ClockThứ Bảy, 14/10/2023 09:11

Phát huy vai trò của trường đại học trong thực hiện nhiệm vụ của các địa phương

Gắn kết, phục vụ cộng đồng là một trong những mục tiêu, giá trị cốt lõi mà cơ sở giáo dục đại học xây dựng và hướng tới. Kết quả đào tạo nhân lực, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ từ các cơ sở giáo dục đại học đã tạo nguồn lực quan trọng, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương, vùng.

Đại học Huế nằm trong bảng xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học tốt nhất thế giớiXây dựng, công bố kịp thời các phương thức tuyển sinh đại học từ năm 2025 trở điKhảo sát đánh giá chất lượng 5 chương trình đào tạo tại Trường đại học Sư phạm481 đề tài của sinh viên tham gia Giải thưởng Khoa học và Công nghệ toàn quốc năm 2023Đại học không phải là con đường duy nhất

Một góc hhu B, ký túc xá Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN 

Năm 2021, Khoa Y, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh bắt đầu triển khai đề án Đào tạo bác sỹ y khoa theo đặt hàng của 3 tỉnh Tây Ninh, Bến Tre và Đồng Tháp với quy mô tuyển sinh 80 sinh viên mỗi năm. Đây là chương trình nhằm thực hiện Đề án “Đào tạo nguồn nhân lực trình độ đại học, sau đại học cho khu vực Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và các vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và phía Nam” của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.

Tham gia đề án, sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ trở về địa phương công tác, vì thế chương trình, kế hoạch đào tạo cũng được thiết kế riêng vừa đảm bảo mục tiêu kiến thức, chuẩn đầu ra của chương trình vừa đáp ứng mục tiêu hòa nhập, gắn kết chặt chẽ với địa phương. Theo đó, Khoa Y phối hợp với địa phương bố trí cho sinh viên về địa phương học và thực hành lâm sàng một số học phần. Sinh viên có điều kiện giao lưu, học hỏi, xây dựng mối quan hệ với cộng đồng, để sau khi ra trường trở về công tác dễ hòa nhập với môi trường làm việc ở địa phương.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ, bác sỹ Phạm Anh Vũ Thụy, Trưởng phòng Đào tạo, đào tạo sau đại học, Khoa Y, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh chia sẻ đã có nhiều kết quả tích cực sau 3 năm triển khai chương trình. Thống kê cho thấy, gần 90% sinh viên đào tạo theo cơ chế đặt hàng có kết quả học tập đạt loại khá, giỏi. Đến năm 2026, các sinh viên khóa tốt nghiệp đầu tiên của Đề án sẽ về địa phương công tác và được kỳ vọng đáp ứng một phần nhu cầu thiếu hụt nhân lực y tế chất lượng cao của địa phương; tiến đến phát triển nhân lực, hoàn thiện mạng lưới y tế từ Trung ương đến địa phương vào năm 2030. Tiếp nối những thành công trên, dự kiến năm 2024, Khoa Y sẽ tiếp tục xây dựng đề án tuyển sinh theo đặt hàng cho các tỉnh khu vực Đông Nam bộ và các tỉnh có nhu cầu.

Đề án đào tạo nhân lực trình độ quốc tế giai đoạn 2020-2035 là một trong những đề án lớn thuộc Chương trình đột phá phát triển nhân lực và văn hóa của TP Hồ Chí Minh. Đề án hướng đến đào tạo nhân lực trình độ quốc tế cho 8 ngành: Công nghệ thông tin - truyền thông, Cơ khí - tự động hóa, Trí tuệ nhân tạo, Quản trị doanh nghiệp, Tài chính - ngân hàng, Y tế, Du lịch và Quản lý đô thị. Trên cơ sở chương trình hợp tác với UBND Thành phố, 4 trường thành viên của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cùng tham gia thực hiện các đề án thành phần.

