|
Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo |
Năm học qua, Thừa Thiên Huế đạt nhiều thành tích nổi bật trong giáo dục. Ông có thể chia sẻ thêm những kết quả ấn tượng đã đạt được?
Năm học qua, chúng ta vừa có học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, vừa có học sinh vào vòng chung kết “Đường lên đỉnh Olympia”, học sinh đạt giải tại các cuộc thi khoa học kỹ thuật, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo toàn quốc. Số lượng học sinh đạt giải quốc gia tiếp tục khẳng định vị trí trong top 10 khi có 74/93 học sinh dự thi đạt giải, đạt tỷ lệ 79,6% (tỷ lệ đạt giải trung bình toàn quốc đạt 55,79%); có 7 học sinh được chọn vào vòng dự tuyển thi quốc tế, trong đó có 1 học sinh được chọn vào đội tuyển thi quốc tế môn sinh học và đoạt Huy chương Bạc. Tỷ lệ học sinh thi đỗ vào đại học và nhập học tiếp tục đứng tốp dẫn đầu của quốc gia. Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua diễn ra an toàn, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đạt 99,4%...
Những kết quả này thể hiện sự nỗ lực, đồng thời tạo ra niềm tin và hy vọng cho năm học mới 2024 - 2025 sẽ đạt những kết quả tốt hơn về việc đổi mới chương trình GDPT cũng như nâng cao chất lượng dạy học, duy trì kết quả thành tích mũi nhọn, kết quả học sinh giỏi quốc gia, quốc tế.
Ngành giáo dục cũng đang đứng trước những khó khăn, như: Vị thứ phổ điểm tốt nghiệp THPT chưa như kỳ vọng, điểm trung bình của nhiều môn chỉ tiệm cận điểm trung bình chung của quốc gia. Đời sống của đội ngũ giáo viên ở vùng sâu, vùng xa còn khó khăn… Là “tư lệnh” ngành, ông trăn trở gì về những vấn đề này?
Những chỉ tiêu đạt được dù có tăng, nhưng vẫn chưa đáp ứng vị thế cũng như truyền thống của vùng đất hiếu học. Đây là điều ngành giáo dục Thừa Thiên Huế cần tiếp tục khắc phục, phát huy. Tỷ lệ phổ điểm tốt nghiệp phổ thông chỉ mới tăng lên 3 bậc so với năm trước. Năm nay, ngành tiếp tục có nhiều giải pháp phù hợp để cải thiện vị thứ này trên cơ sở phân tích kết quả của kỳ thi vừa rồi. Phổ điểm các môn tự nhiên lý, hóa nằm ở tốp 10 quốc gia nhưng một số môn xã hội còn thấp, như sử, địa, giáo dục công dân. Giải pháp khắc phục cũng không khó, chỉ cần các trường chú trọng sẽ tạo ra sự thay đổi.
|
Năm nay, cầu truyền hình chung kết "Đường lên đỉnh Olympia" tiếp tục về với Huế |
Về khó khăn của đội ngũ giáo viên vùng sâu, vùng xa, thực sự chúng tôi rất quan tâm đến điều kiện tổ chức dạy học ở những vùng này. Ngành phối hợp với công đoàn tăng cường các điều kiện cơ sở vật chất cũng như động viên tinh thần cho đội ngũ giáo viên ở vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, đây cũng chỉ mới mang tính chất động viên còn chế độ chính sách phải theo quy định chung của Nhà nước.
Ngành luôn ưu tiên bố trí nguồn lực và có chính sách phù hợp đối với giáo dục những vùng còn khó khăn, đặc biệt là hai huyện miền núi A Lưới, Nam Đông và huyện có học sinh vùng đồng bào dân tộc; bảo đảm các vùng đủ điều kiện để thực hiện tất cả nhiệm vụ về đổi mới giáo dục. Với những giáo viên dạy lâu năm, ngành thường xuyên tạo điều kiện để điều chuyển về dạy gần nhà, giải quyết một phần khó khăn. Điều này không phải một sớm một chiều có thể giải quyết hết được, mà phải từng bước. Quan trọng là, đội ngũ giáo viên phải nỗ lực vượt qua khó khăn bằng tình yêu nghề cũng như trách nhiệm với học sinh để thực hiện tốt vai trò, sứ mạng của giáo viên, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Ngành GD&ĐT chuẩn bị như thế nào cho năm học mới?
