Đó là nhận định thực tế được đưa ra trong một nghiên cứu của hai học sinh lớp 10 Nguyễn Thị Tường Vy và Nguyễn Trần Thắng Trung, Trường THPT Trần Văn Kỷ (huyện Phong Điền) trong đề tài “Những vấn đề tâm lý khi học online của học sinh THPT trên địa bàn huyện Phong Điền: Thực trạng và giải pháp”. Đề tài này vừa được vinh danh giải ba tại cuộc thi Khoa học – Kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học, năm học 2021-2022.
Đôi bạn Nguyễn Thị Tường Vy và Nguyễn Trần Thắng Trung. Ảnh: T. T
Học sinh đối mặt nhiều áp lực
“Kể từ khi chuyển từ hình thức học trực tiếp sang học online vì đại dịch COVID-19, mình bắt đầu cảm thấy lo lắng và không thoải mái. Cảm giác lo lắng ngày càng gia tăng khi một thời gian dài mình không được đến trường và quá trình học online diễn ra nhiều lần và đột ngột làm xáo trộn cuộc sống học tập cũng như sinh hoạt hằng ngày của mình”, một học sinh đã chia sẻ như thế khi được nhóm thực hiện đề tài phỏng vấn.
Cùng với phương pháp phỏng vấn, hai bạn thực hiện đề tài đã khảo sát hơn 1.500 học sinh, giáo viên và phụ huynh thuộc 4 trường THPT trên địa bàn huyện Phong Điền. Và có rất nhiều điều bất ngờ được làm sáng tỏ, chỉ rõ những âu lo trong thời gian dài học sinh phải đối mặt với việc học online liên tục do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Hơn ai hết, chính Tường Vy và Thắng Trung cũng nằm trong đối tượng nghiên cứu, nên hai bạn trẻ hiểu vấn đề mà chính mình gặp phải và cần tìm lời giải đáp. Ở đó, cả hai đã thấu hiểu bạn bè mình với những rắc rối gặp phải trong quá trình học online cũng như áp lực của việc học.
“Nhiều bạn nói rằng cảm thấy khó chịu, thường xuyên đau đầu, mất ngủ, đau mắt, khó tập trung, sức học giảm sút. Một số bạn khác luôn có cảm giác hồi hộp, lo lắng, uể oải và cáu gắt vô cớ, căng thẳng…”, Tường Vy cho hay trong quá trình phỏng vấn bạn bè đồng trang lứa.
Quá trình tìm hiểu ở thầy cô và phụ huynh, họ thừa nhận thực trạng học online kéo dài đã ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý các em. Một số thầy cô cho rằng, nhiều em không chú tâm trong quá trình học online nên lực học giảm sút so với những năm trước, một số mất tập trung, lười tương tác…
“Trước khi học online, con tôi hoạt bát và hay trò chuyện với bố mẹ. Nhưng kể từ khi học online, tôi thấy con tôi ngày càng trầm tính, có đôi lần tỏ thái độ cáu gắt với anh chị em trong gia đình. Tôi hỏi có chuyện gì thì cháu không nói và chỉ ru rú trong phòng”, một phụ huynh đã nói như thế về con mình trong quá trình trả lời Tường Vy, Thắng Trung.
Đưa ra nhiều giải pháp khắc phục
Theo Vy và Trung, để giúp học sinh giảm bớt căng thẳng, âu lo, nhà trường cần xây dựng kế hoạch chiến lược lâu dài để hỗ trợ tư vấn tâm lý cho học sinh, vì dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, học online có thể kéo dài trong tương lai. Thường xuyên có sự liên hệ và phối – kết hợp giữa nhà trường – phụ huynh – chính quyền để có những giải pháp phù hợp và kịp thời nếu phát hiện những vấn đề tâm lý khi học onine của học sinh THPT.
Cùng với đó, cần thiết kế cẩm nang tư vấn hỗ trợ tâm lý dành cho học sinh, trong đó chú trọng đến những biểu hiện về hành vi, cảm xúc và thể chất của học sinh khi học online để giáo viên và phụ huynh nhận diện, phát hiện sớm nhằm có sự tư vấn và hỗ trợ cho học sinh.
Ở góc độ phụ huynh, hai bạn trẻ cho rằng đây là những người gần gũi với con em trong quá trình học online tại nhà. Vì thế, phụ huynh cần trao đổi, lắng nghe, trò chuyện, thấu hiểu và chia sẻ với con mình.
Không dừng lại, đôi bạn trẻ đề nghị những bậc làm cha, làm mẹ cần phải tạo môi trường học tập thoải mái cho con mình như: không gian học tập đầy đủ ánh sáng, thông thoáng, yên tĩnh, thời gian học tập không bị rối nhiễu… Trong quá trình đó, trao đổi thường xuyên với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn của con để nắm bắt được kịp thời tình hình học tập, tâm tư, nguyện vọng của con em mình.
Riêng về học sinh, đối tượng đang đối mặt với những khó khăn, bằng kinh nghiệm của mình, cả hai học sinh này cho rằng, cần phải tuân thủ đồng hồ sinh học cơ thể, thường xuyên tập thể dục, chia sẻ khó khăn của bản thân cho phụ huynh, giáo viên biết. Ngoài ra, cần tập thư giãn, hít thở, tránh các chất kích thích… cũng như xây dựng động lực, tinh thần tự giác học tập cho bản thân và xác định mục tiêu học tập một cách chi tiết để tạo cảm hứng.
“Ở góc độ xã hội, tụi em cũng mong muốn cần thiết lập những trung tâm tư vấn hỗ trợ tâm lý chuyên trách để kịp thời giải quyết những vấn đề tâm lý mắc phải của học sinh. Quan trọng không kém đó là đường dây nóng, đảm bảo quyền riêng tư để học sinh có thể tâm sự mỗi khi có vấn đề tâm lý”, hai bạn trẻ chia sẻ.
Cô Nguyễn Thị Thanh Tuyền, giáo viên Trường THPT Trần Văn Kỷ - người trực tiếp hướng dẫn hai bạn thực hiện đề tài này khẳng định, đây là vấn đề hay và có tính thời sự. Theo cô Tuyền, cách nghiên cứu của hai em rất khoa học, sáng tạo và đặc biệt nhiệt huyết với đề tài mà mình nghiên cứu. “Thành công của đề tài này, theo tôi, đó là nhóm nghiên cứu chỉ ra thực trạng học sinh gặp phải những vấn đề tâm lý khi học online để từ đó đưa ra những giải pháp cụ thể, thiết thực giúp nhà trường, xã hội, phụ huynh và bản thân học sinh có cách ứng phó phù hợp, kịp thời”, cô Tuyền nhìn nhận.
NHẬT MINH - QUỲNH VIÊN