ClockThứ Năm, 22/09/2016 14:38

An Truyền, làng hiếu học

TTH - Làng An Truyền (xã Phú An, huyện Phú Vang) được người địa phương xưng gọi bằng một cái tên rất dân dã, thân thương: “làng Chuồn”.

Gạo dẻo, nếp thơm nơi ruộng đồng, cá tôm ngon béo nơi đầm phá và bàn tay khéo léo của những người lao động đã giúp cho làng Chuồn tạo nên nhiều đặc sản nổi tiếng khắp trong huyện, ngoài tỉnh, như bánh tét, rượu trắng, bánh khoái cá kình…

Tính từ năm 1471 (năm làng được chính thức thành lập) đến nay, làng An Truyền có bề dày lịch sử hơn 500 năm. Đình làng Chuồn được xây dựng từ thế kỷ XIV và được Bộ Văn hóa - Thông tin ra quyết định cộng nhận là Di tích lịch sử văn hóa từ năm 1994. Hàng năm, vào rằm tháng 7 âm lịch, làng mở hội Thu tế, thu hút hàng ngàn người từ nhiều làng xã trong huyện, trong tỉnh về tham dự.

Làng An Truyền là một trong những làng nổi tiếng của vùng đất Cố đô, một phần là bởi có nhiều danh nhân lịch sử - văn hóa. Anh em Đoàn Hữu Trưng, Đoàn Hữu Ái, Đoàn Hữu Trực năm 1866 đã khởi xướng cuộc đấu tranh chống lại vương triều của vua Tự Đức đòi giảm sưu cao, thuế nặng, đòi bãi bỏ lệnh huy động hàng ngàn người xây dựng “vạn niên cơ”.

Trước năm 1945, làng An Truyền có nhiều người đỗ đạt cao, được bổ làm quan trong triều, ngoài trấn. Năm 1870, ông Hồ Đắc Tuấn, người đầu tiên của làng đậu cử  nhân, làm quan tri phủ ở Ninh Giang (Hải Dương). Mười bốn năm sau, năm 1884, một người họ Hồ kế tiếp là ông Hồ Đắc Trung cũng đạt học vị cử nhân. Ông từng làm Thượng thư Bộ Học, Thượng thư Bộ Lễ kiêm Bộ Công và được triều đình nhà Nguyễn tấn phong tước Khánh Mỹ quận công.

Tiếp nối truyền thống học hành, khoa cử những năm sau này, nhiều bậc trí thức tân học của làng, bằng tâm huyết và tài năng của mình đã làm vẻ vang cho quê hương, đất nước. Không chỉ người trong làng, trong huyện mà người xứ Huế nói chung đều rất vui, rất tự hào khi nói đến tên tuổi của họ, như tiến sĩ Dược khoa Hồ Đắc Ân; giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Hồ Đắc Di; tiến sĩ luật khoa Hồ Đắc Điềm; sư bà Thích Nữ Diệu Không, nhà thơ Võ Quê…

Sau 1975, việc học hành của con em làng An Truyền ngày càng được các gia đình, các dòng họ, các tổ chức đoàn thể trong làng, trong xã quan tâm và đầu tư. Hội đồng hương An Truyền ở Thừa Thiên Huế, xây dựng “Quỹ khuyến học, khuyến tài” cho làng. Chính nhờ có những điều này và đặc biệt là sự nỗ lực học hành của các thế hệ trẻ mà năm nào, làng An Truyền cũng có hàng chục học sinh thi đậu vào các trường đại học, trong đó có rất nhiều em là thủ khoa, á khoa, là giành được các giải thưởng lớn trong các kỳ thi học sinh giỏi từ cấp huyện, cấp tỉnh trở lên…

Ngày 3/9 vừa qua, làng An Truyền tổ chức Lễ vinh danh nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia Hồ Đắc Thanh Chương và khen thưởng 32 tân sinh viên” của làng. Từ sáng sớm, đình làng rực rỡ cờ hoa, rộn ràng tiếng trống. Các già làng trong trang phục áo dài, khăn đóng, các vị khách từ tỉnh, từ huyện về, các bậc phụ huynh làm nghề buôn bán, cày cấy, lưới chài… ai cũng vui vẻ, tự hào về kết quả học hành, thi cử của con em trong làng.

Nhìn những khuôn mặt vui vẻ, thông minh của các em học sinh khi lên nhận giấy khen, nhận phần thưởng do Hội khuyến học của làng, do các nhà tài trợ trao tặng, tôi tin rằng nhất định thế hệ trẻ làng An Truyền hôm nay và sau này nữa tiếp bước các thế hệ đi trước sẽ làm tươi đẹp, làm rạng rỡ hơn cho làng quê mình - một làng quê hiếu học, một làng quê giàu truyền thống lịch sử - văn hóa bên chân sóng Tam Giang.

Trần Hoàng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Miền đất học An Truyền

Tính từ năm 1471, năm làng được chính thức thành lập theo chỉ dụ của vua Lê Thánh Tông đến nay, làng An Truyền (xã Phú An, huyện Phú Vang) đã có bề dày lịch sử hơn 500 năm.

Miền đất học An Truyền
Làng bánh bao An Truyền

Dù mưa tầm tã, gió rét hay dưới cái nắng hừng hực, những chuyến xe bánh bao vẫn cần mẫn len lỏi trong từng con hẻm nhỏ ở Huế. Tiếng rao phát ra từ chiếc loa cũ sang sảng giọng đàn ông, nhưng gồng mình dưới mưa lại là những người phụ nữ nhỏ bé.

Làng bánh bao An Truyền
Mùa dâu chín

Cây dâu có mặt ở khắp các vùng miền trên đất nước ta và mang đến cho con người rất nhiều lợi ích.

Mùa dâu chín
An Truyền tổ chức ngày hội “Tân sinh viên”

Ngày 26/8, trong không khí lễ hội Thu tế làng Chuồn 2018 (xã Phú An huyện Phú Vang), Hội đồng hương An Truyền tại Thừa Thiên Huế và bà con làng Chuồn xa quê lại tổ chức Ngày hội “Tân sinh viên” và phát thưởng học bổng khuyến học, khuyến tài của làng cho các em học sinh của làng thi đỗ đại học năm 2018.

An Truyền tổ chức ngày hội “Tân sinh viên”
Làng hiếu học bên đầm Chuồn

Nằm bên đầm Chuồn, làng An Truyền, xã Phú An gọi là làng Chuồn nổi tiếng là làng quê hiếu học của Thừa Thiên Huế.

Làng hiếu học bên đầm Chuồn
Return to top