ClockThứ Ba, 11/10/2022 08:55

Tăng “thực quyền” của hội đồng trường

TTH - Vấn đề hội đồng trường (HĐT) trong bối cảnh tự chủ đại học (ĐH) được đề cập nhiều trong thời gian qua. Tuy hiện nay vai trò HĐT được phát huy rõ hơn, nhưng không ít băn khoăn cho thấy vẫn còn nhiều việc phải làm để tổ chức này có thực quyền.

Phân cấp thẩm quyền, hướng đến thực hiện tự chủ đại họcSố hoá trong nghiên cứu cơ bản và ứng dụng và công nghệ hóa học

Hội đồng trường có vai trò thông qua các đề án tuyển sinh

Chuyển động tích cực

Mới đây, HĐT Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế đã ký quyết định thành lập Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học Công nghệ và Trường THPT Chuyên Khoa học Huế trực thuộc Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế (trên cơ sở quyết định cho phép của UBND tỉnh). TS. Bùi Quang Vũ, Quyền Chủ tịch HĐT Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế cho biết, đó là một trong những minh chứng cho thấy vai trò của HĐT. Trước đây, việc thành lập, sáp nhập, tái cấu trúc mô hình, bộ máy đơn vị thuộc và trực thuộc do ĐH Huế quyết, nhưng nay đã phân quyền cho các HĐT.

Vai trò của HĐT trên thực tế còn phát huy nhiều hơn. Theo TS. Bùi Quang Vũ, nếu trước đây, mô hình HĐT được xem như là hội đồng sư phạm, không ban hành các quyết sách thì nay HĐT thông qua các đề án tuyển sinh, kế hoạch năm học, kế hoạch tài chính hàng năm…

Sự thay đổi thể hiện rõ sau khi Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH (Luật số 34/2018/QH14, có hiệu lực từ ngày 1/7/2019) và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP của Chính phủ ban hành hướng dẫn thi hành và thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục ĐH (có hiệu lực từ ngày 15/2/2020). Năm 2020, Hội đồng ĐH Huế đã có nhiều quyết định công nhận HĐT của các trường, công nhận chủ tịch HĐT và giao quyền chủ tịch HĐT nhiệm kỳ 2020-2025 ở các trường.

TS. Phan Lê Chung, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐT Trường ĐH Nghệ thuật, ĐH Huế chia sẻ, với mô hình hoạt động hiện nay, sự phân vai rõ ràng hơn nhằm giám sát, tránh quyền lực tập trung vào một người, hướng đến sự phát triển chung. Trong đó, HĐT là tổ chức quản trị, thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan, giữ vai trò quản trị nhà trường theo quy chế tổ chức và hoạt động của trường và quy định của pháp luật; triển khai các Nghị quyết của Đảng ủy, thực hiện vai trò quản trị và giám sát, định hướng chiến lược, kế hoạch phát triển của nhà trường.

Còn không ít băn khoăn

So với giai đoạn trước, vai trò của HĐT thể hiện rõ hơn. Song, vẫn còn không ít băn khoăn về cơ chế hoạt động, mối quan hệ công tác giữa Đảng ủy - HĐT - ban giám hiệu.

Theo PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng ĐH Huế, khi Quốc Hội ban hành Luật số 34/2018/QH14 đồng nghĩa với việc yêu cầu một sự thay đổi rất lớn trong cả nhận thức và hành động về tổ chức quản trị, quản lý, điều hành ĐH theo đúng các chủ trương lớn của Đảng và yêu cầu thay đổi phương thức quản trị ĐH theo cấu trúc kiểu tập quyền (tức mọi cơ sở đào đào tạo ĐH đều có cơ quan/bộ chủ quản, thủ trưởng đơn vị là người được cơ quan chủ quản giao quyền quản lý nhà trường, trường không được quyền tự chủ) chuyển sang phương thức quản trị theo kiểu tự quản và tự chịu trách nhiệm giải trình của cơ sở đào tạo ĐH với xã hội.

