|
|
Nhà thiết kế Nguyễn Tri Phương Đông. Ảnh: HOÀNG VĂN MINH |
Xin được bắt đầu bằng 11 giải thưởng quốc tế về đồ họa của sinh viên Trường đại học Duy Tân (Đà Nẵng) vừa triển lãm mà ông đã để lại dấu ấn với tư cách “bệ đỡ”, tầm vóc của những giải thưởng này như thế nào và nó có ý nghĩa ra sao đối với sự phát triển trong lĩnh vực đồ họa của một trường đại học như Duy Tân, xa hơn là của miền Trung?
Xin cập nhật mới nhất là 12 sinh viên ngành đồ họa, bao gồm các sinh viên năm ba, tư, năm của Trường đại học Duy Tân, đã đạt được 24 giải thưởng thiết kế quốc tế, từ 2020 đến hôm nay.
Nhìn từ bên ngoài, thì thấy 4 cuộc thi mà các sinh viên đạt giải có 3 cuộc từ Mỹ, 1 cuộc từ Anh. Chúng đều là các cuộc thi quốc tế trong top 20 có uy tín, liên quan đến thiết kế đồ họa. Trên thế giới, có chừng gần 100 cuộc thi thiết kế quốc tế lớn nhỏ các thể loại (kiến trúc, thời trang, sản phẩm, đồ họa, nội thất, multimedia…), đa số là từ các nước phương Tây.
Nhìn từ trong nước, một giảng viên như tôi có thể thấy, không có nhiều trường quan tâm thực sự, hay đúng cách đến chất lượng đào tạo sinh viên thiết kế trong xu hướng thương mại rõ hơn sau đại dịch. Không khó để nhận ra cá nhân sinh viên, sau đó là bộ môn/ngành/khoa/trường thiếu tự tin về thực chất hiệu quả đào tạo của họ.
Để có thành tích cao mà tiếp thị thương hiệu đào tạo là việc không dễ, thậm chí không thể. Có thành tích, hay giải thưởng, trong tổng thể quy trình truyền thông nghề nghiệp, truyền thông thương hiệu, tiếp thị thương hiệu cơ sở đào tạo, cho và vì sinh viên, là ý thức đầu tư dài hơi. Đáng quan tâm là tầm nhìn về việc này, chứ chưa phải là tầm vóc giải thưởng bên ngoài. Bằng không, thành tích sẽ chỉ là những chứng chỉ đoạt giải nghe vui lòng một dạo mà thôi.
Những gì tôi biết từ đồng nghiệp, cũng như qua trao đổi với lãnh đạo khoa của vài trường có đào tạo về thiết kế đồ họa, là thông tin và lượng giải thưởng từ Trường đại học Duy Tân vừa qua, khiến họ và sinh viên được truyền cảm hứng, và quan tâm hơn đến đào tạo và dự thi thực chất.
Theo ông thì xét tổng quan, đồ họa của miền Trung đang gặp những vấn đề gì?
Có lẽ, phải bắt đầu từ đào tạo thiết kế. Trải qua một tiến trình phát triển theo nhau hàng dọc, nhìn nhau hàng ngang, giờ đến lúc, đã biết cách đi chéo (hay mạnh ai nấy đi), đào tạo thiết kế đồ họa miền Trung đang khắc phục điểm yếu cố hữu, là thiếu thực tế, do kinh tế phát triển chưa mạnh. Từng có thời, thiết kế đồ họa ở miền Trung nóng đến mức phải đào tạo đồ họa dưới mã ngành khác, hỗn hợp, kiểu vừa chạy vừa xếp hàng.
|
|
Nhà thiết kế Nguyễn Tri Phương Đông (thứ hai, trái qua) trong một lần trao đổi kinh nghiệm với Ban Biên tập và họa sĩ Báo Thừa Thiên Huế. Ảnh: PHAN THÀNH |
Thêm nữa, tổ chức giáo trình của các cơ sở đào tạo tại miền Trung (và không chỉ nơi đây) thường chưa rõ chủ đích vận dụng và khai thác đặc thù vùng miền, địa phương, hay họ không xem đó là vấn đề, khiến sản phẩm đào tạo/sinh viên thiếu bản sắc, sinh viên ra trường không nhận thấy lợi ích gắn bó với bản địa. Từ hướng nghiệp đến đào tạo bỏ lỡ nhiều cơ hội, dẫn đến hao tổn nguồn lực của gia đình hay xã hội.
