|
Một tiết học ở Trường tiểu học Số 1 Lộc Trì |
Khó khăn từ thiếu giáo viên
Về Trường tiểu học Số 1 Lộc Trì, chúng tôi nghe được trăn trở từ các thầy, cô giáo về chuyện thiếu giáo viên. Cô giáo Huỳnh Thị Thanh Nga, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, tính thêm 2 giáo viên sắp nghỉ chế độ thai sản, nhà trường thiếu đến 4 giáo viên. Việc hợp đồng giáo viên không thuận lợi, nên nhà trường phải “liệu cơm gắp mắm” bằng cách để ban giám hiệu, tổng phụ trách đảm nhận tăng thêm tiết dạy, vận động các giáo viên cùng khối trong trường dạy thêm số tiết. Tuy nhiên, theo cô Nga, về lâu dài, đây vẫn là một trăn trở rất lớn trước lo ngại đảm bảo chất lượng dạy học.
Khó khăn ở nhiều trường khác còn lớn hơn. Đơn cử như Trường tiểu học Lộc Tiến thiếu đến 6 giáo viên; hay theo tính toán của Trường tiểu học Lăng Cô, số giáo viên mà nhà trường thiếu lên đến 7 người. Thầy giáo Hoàng Ngọc Hiếu, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lăng Cô chia sẻ, số lượng học sinh tăng theo cơ học, trong đó có học sinh từ nơi khác chuyển đến hay doanh nghiệp đến đưa con em về học tại trường.
“So với 3 năm học trước, con số học sinh toàn trường hiện nay tăng lên gần 100 em, năm học này là 1.092 học sinh. Toàn trường hiện có 47 giáo viên. Lẽ ra, trường phải phân 37 lớp, nhưng thiếu giáo viên nên phải gom, ghép lớp, còn 36 lớp. Hiện, ngoại trừ khối lớp 5 nhà trường đang cố gắng xoay sở tổ chức dạy 2 buổi/ngày để đáp ứng việc thay đổi chương trình, áp dụng chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, còn lại các khối lớp khác chưa thể dạy 2 buổi/ngày. Không chỉ thiếu giáo viên dạy các bộ môn, giáo viên 1-1 (giáo viên vừa dạy vừa làm chủ nhiệm) vẫn thiếu. Trong khi nhà trường không có định biên ngân sách cho giáo viên hợp đồng nên khó lại càng khó hơn”, thầy Hiếu trăn trở.
Bà Cái Thị Cẩm Hương, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Lộc chia sẻ, trong thời gian qua, mặc dù được UBND huyện quan tâm tuyển dụng giáo viên nhưng không đủ chỉ tiêu biên chế, số lượng giáo viên các cấp học vẫn còn thiếu, đặc biệt là giáo viên tiểu học. Điều này phần nào ảnh hưởng đến tỷ lệ dạy học 2 buổi/ngày, chất lượng giáo dục và việc thực hiện chương trình GDPT 2018. Theo bà Hương, năm học này, toàn huyện bị cắt giảm 117 biên chế, do trước đó dù có chỉ tiêu tuyển nhưng không đủ người ứng tuyển nên các cơ quan chức năng sắp xếp, tính toán lại theo định biên thực về số lượng giáo viên hiện có. Số lượng biên chế bị cắt giảm nên ngân sách phân bổ lương cũng giảm theo đúng số lượng, không có nguồn ngân sách để hợp đồng giáo viên. Theo thống kê, hiện toàn huyện thiếu gần 100 giáo viên và nhân viên; trong đó nhiều nhất là bậc tiểu học, thiếu 60 giáo viên.
Ở bậc trung học phổ thông cũng có những khó khăn, trong đó nhiều trường chưa có giáo viên dạy bộ môn Khoa học tự nhiên và Lịch sử & Địa lí nên việc phân công giáo viên dạy đơn môn đảm nhận 2 bộ môn này còn gặp nhiều khó khăn. Việc thực hiện dạy học tích hợp quá nhiều nội dung dẫn đến sự lúng túng cho giáo viên khi xây dựng kế hoạch bài dạy cũng như việc giảng dạy trên lớp của giáo viên. Thầy giáo Nguyễn Văn Tuân, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Phú Lộc cho biết, triển khai chương trình GDPT 2018 có tích hợp liên môn, trong khi đa phần giáo viên được đào tạo đơn môn. Để dạy tích hợp liên môn, phải kết hợp nhiều giáo viên. Đó cũng là khó khăn nhiều trường gặp phải.
Tìm giải pháp xoay sở
Thiếu giáo viên ảnh hưởng trực tiếp đến việc đảm bảo tỷ lệ dạy 2 buổi/ngày và chất lượng dạy học. Thực tế, các trường đang linh hoạt để xoay trở trước khó khăn hiện tại, nhưng về lâu dài, vẫn cần những giải pháp thiết thực hơn.
Hiện, đa phần các trường, đặc biệt là bậc tiểu học cố gắng tăng cường vai trò của ban giám hiệu tham gia dạy thêm các tiết học. Một số trường trong điều kiện cho phép hợp đồng giáo viên mới về hưu ở lại giảng dạy. Nhiều đơn vị phải bố trí dạy lớp treo (một giáo viên chủ nhiệm 2 lớp, một lớp sáng và một lớp chiều), dạy tăng tiết để đáp ứng dạy học 2 buổi/ngày theo chương trình GDPT 2018, nhưng điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cái Thị Cẩm Hương trăn trở, giải pháp tình thế là các trường phải bố trí dạy treo, dạy thay, dạy thế. Tuy nhiên, hiệu quả giáo dục thì rất đáng lo. Thực tế, ngay cả công chức Phòng Giáo dục và Đào tạo cũng đang thiếu. “Đội ngũ thiếu chúng tôi rất lo, vì mục tiêu cao nhất là đảm bảo chất lượng giáo dục. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cũng làm tờ trình để trình UBND huyện và làm việc với các phòng ban, đơn vị chức năng để tìm hướng gỡ khó”, bà Hương chia sẻ.
Theo các trường, mong muốn lớn nhất là làm sao đáp ứng được đội ngũ số lượng giáo viên, trước mắt là giáo viên 1-1 ở bậc tiểu học và giáo viên dạy các môn tích hợp ở bậc trung học phổ thông. Chỉ khi giải quyết được khó khăn về giáo viên, những kế hoạch dạy học lâu dài mới có thể đáp ứng được và điều này cần sự quan tâm sâu sát hơn từ các cấp, ngành, đơn vị chức năng.