Bộ Tư pháp đang chuẩn bị tổ chức cuộc họp thẩm định dự thảo Nghị định quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì soạn thảo.
Gây hoang mang lo lắng cho các bậc cha mẹ, bức xúc dư luận xã hội
Báo cáo mà Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi tới Bộ Tư pháp cho thấy, nhiều cơ sở giáo dục chưa tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn cho trẻ em, học sinh nên thời gian qua liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn thương tích, trong đó có những vụ gây hậu quả nghiêm trọng. Một số cơ sở giáo dục vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn lao động, phòng chống cháy nổ.
Trong khi đó, tình trạng bạo lực học đường, các vụ việc xâm hại trẻ em, học sinh ngày càng tăng, tính chất mức độ ngày càng diễn biến phức tạp.
Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy từ đầu năm 2014 đến năm 2015, trên cả nước đã xảy ra hơn 1.600 vụ học sinh đánh nhau trong và ngoài trường học, mà hầu hết đều khởi nguồn từ những mâu thuẫn nhỏ thường ngày; xuất hiện nhiều vụ nữ học sinh đánh nhau hội đồng.
Bạo lực học đường đang rất đáng lo ngại
“Một bộ phận học sinh có biểu hiện vô cảm trước hành vi bạo lực học đường, không can ngăn mà quay video đưa lên mạng như là một sự cổ súy cho các hành vi bạo lực học đường”- báo cáo nêu rõ.
Còn theo thống kê của Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an) được Bộ Giáo dục và Đào tạo dẫn lại, mỗi năm trung bình có từ 1.600 - 1.800 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện. Trong số các vụ xâm hại tình dục thì số trẻ em là nạn nhân chiếm đến 65%, đa số nạn nhân là nữ ở độ tuổi 12-15 (chiếm 57,6%).
Trong trường học, đã xảy ra nhiều vụ bạo hành, xâm phạm thân thể, sức khỏe, tinh thần trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, có trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng. Chỉ tính riêng từ đầu năm học 2016-2017 đến nay đã xảy ra 7 vụ xâm hại tình dục trẻ em nghiêm trọng, trong đó đối tượng xâm hại là thầy giáo, bảo vệ nhà trường hoặc người ngoài xâm nhập vào trường học dâm ô học sinh. Cá biệt có vụ việc xảy ra với nhiều học sinh và có vụ việc đã xảy ra trong một khoảng thời gian rất dài mới được phát hiện.
Các vụ việc giáo viên, bảo mẫu, nhân viên hành hạ, ngược đãi, bạo hành trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học thời gian qua đã gây hoang mang lo lắng cho các bậc cha mẹ, bức xúc dư luận xã hội.
Trong khi đó, pháp luật hiện hành mới chỉ có các quy định về xử lý đối với các hành vi bạo lực trẻ em, xâm hại trẻ em mà chưa có khung pháp lý quy định cụ thể, toàn diện các biện pháp xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện, an toàn, phòng chống bạo lực trong nhà trường. Sự thiếu hụt về cơ sở pháp lý này cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự thiếu thống nhất, đồng bộ trong việc tổ chức thực hiện, kiểm tra, đánh giá, xem xét môi trường giáo dục tại các trường học hiện nay.
“Thực trạng trên đã tác động lớn đến thể chất và tinh thần của trẻ em, ảnh hưởng đến tư tưởng, tình cảm, quá trình hình thành và phát triển nhân cách của trẻ em và đến cuộc sống sau này của trẻ. Việc xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường là rất cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý để ngăn chặn, đẩy lùi và từng bước chấm dứt tình trạng trên”- Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh.
Đề xuất hàng loạt tiêu chuẩn về môi trường giáo dục
Từ phân tích kể trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất xây dựng hàng loạt tiêu chuẩn về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng chống bạo lực học đường.
Đơn cử như việc đề ra quy định đặt cơ sở giáo dục không nằm trong vùng cảnh báo nguy hiểm; không gần các nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí, văn hóa và các loại hình kinh doanh, dịch vụ khác. Cơ sở giáo dục bảo đảm an ninh trật tự; an toàn vệ sinh thực phẩm; an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích; an toàn, phòng, chống cháy, nổ; an toàn, phòng, chống thảm họa, thiên tai.
Về cơ sở vật chất của cơ sở giáo dục, hệ thống tường rào, hàng rào, cổng, khuôn viên, sân vườn, cây xanh bảo đảm an toàn, vệ sinh, phù hợp mỹ quan, thân thiện với môi trường. Thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi trẻ em phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi và được sắp xếp và sử dụng an toàn, hợp lý, dễ tiếp cận.
Tài liệu, học liệu giảng dạy và học tập sử dụng trong cơ sở giáo dục bảo đảm tính khoa học, tính sư phạm, tính nhân văn và tính thẩm mỹ; không chứa đựng các yếu tố kích động bạo lực, khiêu dâm; không trái với văn hóa, lịch sử, địa lí, đạo lí và thuần phong mĩ tục Việt Nam; không có định kiến giới.
Người học được giáo dục về quyền và bổn phận của mình, được chủ động tham gia các hoạt động giáo dục, tư vấn, lắng nghe và phản hồi ý kiến.
Để xây dựng môi trường giáo dục phòng, chống bạo lực học đường, dự thảo nghị định nêu rõ: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người học, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong cơ sở giáo dục, gia đình người học và cộng đồng về hậu quả của bạo lực học đường; về trách nhiệm thông tin, tố giác các hành vi bạo lực học đường đến cơ quan, tổ chức và cá nhân có thẩm quyền, ngăn ngừa và can thiệp kịp thời đối với các hành vi bạo lực học đường phù hợp với khả năng của bản thân.
“Giáo dục, trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng, chống xâm hại trẻ em; phòng, chống bạo lực học đường; bạo lực trẻ em trên môi trường mạng cho người học. Thiết lập hệ thống kiểm tra, giám sát, thu thập và xử lý thông tin liên quan đến bạo lực học đường; quan tâm các nhóm đối tượng có nguy cơ bạo lực. Tư vấn và có biện pháp hỗ trợ ngăn chặn, loại bỏ nguy cơ bạo lực”- dự thảo đề xuất.
Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo mong muốn có quy định về việc cơ sở giáo dục có biện pháp xử lý khi xảy ra bạo lực học đường: Kịp thời xác minh thông tin và thực hiện ngay các biện pháp can thiệp, hỗ trợ các đối tượng bị bạo lực. Theo dõi, đánh giá sự an toàn của người bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại và thông tin, thông báo kịp thời với cơ quan công an, chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan để phối hợp xử lý theo quy định của pháp luật;
Dự thảo nghị định đề xuất giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì đưa nội dung, kiến thức về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường vào chương trình giáo dục mầm non, phổ thông.
Bộ Công an chỉ đạo, hướng dẫn công an địa phương phối hợp với cơ sở giáo dục bảo đảm an ninh trật tự, an toàn trường học và phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các vụ việc bạo lực học đường. Chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan kiểm tra, giám sát và xử lý các nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gây ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục. Đồng thơi phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn và tổ chức thực hiện biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục người học và tệ nạn xã hội, tội phạm khác liên quan đến người học…
|
Theo Dân trí