Chúng tôi chưa thấy động lực phát triển của thiết kế đồ họa, hay nói khác đi, chỉ là sự phát triển sinh tồn theo thời. Hiện tại, hai thành phố trung tâm miền Trung là Huế và Đà Nẵng, giàu bản sắc cùng cụm di sản “mỏ vàng du lịch” còn chưa có quy hoạch đồ họa cảnh quan, đồ họa thông tin, hay chiến lược truyền thông thương hiệu, làm rõ đặc thù du lịch, thì thiết kế đồ họa ứng dụng cho miền Trung có thể chưa ai suy đoán được.
Một vấn đề là Huế - trung tâm hội họa của miền Trung có lịch sử lâu năm và ngay cả ngành mới là mỹ thuật ứng dụng cũng đã ra đời trên dưới 20 năm, nhưng những thành tựu của sinh viên, ví như giải thưởng quốc tế về đồ họa là chuyện năm thì mười họa. Theo ông, nguyên nhân nằm ở đâu? Vì sao ông không là một trong những bệ phóng cho sinh viên Huế kiểu như Duy Tân của Đà Nẵng?
Thực tế chứng minh, ý niệm cập nhật và tổ chức truyền thông thương hiệu đã đến với nhiều trường đào tạo thiết kế hôm nay, và đã đo lường được hiệu quả rõ ràng. Đã có trường phải giảm “nhiệt” đào tạo thiết kế do quá đông, tổ chức không xuể. Lại có trường không mở ngành được, hay phải hủy lớp vì thiếu sinh viên theo học.
Đào tạo chuyên nghiệp hôm nay là một phức hợp truyền thông đa phương tiện, bắt đầu từ và vì sinh viên, bắt đầu từ thiết kế giáo trình thiết kế - thứ đang hiện hữu chưa đủ đặc thù nghệ thuật ứng dụng, và có lộ trình khắc phục các vấn đề của sự thiếu cập nhật thực tế, thiếu kế hoạch đón đầu, thiếu bản sắc địa phương, thiếu chiến lược truyền thông thương hiệu, thiếu chiến lược nhân sự, thiếu linh hoạt trong đào tạo, thiếu tầm nhìn…
Các trường từng có thương hiệu truyền thống thường ít có động lực mới như các trường trẻ, hay mới mở. Thách thức là luôn phải tạo truyền thống mới, để khi ngày mai đến, hôm nay mới trở thành truyền thống tích cực. Khí quyển trước và sau đèo Hải Vân trước chưa giống nhau, nay càng khác nhau. Đó là sự khác biệt thú vị. Bill Gates từng nói trong hồi ký của mình: “Biết mình muốn gì, sẽ biết cách làm như thế nào”. Trường đại học Nghệ thuật Huế, khi tìm ra bằng được chiến lược hay bản sắc sống còn, khác với các cơ sở đào tạo miền Trung còn lại, sẽ có cách để khơi thông “con sông dùng dằng con sông không chảy” hôm nay.
Và tất nhiên tôi luôn ước mong được làm việc và đào luyện thành tích với sinh viên Mỹ thuật ứng dụng Huế, cũng như với khoa, trường và các thầy cô ở đây.
Xin cảm ơn ông!
Nhà thiết kế Nguyễn Tri Phương Đông tốt nghiệp chuyên ngành Kiến trúc sư tạiTP. Hồ Chí Minh năm 1989; Nhà thiết kế truyền thông tại CHLB Đức năm 1993. Ông là giám đốc nghệ thuật trong quảng cáo cho các thương hiệu quốc gia và đa quốc gia từ 1994; thiết kế định dạng cho 17 thương hiệu. Thiết kế 150 bìa băng đĩa nhạc từ 1996; thiết kế trình bày tuần báo Tuổi trẻ chủ nhật (2004-2005) và có 9 năm thiết kế truyền thông tại Mỹ.
Ông từng giảng dạy tại 4 trường đại học ở TP. Hồ Chí Minh, dạy thiết kế trực tuyến từ 2018 và hiện là giảng viên thỉnh giảng của Trường đại học Duy Tân (Đà Nẵng) và Văn Lang (TP. Hồ Chí Minh). Đặc biệt, trong vai trò giảng viên, từ 2016 đến nay, ông đã trực tiếp hướng dẫn 16 sinh viên của 4 trường trong và ngoài nước, đoạt 30 giải thưởng tại 4 cuộc thi thiết kế quốc tế, với đủ các hạng giải thưởng như vàng, bạc, đồng, khuyến khích và bằng khen đặc biệt.
Từ năm 2014 đến 2020, ông Nguyễn Tri Phương Đông đã đoạt 8 giải thưởng về thiết kế trình bày, minh họa, lịch, Logo, thương hiệu tại 2 cuộc thi thiết kế quốc tế GDUSA và IDA (Mỹ).
|