Năm học 2024 - 2025 được xác định là năm học quan trọng khi triển khai đồng bộ Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 ở tất cả các lớp. Lần đầu tiên, các kỳ thi tuyển sinh đầu cấp và Kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức theo Chương trình GDPT 2018. Ngành giáo dục sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ về đổi mới giáo dục, đặc biệt tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ hiệu quả Chương trình GDPT 2018, chương trình giáo dục mầm non mới. Sở GD&ĐT đã rà soát lại các điều kiện để thực hiện đổi mới chương trình GDPT, từ đội ngũ đến cơ sở vật chất, tập huấn, chuẩn bị sách giáo khoa cho học sinh, nhất là với lớp 5, lớp 9 và lớp 12. Chú trọng các hoạt động sinh hoạt chuyên môn, áp dụng triệt để đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, đánh giá.
Ngành cũng phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của người dạy và người học thông qua khai thác tối đa hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào công tác quản lý, dạy và học. Khai thác tối đa ưu điểm của Chương trình GDPT 2018, khuyến khích và tạo môi trường để giáo viên, học sinh phát huy tính chủ động, sáng tạo thông qua nhiều hoạt động giáo dục trong và ngoài nhà trường, các chương trình giáo dục địa phương…
Những mục tiêu ngành giáo dục Thừa Thiên Huế đặt ra trong thời gian tới là gì, thưa ông?
Mục tiêu trước mắt và lâu dài ngành giáo dục hướng đến là thực hiện tốt chương trình đổi mới GDPT. Đặc biệt, tất cả các điều kiện về cơ sở vật chất cũng như đội ngũ thực hiện đảm bảo theo đúng mục tiêu của chương trình GDPT mới, hoàn thành lộ trình đổi mới GDPT 2020 - 2025.
Thứ nữa, phải giải quyết tốt những tồn tại trong việc thực hiện nhiệm vụ GDPT của năm học 2024 - 2025, vượt qua khó khăn và phấn đấu nằm trong tốp đầu của toàn quốc, không chỉ về chất lượng mà cả về sáng tạo trong đội ngũ, môi trường giáo dục trong nhà trường, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia… để tạo ra điều kiện dạy và học tốt nhất. Từ đó, có được môi trường trường học hạnh phúc, được hình thành trên cơ sở tổng hòa của tất cả các yếu tố trên. Đó là sự thân thiện, bình đẳng trong những điều kiện phù hợp, tạo ra sự tôn trọng trong nhà trường.
Sở GD&ĐT sẽ phối hợp với các địa phương tiến hành rà soát điều kiện tổ chức dạy học, đặc biệt các điều kiện về phòng học, thực hành, nhà đa năng, sân chơi bãi tập để tham mưu lãnh đạo tỉnh ban hành một đề án đầu tư công cho giáo dục giai đoạn 2025 - 2030 nhằm đáp ứng phát triển giáo dục tỉnh nhà trong giai đoạn mới, gắn liền với tập trung đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ đổi mới theo Kết luận 91 của Bộ Chính trị.
Hoàn thành việc rà soát mạng lưới trường học theo Nghị quyết 135 HĐND tỉnh đã phê duyệt. Trên cơ sở đó, đánh giá và sắp xếp bố trí hợp lý cán bộ, giáo viên phù hợp với năng lực, điều kiện công tác cũng như đưa ra các kế hoạch tuyển dụng, bồi dưỡng, sử dụng hợp lý nhằm khắc phục các bất cập hạn chế về thừa thiếu mà một số đơn vị đã và đang gặp phải trong năm học này và nhiều năm trước đó.
Xin cảm ơn ông!