Được giao phụ trách đề án đào tạo ngành Trí tuệ nhân tạo, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã nghiên cứu, đánh giá thực tế số lượng và chất lượng nguồn nhân lực ngành Trí tuệ nhân tạo cũng như tình hình đào tạo và nhu cầu nguồn nhân lực ngành này của Thành phố. Từ kết quả nghiên cứu, nguồn nhân lực ngành Trí tuệ nhân tạo tại TP Hồ Chí Minh hiện chưa đáp ứng nhu cầu thực tế cả về số lượng và chất lượng. Trong khi nhu cầu của các doanh nghiệp tăng hơn 10% thì chỉ tiêu đào tạo ngành này tại các trường chỉ tăng từ 5-10% mỗi năm.

Để đáp ứng nhu cầu thực tế, Đề án đã đưa ra khái niệm cụ thể, xác định đặc điểm của nhân lực trình độ quốc tế ở ngành này, từ đó đề xuất chuẩn đầu ra, khung chương trình đào tạo ngành Trí tuệ nhân tạo bậc Đại học, Thạc sỹ, và Tiến sỹ. Nhóm thực hiện đề án cũng đề xuất một số chính sách, giải pháp nâng cao năng lực đào tạo nhân lực trình độ quốc tế cho ngành Trí tuệ nhân tạo. Đó là các nhóm chính sách về xây dựng, chuẩn hóa chương trình đào tạo cấp văn bằng từ bậc Đại học đến Tiến sỹ; nâng cao năng lực đội ngũ giảng dạy và nghiên cứu; đầu tư cơ sở vật chất và môi trường làm việc; hội nhập quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu; học bổng đại học và sau đại học…

“Nếu được thực hiện tốt, các chính sách và giải pháp được đề xuất trong đề án này sẽ góp phần đáng kể vào việc nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành Trí tuệ nhân tạo tại các cơ sở đào tạo nói riêng và TP Hồ Chí Minh nói chung. Năng lực nghiên cứu được tăng cường sẽ góp phần tích cực và hiệu quả vào việc xây dựng các giải pháp thông minh phục vụ các chương trình và mục tiêu phát triển, ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại Thành phố” - Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Vũ, Phó Trưởng Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh chia sẻ.

Đề cập đến nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như vai trò của giáo dục đại học, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho rằng, ưu tiên phát triển giáo dục, coi việc “trồng người” là nhiệm vụ cơ bản; nâng cao trình độ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo chính là chìa khóa để đạt được mục tiêu xây dựng quốc gia sáng tạo, dân chủ, giàu có và bản sắc. Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Hải Quân, dù vận hành theo nền kinh tế thị trường nhưng giáo dục vẫn cần sự điều tiết, cần vai trò dẫn dắt của nhà nước trong việc gắn đào tạo và nghiên cứu với các nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước. Điều này tạo sự hài hòa trong nhu cầu của người học, chuẩn bị cho nguồn nhân lực trong tương lai gần và tránh "khủng hoảng thừa" và "khủng hoảng thiếu".

Vì thế, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đề xuất Nhà nước thực hiện cơ chế đặt hàng đào tạo ở các ngành thuộc nhóm ngành Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội, Văn hóa - nghệ thuật và một số lĩnh vực khác như Nông Lâm nghiệp, Địa chất, Hải dương học… Nếu không thực hiện điều này trong tương lai gần, chúng ta sẽ thiếu hụt nhân lực trình độ cao, thiếu hụt nhà khoa học đầu ngành; tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước sẽ bị chậm lại.

Thúc đẩy chuyển giao công nghệ

Qua hàng loạt hoạt động chuyển giao công nghệ được các cơ sở giáo dục đại học thực hiện đã thể hiện rõ vai trò của giáo dục đại học trong tham gia thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, khoa học-công nghệ của các địa phương. Thực hiện vai trò của đại học trọng điểm quốc gia, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã tích cực hỗ trợ địa phương trong nghiên cứu khoa học, giải quyết các vấn đề địa phương, phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, công tác nghiên cứu khoa học - chuyển giao công nghệ, tập trung hỗ trợ địa phương trong một số vấn đề nóng hiện nay như biến đổi khí hậu, ngập lụt, ô nhiễm môi trường, xử lý chất thải, hỗ trợ các phương tiện trữ nước sạch…