Tuy nhiên, từ khi Luật số 34/2018/QH14 và Nghị định 99/2019/CP-NĐ có hiệu lực đến nay, ngoài 23 trường ĐH được phép thí điểm thực hiện tự chủ ĐH theo Nghị quyết 77 của Chính phủ giai đoạn 2014-2017; còn hầu hết các cơ sở giáo dục ĐH công lập khác đều đang nhận thức và hoạt động nửa theo phương thức thứ nhất, nửa theo phương thức thứ hai, ranh giới chưa rõ ràng, mọi công tác kiểm tra, giám sát, thúc đẩy từ cơ quan quản lý Nhà nước đang chậm so với vấn đề thực thi pháp luật của các cơ sở giáo dục ĐH tiến đến tự chủ đúng nghĩa, song song với đó sự không đồng nhất hay còn gọi là ma trận chồng chéo giữa các văn bản luật, dưới luật gây khó khăn và từ đó làm chậm tiến độ thực hiện quản trị và tự chủ ĐH đúng nghĩa…

Theo TS. Bùi Quang Vũ, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII đã nêu rõ HĐT là cơ quan thực quyền cao nhất của trường ĐH; Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐT. Song, do vấn đề “lịch sử để lại”, các văn bản hướng dẫn còn chậm nên nhiều trường trong cả nước thực hiện bầu Đảng ủy theo nhiệm kỳ rồi đến hiệu trưởng, sau đó mới bầu HĐT. “Đối với những đơn vị Chủ tịch HĐT - Hiệu trưởng đồng lòng thì dễ dàng trong phân quyền, hoạt động, ngược lại cũng sẽ có những khó khăn”, TS. Vũ phân tích.

Đại diện HĐT một số trường chia sẻ, điểm khó nữa là đối với ĐH vùng, hiện chưa có quy định thực sự cụ thể về vai trò của HĐT thành viên trong ĐH vùng. Đồng thời, thiếu đội ngũ chuyên trách, cơ quan giúp việc của HĐT.

Cần nhiều giải pháp

TS. Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, cao đẳng Việt Nam trong một trao đổi, khẳng định: “Trong tự chủ ĐH, Nhà nước không thể trao quyền tự chủ trường ĐH cho một cá nhân mà phải cho một tập thể lãnh đạo và tập thể đó phải thực sự là tổ chức quyền lực cao nhất trong trường, đó chính là HĐT.

Xác định vai trò của HĐT đồng nghĩa sự phân vai cần rõ ràng, nhất là mối quan hệ công tác giữa Đảng ủy - HĐT - Ban giám hiệu các trường, tiến tới rà soát, thực hiện đúng tinh thần của Nghị quyết 19-NQ/TW liên quan đến yêu cầu Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐT để thống nhất trong lãnh đạo và quản trị.

ĐH Huế cũng cần phân quyền rõ hơn, phát huy vai trò của các HĐT thành viên trong ĐH vùng, đồng thời cần nghiên cứu, bổ sung cán bộ, cơ quan giúp việc cho HĐT theo đúng mô hình hoạt động hiệu quả.

Để HĐT có thực quyền và hoạt động hiệu quả thì phải xây dựng được quy chế hoạt động của HĐT trong mỗi cơ sở ĐH. Quy chế xây dựng phải có chất lượng, phản ánh đúng thực quyền của HĐT. Đồng thời, cần nâng cao năng lực quản trị cho HĐT. HĐT am hiểu về quản trị ĐH, có năng lực tư vấn thì mới có những quyết sách đúng và trúng. Đồng thời, cũng cần có cơ chế phối hợp nhịp nhàng, tạo sự đồng thuận giữa HĐT - ban giám hiệu, hướng đến mục tiêu xây dựng và phát triển nhà trường.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Trường - Viện” và yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao - Kỳ 1: Gắn kết hữu cơ giữa các thực thể

Mô hình “Trường - Viện” đã minh chứng mang lại hiệu quả thiết thực trước yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao như hiện nay. Mô hình này của Trường đại học Y - Dược, Đại học Huế (ĐHH) đã được Ban Tuyên giáo Trung ương chọn là điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2024.

“Trường - Viện” và yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao - Kỳ 1 Gắn kết hữu cơ giữa các thực thể
Giá vé máy bay toàn cầu sẽ tăng trở lại trong năm 2025

Theo dự báo của Công ty tư vấn American Express Global Business Travel Group (Amex GBT), giá vé máy bay toàn cầu sẽ đắt hơn vào năm 2025, ngay cả khi mức tăng ở mức vừa phải. Theo đó, giá vé phản ánh chi phí cao hơn và tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài.

Giá vé máy bay toàn cầu sẽ tăng trở lại trong năm 2025

TIN MỚI

Return to top