ClockThứ Bảy, 26/08/2023 07:29

Đại học không phải là con đường duy nhất

TTH - Theo số liệu thống kê từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), 1/3 tổng số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm nay đã không tham gia đăng ký xét tuyển đại học năm 2023.

Ngành Sư phạm Lịch sử lấy lại vị thếThí sinh lưu ý phải xác nhận nhập học trước 17 giờ ngày 6/9Bệnh viện Trường đại học Y - Dược Huế nhận giải thưởng từ Hội Tim mạch Hoa Kỳ

Nhiều thí sinh chọn học cao đẳng 

Chọn học nghề

Thay vì chọn một trường đại học để làm hành trang tương lai cho mình, Hồng Nhung (TP. Huế) lại chọn Trường cao đẳng Du lịch Huế để học. Vừa làm các thủ tục nhập học xong, Hồng Nhung chia sẻ, học cao đẳng chỉ 3 năm so với 4 năm của đại học. Nếu em cố gắng có thể thời gian chỉ còn 2,5 năm. Như thế, em có thể sớm đi làm để phụ giúp gia đình. Nhung cũng có tìm hiểu và biết du lịch là ngành nghề đang cần lượng lao động lớn, khả năng tìm được công việc phù hợp cao. Ngành này cũng cần về kỹ năng, tay nghề nhiều hơn nên Nhung đã chọn cao đẳng, dù điểm thi tốt nghiệp THPT vừa qua em đủ khả năng trúng tuyển vào các trường thuộc “top” giữa của Đại học Huế.

Cũng giống như Hồng Nhung, Bảo Hùng (huyện Phong Điền) bộc bạch, em thấy các anh chị gần nhà cũng học đại học 4 năm, ai cũng có bằng mà giờ đi làm công nhân tại Công ty Scavi (thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền) như mọi người khác. Em có hỏi các anh chị đó thì biết điểm thi của em cũng sẽ có khả năng đậu vào các trường như các anh chị đã theo học trước đó. Hùng không muốn lặp lại như các anh chị đi trước nên quyết định không đăng ký xét tuyển đại học mà sẽ chọn một trường cao đẳng nào đó, hoặc sẽ đi học nghề để làm việc.

Trong khi đó, chị Lê Thị Thảo (phường Phú Hậu, TP. Huế) có con vừa thi tốt nghiệp THPT xong cho hay, sức khỏe không tốt nên chị chỉ có thể làm công việc nhẹ, đủ chi phí sinh hoạt trong nhà. Chồng thì từ đầu năm 2023 phải mổ thoát vị đĩa đệm nên giờ chưa đi làm trở lại. Thú thật, kinh tế gia đình đang còn khó khăn. Thấy vậy, cháu quyết định đi học nghề dù gia đình khuyên học đại học, ba mẹ sẽ cố gắng được. Thuyết phục mãi mà cháu vẫn kiên quyết đi học nghề.

Bộ GD&ĐT vừa thông tin, đến thời điểm kết thúc đăng ký xét tuyển đại học đợt 1 năm 2023, tổng số thí sinh đã nhập nguyện vọng đăng ký xét tuyển là hơn 660 ngàn thí sinh, tương đương 66% so với số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT 2023 vừa qua. Như vậy, gần 1/3 tổng số thí sinh đã dự thi tốt nghiệp THPT đã không đăng ký xét tuyển vào đại học.

Không phải là con đường duy nhất

Chỉ khoảng hơn 660 ngàn trên tổng số gần 1 triệu thí sinh tốt nghiệp THPT đăng ký vào đại học được cho là việc bình thường, khi các em có những tính toán, định hướng khác sau khi biết điểm thi. Các em nhận thấy, đại học không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công, nên nhiều thí sinh đã mạnh dạn chuyển hướng chọn các lối đi khác.

Một số nguyên nhân khác được đưa ra khiến dẫn đến tỷ lệ đăng ký xét tuyển như trên là số lượng học sinh không học đại học trong nước mà đi du học tăng khá cao; nhiều thí sinh không nắm rõ các quy định tuyển sinh. Một số em vì đã có giấy báo trúng tuyển, nghĩ rằng đã chắc chắn đỗ nên không đăng ký; ở khu vực vùng sâu vùng xa các em còn lúng túng, không thực hiện đúng quy trình đăng ký xét tuyển và không thể loại trừ số lượng thí sinh không đủ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo quy định của các trường đại học…

Dù có nhiều lý do khiến 1/3 thí sinh không đăng ký xét tuyển đại học, song theo các chuyên gia, lý do chính khiến thí sinh không đăng ký xét tuyển là bởi nhiều em chọn con đường học nghề, hoặc chọn làm công việc nào đó để phù hợp với định hướng bản thân, kinh tế gia đình. Việc không đăng ký xét tuyển đại học số lượng lớn như vậy đã thể hiện các em có định hướng rõ ràng hơn tương lai cho mình.

Ông Phạm Bá Hùng, Hiệu trưởng Trường cao đẳng du lịch Huế phân tích, hiện nay nhu cầu của xã hội về thợ lành nghề rất cao, do đó nhiều em đã lựa chọn theo học các trường cao đẳng, trường trung cấp dạy nghề. Nếu thấy năng lực không phù hợp học đại học, mà phù hợp với học nghề hơn, thì việc xác định và đăng ký học nghề ngay từ đầu cũng là một lựa chọn tốt, phù hợp với nhu cầu của xã hội. Đây còn là biểu hiện tích cực cho thấy tiết kiệm thời gian cũng như công sức của ngành giáo dục và toàn xã hội. Đây cũng cho thấy sự phân cấp, phân luồng thí sinh giữa các cấp bậc: đại học, cao đẳng và trung cấp.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Return to top