Từ năm 2016-2022, toàn Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã thực hiện trên 3.000 hợp đồng chuyển giao công nghệ với tổng doanh thu trung bình hằng năm đạt khoảng 250 tỷ đồng. Giai đoạn 2016-2020, Đại học Quốc gia Thành phố đã hỗ trợ các địa phương thực hiện khoảng 105 các nhiệm vụ khoa học công nghệ trọng điểm, các đề tài, đề án phát triển du lịch... Nhiều kết quả nghiên cứu, thiết bị ứng dụng được chuyển giao cho các địa phương, được chính quyền đánh giá cao và người dân đón nhận như: Thực hiện gia công túi chứa nước ngọt chống biến đổi khí hậu (tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre); Xây dựng thành công bộ sản phẩm du lịch đặc thù tỉnh An Giang; Chuyển giao thành công mô hình Aquaponics cho tỉnh Tây Ninh xây dựng và hoàn thiện dự án Aquaponics Farm; Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo cảm biến đo mực nước, bộ lưu trữ dữ liệu và hệ thống thu thập dữ liệu tự động qua mạng 3G/GPRS cho trạm quan trắc thủy văn Tân Uyên, Bình Dương…

Cùng với đó, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh còn đóng vai trò tư vấn hoặc đối tác tham gia cùng địa phương thực hiện các dự án, chương trình nghiên cứu do nước ngoài tài trợ. Trong đó, nhà trường phối hợp với tỉnh Bến Tre, Cần Thơ thực hiện dự án “Nghiên cứu chất thải trong nuôi trồng thủy sản, chuyển đổi thành năng lượng điện thông qua pin nhiên liệu rắn thế hệ mới - góp phần phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long” (vốn tài trợ từ Nhật Bản); phối hợp với tỉnh Bình Thuận, Vĩnh Long, Hậu Giang triển khai dự án “Kỹ năng nghề nghiệp Việt Nam” (vốn tài trợ từ Canada); phối hợp với tỉnh Lâm Đồng xây dựng, phát triển dự án “Nông nghiệp thông minh dựa trên trí tuệ nhân tạo và robot cho thực phẩm an toàn”.

Theo lãnh đạo Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, nhà trường đang tiếp tục xây dựng củng cố mạng lưới hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước nhằm thực hiện nhiệm vụ gắn kết phục vụ cộng đồng, thực hiện trách nhiệm xã hội. Các hoạt động hợp tác của Đại học Quốc gia Thành phố với các địa phương ngày càng đi vào chiều sâu, có tính thiết thực cao, đáp ứng được nhu cầu thực tế của các địa phương trong vấn đề phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả của những hoạt động hợp tác với các địa phương là cơ sở để đại học này nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ cũng như nâng cao vai trò đầu tàu trong công tác liên kết địa phương, hỗ trợ cộng đồng.

Theo TTXVN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đưa Viện Công nghệ sinh học phát triển xứng tầm

Việc thành lập Viện Công nghệ sinh học (CNSH) quốc gia miền Trung sẽ góp phần nâng cao vị thế, phát huy vai trò tiên phong, dẫn dắt của Đại học (ĐH) Huế và phát triển Thừa Thiên Huế thành một trung tâm khoa học lớn của cả nước, đồng thời thúc đẩy sự phát triển về kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành trong khu vực và cả nước.

Đưa Viện Công nghệ sinh học phát triển xứng tầm
Chủ động phòng cháy, chữa cháy trong các trường đại học

Đến thời điểm cuối tháng 9/2023, hầu hết các trường đại học đã trở lại hoạt động dạy và học. Với hơn 40 ngàn sinh viên, việc đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) luôn được đặt ra đối với Đại học Huế.

Chủ động phòng cháy, chữa cháy trong các trường đại học

TIN MỚI

Return to top