“Mốt” độc hại của giới trẻ
Hút thuốc lá điện tử đang là “mốt” trong giới học sinh hiện nay. “Ban đầu em sử dụng cũng vì tò mò. Thấy bạn bè rủ rê, bảo là để thể hiện bản lĩnh, nhìn rất “ngầu” nên em cũng dùng thử cho biết”, N.N.H, học sinh một trường THPT trên địa bàn tỉnh cho hay.
Sau những giờ học, quán café, giải khát gần trường là địa điểm quen thuộc của các bạn học sinh, trong đó có N.H.T, một học sinh trường THPT trên địa bàn TP. Huế. Hút thuốc lá điện tử và nhả khói không ngừng với đủ hình dạng khác nhau, N.H.T cho biết: “Theo dõi trên mạng xã hội, em thấy người nổi tiếng ở nước ngoài đã sử dụng thuốc lá điện tử này và thấy rất thích thú. Có nhiều người bảo thuốc lá điện tử này có hại, nhưng cũng có nhiều người bảo là không hại gì cả”.
Không chỉ học sinh THPT, nhiều em học sinh đang học tại các trường THCS nhưng đã đua đòi, “học hỏi” theo các anh lớn sử dụng thuốc lá điện tử. Chị L.T.H, phụ huynh có con đang học THCS cho biết, chị vô cùng ngạc nhiên khi cô con gái đang học lớp 9 kể rằng, trong lớp của con có những bạn hút thuốc lá điện tử và thuốc lá thơm.
Khi mới du nhập vào Việt Nam, thuốc lá điện tử được mời gọi bằng những lời hấp dẫn, như: không ảnh hưởng đến người xung quanh, tạo mùi thơm miệng, ít gây bệnh và đặc biệt giúp cai thuốc lá truyền thống hiệu quả… Với những lời quảng cáo nghe rất êm tai, thuốc lá điện tử đã dễ dàng thu hút các em học sinh và xâm nhập vào môi trường học đường. Với giá từ 400 ngàn đồng đến hơn 2 triệu đồng, các em dễ dàng “chốt đơn” hàng từ các shop bán hàng online. Theo hiệu trưởng các trường trên địa bàn, nhà trường khó phát hiện học sinh hút thuốc lá điện tử, thường mỗi khi phát hiện được là nhờ có học sinh khác báo. Số này chưa nhiều, nhưng nguy cơ len lỏi vào học đường là điều khó tránh.
Hậu quả khôn lường
Nhiều “tai nạn” liên quan đến việc hút thuốc lá điện tử cho thấy tác hại của loại chất kích thích này. Mới đây nhất, cuối tháng 12/2020, một nam sinh lớp 8 ở TP. Đà Nẵng đã bị ngất xỉu sau khi hút thuốc lá điện tử.
Nguyên liệu để hút thuốc là “tinh dầu”. Nghiên cứu của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) đã chỉ ra, trong thành phần của những lọ tinh dầu này có chất nicotine và các chất hướng thần, gây ảo giác kích thích thần kinh. Việc sử dụng nicotine với nồng độ cao sẽ gây ảnh hưởng đến não và hệ thần kinh, làm tăng huyết áp, tăng nhịp tim. Một số trường hợp nghiện và dùng liều lượng lớn nicotine sẽ gây loạn nhịp tim có thể gây suy tim, tử vong.
Nhiều bậc phụ huynh có khi không hề biết đến thuốc lá điện tử. Vì vậy, thậm chí nếu có vô tình nhìn thấy “điếu thuốc” này, phụ huynh cũng chỉ xem đó là một món đồ chơi. Các nghiên cứu cũng cho thấy, những người trẻ tuổi đã sử dụng thử thuốc lá điện tử có nguy cơ bắt đầu sử dụng thuốc lá thông thường cao hơn 3,5 lần so với nhóm người không dùng thuốc lá điện tử. Trong thuốc lá điện tử có 15 ngàn loại hương vị, nảy sinh nguy cơ trộn hương vị và cả chất ma túy; người hút dễ phơi nhiễm các chất độc gây bệnh ung thư, tim mạch, hô hấp, ảnh hưởng đến phát triển trí não.
Tại hội nghị trực tuyến về tác hại của thuốc lá điện tử do Bộ GD&ĐT tổ chức, con số 2,6% học sinh trong độ tuổi từ 13-17 sử dụng thuốc lá điện tử được đưa ra là rất đáng báo động. Nếu không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả, kịp thời, tỷ lệ này sẽ còn tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.
Nội dung tuyên truyền về phòng chống tác hại của thuốc lá nói chung và thuốc lá điện tử nói riêng đã được đưa vào chương trình giáo dục tại các bậc THCS, THPT với nhiều hình thức đa dạng. Mặc dù vậy, do tâm lý tuổi học trò muốn tìm hiểu, khám phá điều mới, không ít học sinh THCS, THPT vẫn muốn “trải nghiệm” dù biết tác hại của việc sử dụng thuốc lá điện tử. Thế nên, các bậc phụ huynh khi thấy các con có những lọ tinh dầu, thấy mùi thơm khác lạ trong phòng thì cần kiểm tra, nhắc nhở các em không nên sử dụng.
ĐĂNG TRÌNH