|
Sinh viên Khoa Báo chí – Truyền thông thực hành quay phim |
Căng đầy nhiệt huyết
Gặp Nguyễn Văn Luân một vài lần ở các sự kiện. Cứ nghĩ đây là một phóng viên mới của một cơ quan báo chí nào đó, vì vẻ bề ngoài toát lên sự chín chắn của một phóng viên đã có kinh nghiệm làm nghề. Ấn tượng với chàng trai này nhất là khi cùng tham gia tác nghiệp ở trận lũ lụt tháng 10/2023 tại khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh, TP. Huế. Chứng kiến chàng trai này tác nghiệp, cảm nhận sự nhiệt huyết với nghề, tác phong nhanh nhẹn và cả tính chuyên nghiệp của một phóng viên hiện trường.
Hỏi ra, Nguyễn Văn Luân chỉ đang là sinh viên năm 4 của Khoa Báo chí – Truyền thông, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế. Luân kể, hôm lũ lụt, em chạy xe máy đi làm như kế hoạch được thống nhất với anh phóng viên thường trú tại Thừa Thiên Huế, nhưng ra được một đoạn thì xe bị chết máy do ngập, em phải để xe ở dọc đường và bắt đầu đi bộ để tác nghiệp. Đầu tiên em đi tìm một cửa hàng bán áo phao để bảo vệ an toàn cho mình khi đi làm mùa lũ. Máy ảnh, điện thoại và laptop được bọc thêm dụng cụ bảo vệ chuyên dụng.
Tìm hiểu những khu vực thấp trũng, dễ ngập ở TP. Huế, Luân đến khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh, nơi có nhiều phòng trọ sinh viên bị ngập do lũ lụt. Hôm đó, Luân đi bộ trên dưới 20km để tác nghiệp. Như kế hoạch ban đầu, phóng viên hiện trường sẽ gửi thông tin, hình ảnh, video về cho phóng viên ở cơ quan xử lý. Thành quả phối hợp tác nghiệp hôm đó là khoảng 10 tin, bài thời sự được cập nhật trên Báo Lao động điện tử.
Dù đang còn là sinh viên, song bút danh Nguyễn Luân trên Báo Lao động đã được nhiều bạn đọc biết đến. Hiện Nguyễn Văn Luân được ghi nhận là CTV đắc lực của báo này. Luân chia sẻ, trong một lần khoa tổ chức chương trình talkshow có mời nhiều phóng viên của các cơ quan báo chí đến chia sẻ kinh nghiệm làm báo, em đã làm quen và kết nối được với các phóng viên. Báo Lao động điện tử khai thác những thể tài báo chí đa phương tiện mà em có thế mạnh. Qua kết nối, em đã quen được phóng viên thường trú của Báo Lao động và từ đó trở thành CTV.
Làm báo sớm, không chỉ giúp sinh viên có kỹ năng và sẵn sàng cho công việc sau khi ra trường, mà còn là cách mà nhiều sinh viên kiếm được thu nhập từ nhuận bút tin bài. Qua gần 2 năm cộng tác cho Báo Lao động, mỗi tháng Nguyễn Văn Luân được báo trả nhuận bút trung bình khoảng 4 triệu đồng. Tại Khoa Báo chí – Truyền thông không chỉ có Luân mà nhiều sinh viên khác cũng đã trở thành những CTV thường xuyên của nhiều tờ báo. Có thể kể đến Nguyễn Thị Thu Mai, sinh viên năm 4 là CTV của Báo Nhân dân và Báo Tiền phong. Trước đó, Mai là CTV chương trình Tạp chí sinh viên của Đài Phát thanh & Truyền hình tỉnh Thừa Thiên Huế. Ngoài ra, Mai còn là CTV của một số đơn vị truyền thông... Việc viết báo và làm truyền thông giúp Mai có thu nhập để trang trải học phí. Tuy không quá nhiều, nhưng đủ để đóng học phí 4 năm đại học qua.
Chú trọng đào tạo thực tiễn
Nguyễn Thị Thu Mai chia sẻ, với sinh viên học báo chí, bên cạnh nhiệt huyết phải có sự mạnh dạn. Em đã tự tìm hiểu và nghiên cứu về chuyên trang Sinh viên Việt Nam của Báo Tiền phong. Sau đó, thông qua một CTV, em có thông tin của người biên tập viên chuyên trang này. Em gửi bài đến kèm theo một bảng giới thiệu bản thân. Hai ngày sau, chị đó phản hồi và bài cũng được đăng tải vào ngày hôm sau. Từ đó đến nay, em thường xuyên viết bài và 100% bài của em được đăng.
“Khi cộng tác với bất kỳ cơ quan nào, em luôn cầu thị, học hỏi, không ngại khó, ngại khổ và cố gắng hoàn thành các công việc đúng tiến độ, đúng hạn. Khi ở trường em luôn cố gắng học tập tốt, bởi chỉ khi nắm vững kiến thức đã học mới có thể vận dụng hiệu quả vào quá trình viết bài khi cộng tác với các báo”, Nguyễn Thị Thu Mai cho biết.
Đối với Nguyễn Văn Luân, việc gắn chặt giữa học kiến thức trên trường vào quá trình tác nghiệp thực tế, giúp hoàn thiện các tin bài. Theo Luân, trong quá trình sản xuất một sản phẩm báo chí, luôn bắt đầu bằng những kiến thức cơ bản được học trên ghế nhà trường. Ví dụ như một sản phẩm video, phải chỉn chu những cỡ cảnh, đầy đủ các cỡ hình cho sản phẩm video đó và sắp xếp các cỡ cảnh theo thứ tự phù hợp. Tạo nên một lộ trình sản xuất trơn tru và hiệu quả.
ThS. Trần Thị Phương Nhung, Phó khoa Báo chí – Truyền thông, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế cho biết, thời gian qua, khoa đã tăng cường các môn học kỹ năng, thực hành cho sinh viên; giảm tải bớt các môn học lý thuyết, những môn học không còn phù hợp với thực tiễn nghề nghiệp để tăng cường các môn thực hành. Các môn học kỹ năng thực hành không chỉ được đưa vào cuối năm thứ 3 và thứ 4 như trước đây, mà được dạy từ học kỳ 2 của năm nhất để giúp sinh viên tiếp cận sớm với nghề. Phương pháp giảng dạy thực hành cũng có nhiều đổi mới, nhiều dự án trang cấp cơ sở vật chất cho khoa đã giúp cho các bạn sinh viên được học và thực hành trong một môi trường chuyên nghiệp, được sử dụng các trang thiết bị hiện đại để tạo ra các sản phẩm báo chí và truyền thông.
Để giúp sinh viên hiểu thêm về nghề và được truyền tải kinh nghiệm, kỹ năng thực tiễn, Khoa Báo chí – Truyền thông thường xuyên mời các phóng viên, biên tập viên, chuyên gia truyền thông, nhà tuyển dụng… tham gia vào các lớp học và trực tiếp đánh giá sản phẩm của sinh viên. Điều này đã tạo ra rất nhiều hứng thú cho sinh viên, giúp có thêm nhiều kỹ năng nghề nghiệp. Để giúp sinh viên sớm tiếp cận với nghề nghiệp, khoa đã tăng thời gian thực tập, thực tế, đưa sinh viên về các cơ quan tòa soạn báo chí, doanh nghiệp truyền thông ngay từ năm thứ 2. Đồng thời, tăng thời gian thực tập của sinh viên năm cuối. Kết quả là rất nhiều sinh viên đã sớm trở thành nhân viên tập sự tại các công ty truyền thông, CTV các cơ quan báo chí ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.