cho con vào học được trường “như ý”. Điều này tạo nhiều áp lực cho các trường khi chương trình giáo dục phổ thông mới với sĩ số lớp học không được vượt quy định.

Tuyển sinh đầu cấp và áp lực học trái tuyến
Return to top